Truyền thông và bệnh sởi

1. Từ chỗ chỉ có năm tỉnh, thành với hơn 300 ca mắc sởi trong những ngày đầu, thông tin mới nhất cho thấy dịch sởi đã lan ra 24 tỉnh, thành, với hơn 500 ca mắc và bảy trẻ tử vong.

Nguyên nhân bùng phát sởi cho đến nay được xác nhận vì trẻ không được tiêm vắcxin sởi đầy đủ. Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, phó khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, giải thích: “Để khỏi mắc sởi, trẻ cần được tiêm đủ hai mũi. Mũi đầu tiên lúc chín tháng và mũi nhắc lại lúc 18 tháng. Nhưng từ khi có vắcxin dịch vụ 3 trong 1 (ngừa sởi, quai bị và rubella) dành cho trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi, nhiều phụ huynh được nhân viên y tế khuyến cáo để trẻ được 12 tháng tuổi chích một lần cho tiện, vì thế bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa sởi cho trẻ trong năm đầu tiên. Nhưng trẻ không được tiêm đủ vắcxin sởi cũng do tâm lý lo sợ vì những phản ứng sau tiêm chủng được báo chí đăng tải thời gian qua”.

Dịch sởi đã lan ra 24 tỉnh, thành, với hơn 500 ca mắc và bảy trẻ tử vong. Ảnh: mang tính minh họa

Công tác ở tuyến cơ sở, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, trưởng trạm y tế phường 9, quận 10, TP.HCM, xác nhận: “Hàng tháng nhân viên y tế chúng tôi bỏ công sức mời người dân ra chích ngừa, nhưng nhiều người không chích một phần vì tin tư vấn của bác sĩ tuyến trên, một phần vì hoang mang trước thông tin về những ca tai biến vắcxin”.

Dù chưa được nghiên cứu ở nước ta, nhưng chuyện công chúng hoang mang về chích ngừa do giới truyền thông gây ra đã được xem xét ở một số nước trên thế giới. Nghiên cứu “Truyền thông nguy cơ và lợi ích của vắcxin – những bài học từ lĩnh vực y học” (Communicating vaccine benefit and risk – lessons from the medical field) công bố trên tạp chí Veterinary Microbiology năm 2006 của Joanne Yarwood cho thấy nếu một căn bệnh ít được nói đến, nỗi lo của người dân về bệnh này sẽ biến mất mà nhường chỗ cho nỗi lo về sự an toàn của vắcxin.

Trong nghiên cứu của mình, Joanne Yarwood dẫn ra một số tựa đề báo chí gây sốc khi đề cập đến mối liên quan giữa vắcxin MMR (ngừa sởi, quai bị và rubella) và bệnh tự kỷ, một công trình nghiên cứu của bác sĩ Andrew Wakefield công bố trên tạp chí Lancet vào năm 1998. Trong năm năm từ 1998 – 2003, do giới truyền thông “say sưa” với chủ đề này, niềm tin của các bà mẹ vào vắcxin MMR giảm sút, khiến tỷ lệ trẻ chích ngừa ở Anh giảm rõ rệt. Kết quả là dịch sởi đã bùng phát ở một số địa phương nước này, khiến nhiều trẻ nhập viện và tử vong. Năm 2010, y học xác nhận nghiên cứu của bác sĩ Andrew Wakefield vô giá trị và bài báo của ông cũng bị rút khỏi Lancet. Từ đó đến nay, đây được xem là bài học kinh điển cho giới truyền thông khi thông tin về “tai biến sau chích ngừa”.

2. Chức năng của báo chí là thông tin sự thật và người làm báo là tấm gương phản chiếu một cách khách quan hiện thực này đến với bạn đọc. Không ít người làm báo sẽ lý luận như thế để phản đối việc họ chịu trách nhiệm trong việc gây hoang mang cho công chúng về “tai biến sau chích ngừa”.

Nhưng khách quan như thế nào là chuyện đáng bàn vì trong cuốn Đạo đức báo chí (Journalism Ethics), tác giả Christopher Meyers cho biết một hiện thực khi đến với người đọc có thể bị nhiễu bởi một số yếu tố trung gian như khả năng nhận dạng hiện thực của người viết, kiến thức của người viết trong việc đánh giá thông tin và sức mạnh của thị trường (nhu cầu bán báo, lấy lòng độc giả).

