Từ “bà mụ vườn” đến bệnh viện khu vực huyện

(SKDS) - Hiện nay đối với các tỉnh miền núi, khu vực vùng cao, bên cạnh việc thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực, trình độ cán bộ còn nhiều hạn chế..., còn một số yếu tố như: độ tuổi sinh đẻ, thiếu kiến thức, kỹ năng, giao thông đi lại cách trở..., được cho là những nguyên nhân tác động đến tỷ lệ các tai biến sản khoa (TBSK) ở khu vực này còn cao. Trước tình hình đó, nhiều tỉnh ở khu vực khó khăn đã tìm mọi cách để khắc phục, nhưng khó khăn vẫn ở phía trước.

Đào tạo "bà mụ vườn"

Việc đào tạo cô đỡ thôn bản - những "bà mụ vườn" được UBND tỉnh Hà Giang và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện từ năm 2007 đến nay. Tiêu chí tuyển chọn tưởng chừng đơn giản: phải là người địa phương, biết tiếng Kinh, có gia đình, biết đọc biết viết, có uy tín… hóa ra lại là cả một công cuộc sàng lọc, lựa chọn rất khó khăn của các cán bộ thôn, xã và ngành y tế.

Đào tạo cô đỡ thôn bản giúp phụ nữ mang thai yên tâm khi đến khám và đẻ.

"Có em được chọn thì tiếng Kinh nghe nói chỉ bập bẹ, có em thì vận động mãi chồng cũng không cho đi, rồi có em đi được vài ngày nhớ con quá lại bỏ về, thành ra lớp đào tạo cô đỡ thôn bản mà có đến gần một nửa là… nam giới" - BS. Trần Thị Hồng Điệp - Trưởng hộ sinh, Khoa Sản, BVĐK Hà Giang cho biết. Hiện tại các thôn, bản, ngoài cô đỡ còn có một lực lượng khác "chuyên nghiệp" hơn là cán bộ y tế thôn bản. Bình thường, các cán bộ y tế thôn bản này "kiêm" luôn cả đỡ đẻ và được hưởng phụ cấp hàng tháng là 200.000 đồng.

Nhưng khúc mắc lại ở chỗ, gần như 100% cán bộ y tế thôn bản là nam giới nên việc tiếp cận sản phụ là vô cùng khó khăn do phong tục của người Mông. Để cố gắng duy trì đội ngũ "mụ vườn" ở những địa bàn khó khăn nhất tại Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần… Tổ chức phi chính phủ Plan cũng trích hỗ trợ mỗi ca đỡ đẻ thành công của cô đỡ là 50.000 đồng và 25.000 đồng cho một lượt thăm khám cho sản phụ hằng tháng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn vô cùng khiêm tốn so với công sức những "mụ vườn".

Giảm gánh nặng tai biến

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản để thay thế Thông tư số 39/2010/TT-BYT ngày 10/9/2010 của Bộ Y tế. Dự kiến, Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Theo kết quả điều tra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cho thấy, các sản phụ bị TBSK phần lớn thường trong độ tuổi từ 20 - 34 (chiếm 75,6%) và độ tuổi từ 25 - 34 chiếm tỷ lệ cao nhất (46,6%) và gần 10% số sản phụ sinh con trong độ tuổi vị thành niên. Có đến 2/3 số sản phụ bị TBSK được vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ hay bằng xe máy, không có cán bộ chuyên môn đi cùng khi chuyển tuyến.

Quãng đường và thời gian vận chuyển thường kéo dài, nhất là đối với trường hợp người bệnh ở xa các cơ sở y tế do thiếu phương tiện vận chuyển, giao thông cách trở nên thời gian di chuyển hơn một giờ đồng hồ chiếm 27,3%... Chính vì vậy, công tác truyền thông và đào tạo cô đỡ thôn bản đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác quản lý thai nghén trước sinh.

Bởi vì, nếu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, nhất là việc thực hiện khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ và được cô đỡ thôn bản tư vấn nắm được dấu hiệu nguy hiểm cho phụ nữ mang thai sẽ giúp bảo đảm tính kịp thời cho sản phụ, phát hiện dấu hiệu bất thường và quyết định tìm kiếm dịch vụ điều trị sẽ góp phần hạn chế những TBSK đối với bản thân họ.

Thực hiện tốt việc quản lý, bồi dưỡng đội ngũ cô đỡ thôn bản có sự kết hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa y tế thôn, bản với đội ngũ này để họ có thể đỡ đẻ, xử trí các tình huống nguy hiểm của bà mẹ và trẻ sơ sinh tốt hơn trong điều kiện phụ nữ sinh con tại nhà. Tăng cường đầu tư nhân lực, vật lực cho các bệnh viện tuyến huyện, BVĐK khu vực thực hiện tốt hơn trong chẩn đoán và xử trí một cách toàn diện các trường hợp cấp cứu sản khoa và trẻ sơ sinh nhằm giảm đến mức thấp nhất việc phải chuyển phụ sản hay thai nhi lên tuyến trên.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20121122103646651p61c67/tu-ba-mu-vuon-den-benh-vien-khu-vuc-huyen.htm