Từ Hội thi "Giai điệu tuổi hồng", cần đầu tư thêm nhiều sân chơi âm nhạc dành cho tuổi học trò

(ĐCSVN) - Trước nguy cơ xâm lấn bởi các nền văn hóa âm nhạc ngoại lai, nhạc “rác”, “nhạc chế” tục tĩu tác động mạnh đến thị hiếu âm nhạc của giới trẻ, đặc biệt học sinh, sinh viên, có thể làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc thì một “liều vắc-xin” ngăn ngừa những gì xa lạ, không phù hợp với truyền thống dân tộc hoặc tạo môi trường âm nhạc lành mạnh là hết sức cần thiết.

Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" lần thứ VIII/2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội thực sự là một sân chơi bổ ích dành cho học sinh phổ thông trên toàn quốc. Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" là hoạt động văn hóa trọng tâm của tuổi trẻ học đường “Giai điệu tuổi hồng” là hội thi tiếng hát học sinh phổ thông toàn quốc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Đây là hoạt động văn hóa trọng tâm của tuổi trẻ học đường cả nước thiết thực hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường… Sau thời gian phát động (tháng 12/2008), và qua các vòng thi ở cơ sở (từ các trường, các tỉnh, thành phố), Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo học sinh phổ thông (chủ yếu là trung học phổ thông) trên toàn quốc. Chủ đề của hội thi lần này là “Hướng về nguồn cội”, các đoàn sẽ dàn dựng những chương trình biểu diễn mang đậm nét văn hóa dân tộc, khai thác các làn điệu dân ca đặc trưng của vùng miền. Đây là một trong năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với mục đích đưa dân ca và trò chơi dân gian vào trong trường học. Các tiết mục chính dự thi gồm: tốp ca, song ca, đơn ca. Múa và trình diễn nhạc cụ không phải là tiết mục bắt buộc, nhưng các địa phương đã rất linh hoạt mang đến Hội thi một chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc nhiều thể loại. Nhiều đoàn đã xây dựng chương trình mang âm hưởng dân gian, dân tộc như: hát, múa đồng dao, mô phỏng các trò chơi, trò diễn dân gian... phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông và sử dụng các tác phẩm đã tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành giáo dục năm 2008. Các tiết mục ấy tập trung phản ánh chủ đề lứa tuổi học trò, lòng biết ơn thày, cô giáo, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước... Hội thi tại cơ sở hết sức sôi động, sáng tạo, mang sắc màu độc đáo, đậm đà bản sắc mỗi vùng miền. Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" của Hà Nội hướng đến vùng đất Thăng Long – Hà Nội 1000 tuổi; các tiết mục đặc sắc của học sinh Thủ đô đã được chọn trình diễn trong buổi giao lưu nghệ thuật "Những trái tim không tật nguyền”. Đơn ca “Hạt gạo làng ta” được em Đoàn Thị Lan Anh (Hải Dương) trình bày rất hồn nhiên, tươi trẻ làm bật lên giai điệu trữ tình, chất thơ cuộc sống qua ca từ đẹp của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hòa Bình tổ chức thành công Hội thi với nhiều tiết mục sáng tạo, hấp dẫn đặc sắc văn hóa Mường, trong đó có không ít tiết mục do học sinh tự biên tự diễn. Sơn La lựa chọn tiết mục hấp dẫn, dàn dựng công phu, thể hiện hồn nhiên trong sáng văn hóa Tây Bắc. Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" Ninh Bình mang âm hưởng của Cố đô Hoa Lư với 372 thí sinh tuổi hồng đến từ 31 trường phổ thông. Hội thi Thái Nguyên mang nét đặc trưng của chiến khu Việt Bắc. Điện Biên Phủ lần đầu tiên tổ chức Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” gắn với chủ đề “Thắp sáng ước mơ”. Lạng Sơn kết hợp tổ chức Hội thi với “Tiếng hát sinh viên". Bắc Giang gắn Hội thi với chủ đề "Hướng về nguồn cội". Khánh Hòa mang âm hưởng của rừng trầm, biển yến. Các đoàn Đăk Lăk, Đăk Nông đã mang đến Hội thi hơi thở của mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió … Quy định, thể lệ Hội thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo được các địa phương thực hiện nghiêm túc từ đối tượng dự thi chủ yếu là học sinh trung học phổ thông; Hội thi cấp toàn quốc thì số lượng học sinh THCS tham gia không quá 1/3 tổng số thí sinh dự thi; Học sinh Tiểu học không tham gia Hội thi cấp này; Tổng số thí sinh của mỗi đoàn tham gia dự thi không quá 20 người (kể cả phụ họa, dẫn chương trình). Dàn nhạc (chỉ đệm nhạc) và các thành phần khác (không tham gia biểu diễn) không tính trong tổng số người nói trên; thời gian biểu