Viết trên tờ The Guardian năm 2003 về những lùm xùm của báo chí Anh trong vụ vắcxin MMR, bác sĩ Ben Goldacre, phát thanh viên đồng thời là nhà nghiên cứu báo chí nổi tiếng của Anh, thừa nhận: “Các nhà báo không được sử dụng để giúp cho bạn mạnh khỏe, hoặc ngay cả cung cấp thông tin cho bạn. Nhiệm vụ của chúng tôi là bán độc giả cho những nhà quảng cáo, làm bạn tiêu khiển và kinh nghiệm đã dạy chúng tôi rằng chúng tôi có thể làm điều đó rất hiệu quả với những câu chuyện kinh hãi”.

3. Ngày 10.2, cục Y tế dự phòng đã ra công điện khẩn gửi sở y tế các địa phương đề nghị tăng cường phòng chống dịch sởi đang lây lan với tốc độ nhanh. Không loại trừ, một số địa phương sẽ tiến hành tiêm vắcxin đại trà để dập dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, nói: “Dịch sởi rất dễ dập, chỉ cần bung ra tiêm đại trà là số ca mắc giảm xuống ngay”. Nhưng ông băn khoăn: “Câu chuyện là sau vụ việc này giới truyền thông sẽ học được gì? Liệu họ có nhận thức được tác động mạnh mẽ của báo chí đối với công chúng như thế nào để có những bài viết sòng phẳng và có trách nhiệm với xã hội?”

“Trách nhiệm xã hội” ở đây có lẽ không cần to tát, đơn giản chỉ cần theo những nguyên tắc mà các trường lớp báo chí vẫn giảng dạy. Trong trường hợp này, khi thông tin về những ca tai biến tiêm chủng, người viết cần nói rõ bối cảnh xảy ra câu chuyện, lý giải ban đầu của ngành chức năng, ý kiến những người trong cuộc thay vì những thông tin ngắn ngủi, trần trụi dễ làm người dân sợ hãi. Và trách nhiệm hơn, khi bên cạnh thông tin về tai biến, giới truyền thông cũng cần nói rõ giá trị của tiêm chủng.

Hơn 500 ca mắc và bảy trẻ tử vong vì sởi, phía sau con số này là gì? Chắc chắn là những đau khổ vì mất mát người thân và cả những thiệt hại lao động mà người thân phải bỏ ra khi chăm sóc một trẻ mắc sởi. Vẫn chưa hết, theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ mắc sởi rất dễ bị biến chứng suy dinh dưỡng, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội, và để phát triển lại được bằng trẻ bình thường những trẻ này phải mất nhiều năm. Liệu đây có phải là cái giá cuối cùng những đứa trẻ và gia đình chúng phải trả cho đợt bùng phát sởi lần này không?

Trả lời trên một tờ báo, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, viện trưởng viện Pasteur TP.HCM, khẳng định: “Chúng ta phải khách quan nhìn nhận khi tiêm vắcxin nói chung, từng cá thể có thể có rủi ro nhưng đối với cộng đồng thì tiêm vắcxin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm (có vắcxin dự phòng). Vắcxin phòng bệnh là tiến bộ của khoa học mang lại lợi ích sức khỏe cho cộng đồng vô cùng to lớn, cần được phát huy và ứng dụng”.

Ngay cả ở những quốc gia phát triển, sởi cũng chỉ được phòng ngừa bằng hai mũi chích đơn giản như ở nước ta. Nhưng hành động đơn giản này đã không được thực hiện khi nhiều phụ huynh không dám đưa con đi chích khi tiếp nhận những thông tin trần trụi về tai biến chích ngừa mà giới truyền thông đăng tải.

Phan Sơn

Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát

TS Trần Đắc Phu, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, những nước láng giềng, thậm chí địa bàn ngay sát biên giới với Việt Nam đang xuất hiện nhiều dịch bệnh. Mối lo lớn nhất của ngành y tế hiện nay là chủng cúm H7N9 và H5N1. Đặc biệt, nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch bệnh cúm A/H5N1) trên các đàn gia cầm, thủy cầm và lây bệnh sang người.

Dịch sởi cũng đang có dấu hiệu bùng phát tại miền Bắc, tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi và Hà Nội; ở miền Nam mới xuất hiện tại TP.HCM. Chỉ riêng bệnh viện Nhi Trung ương đã có bảy ca tử vong.

TS Trần Đắc Phu cho rằng, dịch sởi sẽ có xu hướng lan rộng và diễn biến phức tạp. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch sởi, đồng thời phải có kế hoạch tiêm vét vắcxin phòng sởi.

L. Hà

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/187268/truyen-thong-va-benh-soi.html