Tự hào đồng hành cùng đất nước

QĐND - Hòa chung không khí cả nước chào đón kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cán bộ, nhân viên ngành tài chính cũng đầy ắp tự hào với chặng đường đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về sự phát triển của ngành trong 70 năm qua.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, với 70 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngành tài chính Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, phát triển, Bộ trưởng có thể khái quát một số mốc son từ khi thành lập đến khi đất nước thống nhất?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong 70 năm qua, Cách mạng Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và chúng ta đã có thắng lợi như ngày hôm nay. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ cán bộ ngành tài chính đã đồng hành cùng cả nước, không ngừng lao động, sáng tạo, phấn đấu xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu tài chính cho các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi và góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 70 năm là một chặng đường dài, với nhiều mốc son phát triển của ngành tài chính, trong đó một số dấu ấn tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của ngành gắn với lịch sử cách mạng từ khi giành độc lập đến khi thống nhất đất nước.

Mốc son đầu tiên phải kể đến là ngày 28-8-1945 - ngày thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng là ngày ra đời của Bộ Tài chính. Đây là mốc son quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự hình thành và phát triển của ngành tài chính Việt Nam . Ngày lịch sử quan trọng này hiện đã trở thành ngày truyền thống của toàn ngành.

Ngay sau khi tuyên bố thành lập, Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có vấn đề về nguồn lực tài chính. Tại thời điểm đó, ngân quỹ quốc gia tiếp quản từ chế độ cũ gần như trống rỗng (chỉ có vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng hào rách nát, chờ tiêu hủy). Để giải quyết tình thế cấp bách, phong trào quyên góp ủng hộ Quỹ Độc lập, Tuần lễ Vàng đã được phát động với sự tham gia nhiệt thành của đông đảo các tầng lớp nhân dân và những nhà tư sản yêu nước như Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện… Tổng kết Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng, cả nước đã thu được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Đây là những nguồn lực tài chính đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là câu chuyện của tài chính bắt nguồn từ lòng dân với những ý nghĩa chính trị lớn lao và còn nguyên giá trị đến tận ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vấn đề rất lớn đối với nền tài chính là phải bảo đảm chi tiêu cho bộ máy Nhà nước, cho các chiến trường, nhưng khả năng của Nhà nước lúc đó còn hạn chế, chỗ dựa duy nhất là phát hành tờ bạc độc lập. Trước tình hình đó, ngày 3-2-1946, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ in và phát hành đồng tiền tài chính Việt Nam . Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng tiền tài chính huyền thoại đã trải qua một hành trình gian khổ nhưng rất đáng tự hào và đã đi vào lòng dân với cái tên thân thuộc “giấy bạc Cụ Hồ”. Đồng tiền tài chính lấy bản vị là lòng dân và cũng chính lòng dân đã bảo đảm cho đồng tiền cách mạng vượt qua giai đoạn cam go của đất nước, trở thành vũ khí sắc bén, đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tiền tệ, bảo đảm cung cấp cho nhu cầu chi tiêu của chính quyền trong thời kỳ kháng chiến; góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho tài chính quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành tài chính. Ảnh: DƯƠNG TỬ

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước cuộc đấu tranh cam go của quân và dân miền Nam những ngày lửa đạn, ngành tài chính đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kiên định với quan điểm lấy dân làm gốc, phát huy tư tưởng tài chính dựa vào nhân dân để triển khai các phương thức huy động, phân bổ nguồn lực tài chính độc đáo, đặc sắc riêng ở miền Nam là tài chính tại chỗ. Bên cạnh đó, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành tài chính trong giai đoạn này là nhận và chuyển nguồn tiền từ Trung ương và bạn bè quốc tế để chi viện ở mức cao nhất sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt, góp phần làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

PV: Sau 40 năm thống nhất đất nước, nền kinh tế nước ta từ nghèo nàn và lạc hậu đã trở thành một nền kinh tế năng động trong khu vực, thành tựu ấy có sự đóng góp quan trọng của ngành tài chính. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quá trình phát triển của ngành, đặc biệt là giai đoạn 30 năm đổi mới đất nước?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất và bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, xuất phát điểm của chúng ta là rất thấp với một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, thiên tai liên tiếp xảy ra. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong từng thời kỳ, ngành tài chính đã tiên phong trong cải cách, nỗ lực tiến hành đổi mới và hội nhập tài chính mạnh mẽ, phá thế bao vây cấm vận của Mỹ, bình thường hóa quan hệ kinh tế-tài chính giữa Việt Nam với các nước, các nhà tài trợ quốc tế nhằm thu hút các nguồn vốn ODA, FDI cho đầu tư, phát triển. Có thể kể ra một số điểm nhấn nổi bật của ngành trong thời kỳ đổi mới như sau.