diễn của mỗi đoàn không quá 30 phút. Sau các vòng tuyển từ cơ sở, Ban Tổ chức đã chọn được 35 đoàn với gần 200 tiết mục đại diện cho các vùng, miền mang đậm bản sắc văn hóa của các địa phương, trên cả nước vào vòng chung khảo. Vòng chung khảo của Hội thi khai mạc vào đêm 25/6/2009 và kết thúc trao giải đêm 29/6 tại Hà Nội. Cơ cấu giải được trao gồm 01 giải nhất, 03 giải nhì và 04 giải ba đồng thời trao kỷ niệm chương cho tất cả các đoàn dự thi. Điểm chương trình của mỗi đoàn được Hội đồng nghệ thuật chấm theo thang điểm 10, chính xác đến 0,1 và được đánh giá căn cứ vào các nội dung: Mức độ bám sát chủ đề, sắc thái dân tộc, sắc thái địa phương, sự hồn nhiên, thân thiện, tươi trẻ của học sinh phổ thông; ấn tượng để lại cho người xem về mặt nghệ thuật, nét mới trong nội dung và hình thức biểu diễn; sự kết cấu hài hòa giữa các tiết mục của toàn bộ chương trình. Nét mới của Hội thi năm nay là trong thời gian tổ chức hội thi, Ban tổ chức bố trí cho các đoàn vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm lễ báo công dâng Bác; kết nghĩa, giao lưu giữa các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội với các đoàn tham dự hội thi; các đoàn kết nghĩa, giao lưu, giúp đỡ nhau trong quá trình dự thi. Những bó hoa tươi thắm trao tặng sau mỗi đoàn biểu diễn đã thắt chặt tình đoàn kết, thân thiện xóa đi khoảng cách vùng miền. Cần có thêm nhiều sân chơi âm nhạc dành cho tuổi học trò Những Hội thi như “Giai điệu tuổi hồng”, “Tiếng hát học sinh trung học”, “Tiếng hát học sinh sinh viên”...là những hoạt động cần thiết nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo không khí vui tươi trong nhà trường. Nhưng hiện sân chơi mang tính quốc gia dành cho học sinh phổ thông (chủ yếu THPT) còn mỏng và thiếu (định kỳ 2 năm/lần/năm lẻ). Học sinh Tiểu học chưa được dự thi cấp quốc gia. Nhưng may mắn có Đồ Rê Mí - một sân chơi bổ ích trong dịp hè dành cho thiếu nhi lứa tuổi từ 5 đến 10 do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Tương tự, sân chơi cho sinh viên cũng vậy, quá ít (định kỳ 2 năm/lần/năm chẵn) trong khi đó nhu cầu thưởng thức âm nhạc đối với đối tượng này rất lớn. Hội nhập toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền văn hóa Việt Nam ở nhiều phương diện. Đời sống âm nhạc trong sự vận hành chung ấy cũng vì thế mà phong phú, đa dạng và sôi động hẳn lên. Cùng với tài sản âm nhạc Việt Nam vốn có, chúng ta có điều kiện tiếp cận với nền âm nhạc thế giới. Điều đó vừa góp phần làm giàu thêm đời sống âm nhạc nước nhà, nhưng cũng lại đặt ra nhiều vấn đề khá nan giải hiện đang tác động từng ngày từng giờ đến tuổi vốn nhanh nhạy với cái mới, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, vốn sống. Thêm vào đó, nạn "nhạc nhái", "nhạc thuổng", “nhạc chế”, ca khúc “gây sốc”, “nhạc chửi”… đang tấn công thị trường âm nhạc qua nhiều hệ thống: băng đĩa lậu, ca sĩ thể hiện, tán phát trên mạng internet... Thêm nữa, lý do khiến thị trường ca nhạc thiếu nhi thu hẹp lại là nguồn bài hát ngày một nghèo, những ca khúc dành cho thiếu nhi đã quá “già”. Quanh đi quẩn lại, mấy thế hệ vẫn có thể hát chung những bài thiếu nhi cho đến tận bây giờ, như Em mơ gặp Bác Hồ, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh, Bé bé bằng bông, Chim vành khuyên, Hạt gạo làng ta, Bông hoa mừng cô, Tiến lên đoàn viên, Em đi bơi thuyền trong thảo cầm viên, Trái đất này là của chúng mình, Chim sơn ca, Hương rừng,... Đây là hệ quả khó tránh khỏi khi số nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi vốn đã hiếm, nay lại ngày càng thưa vắng dần. Những tác giả cao tuổi, đã thành danh, hoặc đã trải nghiệm viết không thường xuyên, thậm chí có người đã buông bút. Các nhạc sĩ trẻ thì lại không mấy “mặn mà” với khu vực này. Đây là một đề tài khó, không dễ viết, nếu như xúc cảm của nhạc sĩ chưa đạt tới. Học sinh phổ thông của chúng ta đang sống trong môi trường âm nhạc chung đầy biến động, phức tạp và dĩ nhiên sự tác động đến thị hiếu thưởng thức âm nhạc với chúng là điều không tránh khỏi. Bằng nhiều lối đi khác nhau, những loại nhạc thiếu lành mạnh vô hình chung đã thấm dần, rồi xâm lấn phần tâm hồn tinh túy thơ ngây của học sinh, bất đầu từ mầm non, và hậu quả của nó là thang giá trị đạo đức của một bộ phận đối tượng này bị biến dạng. Báo động về thực trạng học sinh phổ thông phạm tội trong những thời gian gần đây có thể là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó không thể xem nhẹ nguy cơ xâm lấn bởi các nền văn hóa âm nhạc ngoại lai, nhạc “rác” làm biến dạng, méo mó thị hiếu âm nhạc lành mạnh của đối tượng đó. