Trường nghề ở Hà Nội khó khăn trong tuyển sinh

Chiều 6/7, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và lãnh đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã làm việc với một số trường dạy nghề công lập trên địa bàn Hà Nội về tình hình công tác đào tạo nghề hiện nay.

Hiện các trường dạy nghề trên địa bàn Hà Nội rất tích cực trong việc đổi mới giáo trình, nâng cấp trang thiết bị dạy và học cho phù hợp với các chương trình khung do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường và người học để đào tạo những ngành nghề mới thay thế ngành nghề cũ… Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất mà các cơ sở đào tạo nghề gặp phải là công tác tuyển sinh bởi đầu vào thường không đạt chỉ tiêu đặt ra. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do tình trạng nở rộ các trường cao đẳng-đại học trên địa bàn những năm gần đây (khoảng 385 trường) cùng chính sách học liên thông từ trung cấp lên đại học, cộng với tâm lý sính bằng cấp khoa cử của người dân đã khiến xu hướng lựa chọn nhóm trường cao đẳng-đại học "đè bẹp" cơ sở đào tạo nghề. Bên cạnh đó, cơ sở trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề (nhất là trường trung cấp nghề công lập) chậm được đầu tư đổi mới, mặt bằng cơ sở trường lớp còn chật hẹp, xuống cấp cũng là nguyên nhân không hấp dẫn được người học. Chế độ tuyển dụng và đãi ngộ nhằm thu hút giáo viên dạy giỏi vào làm việc tại các cơ sở dạy nghề cũng còn bất cập, hạn chế chất lượng đào tạo… Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các trường nghề chủ động hơn nữa để phát huy nội lực, sáng tạo trong công tác đào tạo nghề. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội làm việc riêng với 7 trường trung cấp nghề công lập trên địa bàn cũng như các cơ sở đào tạo nghề nói chung để tổng hợp các kiến nghị về việc hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động. Trước mắt, Sở Nội vụ cần xem xét và sớm xây dựng chính sách lương, phụ cấp và chế độ tuyển dụng giáo viên, nhân viên khối các trường nghề sao cho phù hợp với điều kiện, cơ chế đặc thù riêng của Hà Nội; phấn đấu để các trường nghề trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu có trên 50% số lao động được đào tạo nghề trong vòng 5 năm tới như Nghị quyết của thành phố đã đặt ra./. Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/truong-nghe-o-ha-noi-kho-khan-trong-tuyen-sinh/20117/96408.vnplus