Trưởng thành qua những chuyến đi

Thanh niên Bộ Xây dựng tham gia chuyến tình nguyện cùng Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tại địa bàn tỉnh Hà Giang.

Chưa một lần tham gia những chuyến đi tình nguyện xa, dài ngày, thế nên khi nhận được thông tin về chuyến đi do Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng phát động, tôi không khỏi háo hức, và quyết định “ghi tên” tham dự. Chuyến đi thực sự bổ ích với những hoạt động có ý nghĩa, giúp tôi trưởng thành hơn và khỏa lấp những mong ước dang dở chưa kịp thực hiện khi còn là sinh viên.

Ngày xuất phát, phút đầu gặp gỡ những người cùng đoàn tình nguyện là những ánh mắt như e ngại, rụt rè, lâu lâu nở nụ cười chào hỏi ngượng ngùng. Thế nhưng, sau ba ngày hai đêm gắn bó với đoàn, tôi đã nhận ra rằng, đây không phải chỉ là chuyến công tác như mọi khi, không phải chuyến đi chỉ là đi “thử một lần cho biết” như tôi nghĩ ban đầu, mà đó là một chuyến đi thật ấn tượng và đã đọng lại trong tôi một cảm xúc khó quên.

Địa điểm mà tôi cùng đoàn đặt chân đến trong chuyến đi này là xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, một vùng đất còn nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở, hoang vu với bạt ngàn núi đồi. Sau chặng đường hơn 400km đầy gian nan, đoàn cũng tới được với thị trấn Đồng Văn - địa điểm nghỉ đầu tiên trước khi tới xã Lũng Táo.

Vào ngày thứ hai của hành trình, buổi sáng hôm ấy trời se lạnh, những làn sương mù dày đặc bao phủ khắp nơi, khiến ai nấy trong chúng tôi cũng đều cảm thấy lạnh buốt. Nhưng cái lạnh giá ấy dường như tan biến mất khi chúng tôi cùng tới dự lễ chào cờ buổi sớm cùng các anh Bộ đội Biên phòng Lũng Cú - địa điểm cực Bắc của Tổ quốc - khiến cho không chỉ tôi, mà ai trong đoàn cũng có cảm xúc về đất nước thật thiêng liêng.

Và sau nhiều giờ di chuyển vượt qua những đoạn đường gập ghềnh, chúng tôi đã đến được trường tiểu học xã Lũng Táo. Bước chân vào ngôi trường đã thấy các em và dân bản đang chờ đón với ánh mắt mong ngóng từ rất lâu rồi. Trong tiết trời mùa đông giá buốt của vùng cao, các em mặc phong phanh, đôi chân trần lấm đầy bùn đất, không có những đôi giày ấm để đi khiến ai cũng ngậm ngùi xót xa. Chúng tôi nhanh chóng trao các phần quà là những manh áo ấm, các đồ dùng cần thiết cho các em nhỏ và người dân trong bản.

Tiếp đó, đoàn sắp xếp cho bà con được đăng ký khám chữa bệnh. Đây là xã biên giới có hơn 95% đồng bào người Mông sinh sống. Điều kiện địa hình núi đá cao, dốc, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn và khí hậu khắc nghiệt đã tạo nên những khó khăn nhất định cho đồng bào nơi đây, đặc biệt là những khó khăn về việc khám chữa bệnh. Đi đến những vùng cao như thế này, tôi mới thật sự thấy được nhu cầu về khám, chữa bệnh của người dân nơi đây lớn và khó khăn đến mức nào.

Theo một cán bộ xã cho biết, khi được biết đoàn chúng tôi đến sẽ có kết hợp khám chữa bệnh, người dân ở đây đã háo hức đến chờ từ rất sớm. Việc khám, chữa bệnh nhanh chóng được tiến hành với các khâu như: đăng ký khám chữa bệnh, đo huyết áp, khám bệnh, phát thuốc… theo dự kiến ban đầu sẽ có 100 người đến khám, nhưng sau đó con số đó tăng lên gấp nhiều lần.

Sau khi hoàn tất các công việc, cả đoàn đã thấm mệt, chúng tôi chia tay các em nhỏ và những người dân bản để trở về địa điểm nghỉ ngơi của đoàn. Thực sự quá nhiều cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Những ánh mắt các em nhỏ lưu luyến khi chúng tôi chào từ biệt, rồi những cái bắt tay vội vàng nhưng đầy tình cảm của những người dân, khiến ai nấy cũng đầy bịn rịn.

Chuyến đi tình nguyện mang Tết ấm yêu thương đến cho bà con các dân tộc vùng cao biên giới lần này, giúp tôi có thêm một trải nghiệm tuyệt mới. Tuy rằng, hoạt động ở quy mô nhỏ, và chưa thể đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu của người dân nơi đây, nhưng chuyến đi là thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, tình nhân ái và lòng yêu thương của con người dành cho đồng bào ở những vùng còn khó khăn của đất nước. Nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay bịn rịn phút chia ly… sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục những hành trình tương tự trong tương lai.

Tuyết Hạnh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/truong-thanh-qua-nhung-chuyen-di.html