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, tạo cho các em có đời sống tinh thần phong phú, tâm hồn sáng trong vươn tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Đó là Nghị quyết Liên tịch về “Tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường giai đoạn 2008 - 2012” (Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh); Chương trình phối hợp số 416/CTr-BGDĐT-TWĐTN ngày 16 tháng 9 năm 2008 (giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) năm học 2008 - 2009; Kế hoạch liên ngành số 7575/KHLN-BGDĐT-BVHTTDL-TWĐTN ngày 19 tháng 8 năm 2008 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó xây dựng môi trường văn hóa học đường là một vấn đề được quan tâm; phối hợp tổ chức “Liên hoan âm nhạc học sinh, sinh viên Việt Nam lần thứ nhất” (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn FPT, Đài Truyền hình Việt Nam)... Như vậy, tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông đã được nhiều cơ quan ban ngành quan tâm bằng những hoạt động phối hợp thiết thực nhằm tạo cho học sinh phổ thông có một môi trường văn hóa lành mạnh. Tuy nhiên, tạo sân chơi cho đối tượng này phải có sự phối hợp đồng bộ của ngành giáo dục, ngành văn hóa; phải có cả quá trình đầu tư chiến lược dài lâu trong việc giáo dục thẩm mỹ ở nhà trường phổ thông bắt đầu từ cấp học mầm non. Nên tránh việc chạy theo khi thiếu tính dự báo, hoặc chỉ là giải pháp tình thế theo kiểu “hổng đâu bù đấy”... Thực tế đã quá lâu, chúng ta chưa có một cuộc vận động sáng tác viết cho thiếu nhi một cách đúng nghĩa. Cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi rầm rộ nhất cũng đã cách đây khoảng 30 năm với tác phẩm Trái đất này là của chúng mình đoạt giải nhất của nhạc sĩ Trương Quang Lục. Tình hình “phát triển” của lực lượng sáng tác ca khúc thiếu nhi như hiện nay, sẽ không quá khó để giải thích việc thiếu nhi bây giờ toàn thích nghe nhạc người lớn, yêu đương, bạo lực, thù hận không như thiếu nhi ngày trước như nhận xét của một nhà nghiên cứu âm nhạc. Cấp ủy địa phương, ngành văn hóa, giáo dục các địa phương cần nhận thức tốt vai trò âm nhạc với việc hình thành thị hiếu âm nhạc lành mạnh trong tâm hồn của học trò bởi văn hóa âm nhạc có thể đi vào tất cả mọi người, nếu chúng ta biết đưa đến cho họ những cái "Chân, Thiện, Mỹ" nhất trong mỗi tác phẩm âm nhạc, để hiểm họa "xuống cấp về văn hóa âm nhạc" không còn là mối lo ngại thường trực như hiện nay. Thiết thực nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông là một nhiệm vụ cần được thường xuyên quan tâm. Cần đầu tư chương trình dạy Giáo dục âm nhạc, trong đó âm nhạc truyền thống dân tộc là nòng cốt trong các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Nói như Giáo sư Trần Văn Khê “Đem âm nhạc truyền thống vào học đường là một phương thuốc hữu hiệu và cần thiết”. Cùng với giáo dục trong nhà trường, các hệ thống thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, Truyền hình, báo chí nên giới thiệu những bộ môn âm nhạc trong truyền thống dân gian hay bác học, giới thiệu nhạc khí, nhạc phẩm dân tộc, do những nghệ sĩ trẻ biểu diễn, có lời giới thiệu của những giáo sư có tên tuổi do những kịch sĩ, ca sĩ được quần chúng hâm mộ đọc; Những nhà xuất bản sách, đĩa hát nên chú ý phát hành văn hóa phẩm liên quan đến âm nhạc… Học sinh phổ thông nên được nghe nhiều hơn những tác phẩm âm nhạc lành mạnh, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Vì âm nhạc chính là liều thuốc bổ cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ có được khả năng tiếp cận, hấp thụ những giá trị đích thực, những cái đẹp cao quý. Mà điều này không thể thiếu được trong việc hoàn chỉnh nhân cách của học sinh. Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” là sân chơi bổ ích cho các em học sinh phổ thông trung học, là nơi để các em giao lưu học hỏi, là nơi để các trường học trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, định hướng thẩm mỹ văn hóa văn nghệ cho các em học sinh. Mong sẽ có thêm nhiều sân chơi như thế giúp học sinh phổ thông có môi trường văn hóa lành mạnh và thân thiện.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=347614&co_id=30071