Từ giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Eximbank Cup năm 2012: Để bóng chuyền nữ Việt Nam có thể tiến nhanh hơn!

Ở trận bán kết và tranh hạng ba, nhiều người hâm mộ VN đã tỏ ra tiếc rẻ khi chứng kiến tuyển VN do lộ rõ những điểm yếu cố hữu trong khâu đỡ chuyền 1 và phòng thủ nên những miếng đánh tập trung cho các mũi tấn công chủ lực thường bị bắt bài.

Ngọc Hoa (giữa) - Ảnh: NAM HẢI

Nhìn lại thực lực

Tiếc rẻ, bởi tuy vắng chủ công Bùi Thị Huệ (PV Oil Thái Bình), thì khi Nguyễn Thị Xuân (NHCTVN) được tung vào sân chơi đối cầu với mũi chủ công còn lại là Đỗ Thị Minh (Thông tin Lienvietposbank) hay Trần Thị Cẩm Tú (Tân Bình TPHCM), chị đã chơi rất tự tin và tròn vai. Trong khi đó, có thể thấy chủ công Phạm Thị Yến (Thông tin Lienvietposbank) được bố trí ở vị trí đối chuyền nhờ kinh nghiệm dày dạn trận mạc của chị đã làm đội hình của tuyển VN trở nên đồng đều hơn.

Tuy nhiên, việc tuyển nữ VN phải lần lượt tung vào sân các phụ công trẻ khác như Đinh Thị Trà Giang (Vietsov Petrro) hay Bùi Thị Ngà (Thông tin Lienvietposbank) để thay thế Kim Huệ mỗi khi đội trưởng Nguyễn Thị Ngọc Hoa (VTV Bình Điền LA) phải xuống hàng sau, chỉ là những giải pháp tình thế của HLV Phạm Văn Long. Tiếc hơn bởi nếu tuyển VN không bị đối thủ khoét vào một số điểm yếu làm bào mòn sức lực của Ngọc Hoa, Kim Huệ và các học trò của ông Long chẳng mắc những sai lầm cá nhân vào thời điểm quyết định, thì họ đã có mặt ở trận đấu sau cùng của giải.

Có thể thấy, bên cạnh những “đàn chị” đã thành danh như Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Trần Thị Cẫm Tú, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Xuân và tay chuyền hai hay nhất VN hiện nay là Hà Thị Hoa (NHCTVN) đã sắp bước qua phía bên kia sườn dốc sự nghiệp, thì BC nữ VN hiện nay vẫn không thiếu những tài năng trẻ có thể hình khá lý tưởng và đầy triển vọng, như Đinh Thị Trà Giang, Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm, Đinh Thị Hương (Phòng không Không quân), kể cả sự tiến bộ vượt bậc ở vai trò VĐV libero từ cô gái trẻ vừa tròn 18 tuổi Lê Thị Kim Liên của xứ Nghệ.

Kinh nghiệm từ các đội tuyển khác

Nhiều người nhận định, ở mọi góc độ, chỉ riêng so với Thái Lan, thì bóng chuyền nữ VN ngày càng tụt hậu xa hơn về nhiều mặt. Các cầu thủ của Thái Lan dù xuất thân từ “lò” nào trong nước cũng đều có kỹ thuật cá nhân khá tương đồng, nhạy bén trong tư duy nên rất dễ lắp ráp vào đội hình chiến thuật mỗi khi thi đấu ở các CLB khác.

Trong khi đó, Đài Loan vài năm gần đây đã chọn chuyên gia Murashiba (Nhật Bản) đảm trách công việc huấn luyện tuyến trẻ và ĐTQG của họ. Bởi từ lâu, họ hiểu rằng ở Nhật Bản đã hình thành nên trường phái huấn luyện kỹ thuật hoàn hảo và xây dựng hệ thống chiến thuật hợp lý dựa trên nền tảng năng lực và tầm vóc khá khiêm tốn của người Á Đông. Do vậy, từ một vị trí khá thấp ở thời gian trước, kể từ năm 2009 đến nay, đội tuyển bóng chuyền nữ Đài Loan luôn thi đấu trên cơ và được xếp ở vị trí cao hơn ĐT nữ QGVN tại các đấu trường quốc tế.

Đó có lẽ là cũng là phương thức mới để từ đó tự xác định cho mình một lối đi ngắn và có lợi nhất tiến về phía trước của người Thái Lan, người Đài Loan mà BCVN cần rút kinh nghiêm trong việc đầu tư để phát triển thời gian tới.

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/166/2F7942/Tu-giai-Bong-chuyen-nu-Quoc-te-VTV-Eximbank-Cup-nam-2012-De-bong-chuyen-nu-Viet-Nam-co-the-tien-nhanh-hon