Từ cuộc chiến giá cước của Thái Lan, Indonesia

Một số quốc gia khu vực như Thái Lan và Indonesdia cũng đã từng diễn ra những cuộc chiến giá cước di động giữa các mạng như Việt Nam hiện nay. Gói cước sốc Big Zero của Beeline đã góp phần làm bùng nổ cuộc chiến giá cước di động, khiến các mạng khác không thể khoanh tay đứng nhìn. Ảnh T.K

Để thu hút khách hàng, các mạng di động đã phải sử dụng rất nhiều chiêu khuyến mãi mà nhiều người cho rằng, đó là một hình thức giảm giá. Nhưng, đằng sau cuộc chiến này, chuyện gì sẽ xẩy ra và Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm thế giới? Năm 2005, một cuộc chiến đã nổ ra giữa 3 nhà mạng lớn nhất Thái Lan là AIS, DTAC và True Move. Giá cước điện thoại di động ở Thái Lan lúc bấy giờ cũng tương tự như giá cước ở Việt Nam hiện nay, nghĩa là cũng được phân chia cước gọi nội mạng và ngoại mạng. Cạnh tranh khốc liệt khiến cho giá cuộc gọi di động nội mạng lập tức giảm 1 bath (khoảng 0,025 USD) cho phút đầu tiên và 0,25 bath (khoảng 0,006 USD) cho phút thứ hai đến phút thứ tư, những phút tiếp theo được miễn phí. Ngay lập tức, số phút gọi trung bình của thuê bao trả trước tăng lên gấp đôi chỉ sau 6 tháng, cùng với đó là việc tăng trưởng về số lượng thuê bao. Chỉ trong vòng 3 tháng (Quý 2/2005 – Quý 3/2005), mật độ thuê bao trung bình của Thái Lan đã tăng từ 42,5% lên 47,5%. Thế nhưng, bên cạnh số lượng thuê bao tăng, lưu lượng cuộc gọi tăng thì doanh thu của cả ba nhà mạng này lại giảm khoảng 6% và tăng trưởng đạt kết quả âm. Để đáp ứng nhu cầu về lưu lượng, các nhà mạng đã phải tăng chi phí đầu tư ban đầu lên khoảng 24%, trong đó, tăng mạnh nhất là đầu tư cho dung lượng mạng. Theo số liệu của DTAC, doanh nghiệp lớn thứ hai ở Thái Lan, nhà mạng này đã phải tăng gấp hơn 3 lần chi phí đầu tư cho dung lượng mạng (tăng từ 22% lên 68%). Để có ngân sách bù đắp cho sự gia tăng đột biến này, DTAC bắt buộc phải giảm một số khoản đầu tư như vùng phủ sóng giảm từ 55% xuống còn 22%; giảm các đầu tư khác từ 22% xuống 10%. Điều này dẫn đến việc vùng sâu, vùng xa, các vùng khó khăn sẽ bị cắt giảm đầu tư hoặc là không được đầu tư nữa để DTAC có thể trụ được trong cơn bão giảm giá. Indonesia là một ví dụ khác nhưng kết cục thì tương tự như ở Thái Lan. Năm 2007, Hutchison tham gia thị trường viễn thông tại quốc gia này và gây ấn tượng bằng cách áp dụng các chính sách miễn phí gọi nội mạng tại các thành phố lớn với mong muốn nhanh chóng có được thị phần. Chỉ 1 năm sau, nhà mạng này đã có 4,5 triệu thuê bao nhưng có đến 99,8% là thuê bao trả trước vì các khách hàng đều dùng sim của mạng này là sim thứ hai hoặc thứ ba để tận dụng chính sách miễn phí nội mạng. Chính vì vậy, ARPU (doanh thu trung bình/khách hàng) của Hutchison chỉ bằng 12% so với đối thủ cạnh tranh Telkomsel trong khi lưu lượng cuộc gọi tương đương với Telkcomsel. Người mới đến thường không có gì để mất nhưng lại có mọi thứ để thắng. Họ chỉ cần giảm giá thời gian đầu để thu hút thuê bao, khiến các nhà mạng khác phải giảm theo. Trong khi các mạng lớn đã phải đầu tư rất nhiều về vùng phủ, dung lượng mạng, thuê bao lại chạy hết sang nhà mạng chưa đầu tư gì nhiều sẽ dẫn đến những cái chết tức tưởi. Nhưng cái chết của doanh nghiệp sẽ không nguy hại bằng cái chết của nền công nghệ thông tin của một quốc gia. Bởi việc không được đầu tư sẽ khiến quốc gia tụt hậu và chậm phát triển. Công cụ hữu hiệu để kiểm soát vấn đề này chính là cước kết nối. Cùng với đó là việc yêu cầu các doanh nghiệp phải phủ sóng toàn quốc thay vì chỉ phủ sóng tại các thành phố, thị xã. Việt Nam hiện có 7 nhà mạng cùng khai thác dịch vụ di động. Với những nước mà thị trường di động đã ổn định và bão hòa thì xu hướng sẽ chỉ có 3 nhà cung cấp dịch vụ hoặc thị phần nằm chủ yếu trong tay 3 nhà cung cấp dịch vụ. Theo ICTnews.

Nguồn TTCN: http://www.thongtincongnghe.com/article/12769