Một là, chúng ta đã mạnh dạn xóa bỏ tư duy về một nền tài chính của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hình thành những nhận thức mới về tài chính trong cải cách và xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trên cơ sở đổi mới tư duy quản lý kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta đã dịch chuyển phương thức quản lý tài chính từ hình thức hành chính, mệnh lệnh sang quản lý và điều hành tài chính, tiền tệ bằng các công cụ luật pháp, chính sách, đòn bẩy kinh tế. Sự chuyển dịch quan trọng về tư duy và phương thức quản lý chính là chìa khóa mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Hai là, ngành tài chính đã tập trung phát huy sức mạnh nguồn lực trong nước, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển nhưng không lệ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Đồng thời, trao quyền tự chủ kinh doanh, tự chủ về tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở, các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng nhằm phát huy tính độc lập, khả năng sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của đơn vị.
Ba là, hoàn thiện từng bước hệ thống thể chế, pháp luật tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) qua từng giai đoạn, trong đó tập trung tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tài chính để huy động, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính; hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tiến tới xây dựng nền tài chính hiện đại; tạo lập môi trường đầu tư thống nhất, bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế-tài chính quốc tế.

Bốn là, tiềm lực tài chính-ngân sách được tăng cường. Quy mô thu NSNN đã tăng dần qua các năm. Tỷ lệ huy động NSNN so với GDP bình quân giai đoạn 1991-2000, 2001-2010 và 2011-2015 lần lượt là 20,5%, 25,5% và khoảng 22-23%. Cùng với sự mở rộng về quy mô, cơ cấu thu NSNN cũng được cải thiện theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng, các nguồn thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm dần.

Năm là, phân bổ các nguồn lực tài chính được bảo đảm theo các ưu tiên chiến lược; thực hiện công khai, minh bạch; xóa bỏ dần tình trạng bao cấp từ NSNN. Đặc biệt, trong hai thập niên gần đây, việc phân bổ các nguồn lực tài chính được thực hiện trên cơ sở các chiến lược tài chính 10 năm, 2001-2010 và 2010-2020. Trong đó, phân bổ nguồn lực NSNN được xây dựng trên các nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên và định mức cho từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính-ngân sách trên cơ sở chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, minh bạch nhằm phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, giảm chi phí tuân thủ về mặt thời gian, con người cho mọi thành phần kinh tế. Những cải cách này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

PV: An sinh xã hội là mục tiêu ưu tiên của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Trước bối cảnh ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, xin Bộ trưởng cho biết thời gian tới, mục tiêu này sẽ được triển khai như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trong thời gian tới, tôi cho rằng cần phải rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại các chính sách để tránh trùng lắp, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng cân đối của NSNN. Theo đó, việc ban hành các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới phải đáp ứng các yêu cầu về tăng cường ưu tiên những chính sách hỗ trợ năng lực, như trang bị kiến thức, kỹ năng và thông tin cho người có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để họ tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững trên cơ sở có sự trợ giúp một phần của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần khắc phục sự chồng chéo trong ban hành chính sách. Việc xây dựng và ban hành chính sách phải trên cơ sở đầy đủ số liệu thống kê, đánh giá chắc chắn từ thực tiễn và bảo đảm cân đối đủ nguồn để thực hiện, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời tăng cường trách nhiệm trong tổ chức thực hiện của các địa phương, trách nhiệm giám sát, đánh giá của các bộ, cơ quan chủ trì trình ban hành chính sách để bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng và sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả, tiết kiệm. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu ban hành các loại hình bảo hiểm kể cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện để các đối tượng có thêm nguồn tài chính, hạn chế được những rủi ro không lường trước, tăng khả năng thoát nghèo bền vững và giảm áp lực cho NSNN.

PV: Tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2015 có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng có thể cho biết quyết tâm và một số giải pháp của ngành để hoàn thành mục tiêu của năm nay cũng như tạo tiền đề cho năm 2016?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2015, trong những tháng còn lại của năm 2015, cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2015; quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Hai là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất-kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, rút ngắn số giờ nộp thuế, tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi ở mức cao cho doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy trình quản lý thuế, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm 100% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng có chất lượng.

Ba là, phấn đấu tăng thu từ nội địa và thu xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp cho số giảm thu dầu thô, qua đó đạt và vượt dự toán NSNN năm 2015. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, buôn lậu qua biên giới. Đôn đốc các khoản phải thu theo kết quả kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật và đôn đốc cưỡng chế, thu nợ thuế. Đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế; tiếp tục làm mạnh việc thực hiện công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp nợ thuế theo quy định của pháp luật. Tiếp tục chấn chỉnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

HOÀNG TRƯỜNG GIANG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/tu-hao-dong-hanh-cung-dat-nuoc/375497.html