Trường hợp không cần khoan dung

Tháng 5.1972, “Mùa hè đỏ lửa” ở Quảng Trị và “đỏ lửa” nhất là ở Thành cổ! Theo “Lệnh Động viên cục bộ”, do Chủ tịch Nước - Tôn Đức Thắng - ký, sinh viên mọi trường đại học, cao đẳng, trung cấp miền Bắc, rầm rập lên đường nhập ngũ.

Chiến sĩ Quân Giải phóng ở mặt trận Quảng Trị. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng

Lúc ấy, tôi, một sinh viên năm thứ 4, năm cuối Khoa Vật lý, Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội II - gồm các khoa tự nhiên, ĐHSP Hà Nội I - gồm các khoa xã hội, ĐHSP Hà Nội III - gồm các khoa ngoại ngữ, cũng không là ngoại lệ, trừ những ai không đủ tiêu chuẩn sức khỏe hạng C. Khóa 4 chúng tôi lúc ấy có 4 lớp, số sinh viên (và cả các giảng viên trẻ) nhập ngũ, vào cỡ một đại đội. Các khóa 3, 2, 1 trong khoa, cũng vậy. Thế là chỉ riêng Khoa Vật lý của tôi năm ấy, số người nhập ngũ đã cỡ một tiểu đoàn thừa. Nếu tính cả người của các khoa, các trường khác, số sinh viên và giảng viên trẻ nhập ngũ đợt ấy, lên đến cả sư đoàn.

Tháng 1.1973, Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết, trong đó có điều khoản, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đơn vị tôi được phép rời Khu Bốn cũ, quay về đóng quân ở Thậm Thình, Lâm Thao, Vĩnh Phú khi ấy, để chờ nhiệm vụ khác.

Rạng sáng nọ, Tiểu đoàn tôi (D18 - Thông tin) - trực thuộc Sư đoàn (F308b - F308), vốn có tới bảy, tám mươi phần trăm là sinh viên, đang yên giấc, chợt còi báo động hành quân. Vốn quen nếp sống thời chiến, rất nhanh, toàn tiểu đoàn đã xếp hàng đầy đủ. Lệnh hành quân. Không ai biết là đi đâu, làm gì? Có cả Đại tá Sư đoàn trưởng đi cùng.

Đi khoảng 1 cây số, có lệnh dừng, tập hợp lại bên đường, để nghe Sư đoàn trưởng huấn thị. Sư đoàn trưởng - Đại tá M.H. - đứng lên một mô đất cao và bắt đầu huấn thị. Ông nói ngắn, rõ ràng, rành mạch, tôi không thể nào quên. Lời huấn thị, gần như nguyên văn, như sau: “Tôi nghe chỉ huy của các anh báo cáo rằng, trong ba lô của các anh, không ai không có từ điển và giáo trình đại học! Như thế tức là... các anh không toàn tâm toàn ý với cuộc kháng chiến! Bây giờ, toàn tiểu đoàn mở ba lô! Ai còn những thứ đó, vứt hết cả đi! Không ai còn được nghĩ tới ngày quay về trường nữa!”.

Đợi chúng tôi bỏ hết từ điển, giáo trình..., ông nói tiếp: “Nghe tao - ông không đùng đại từ nhân xưng cũ nữa - nói đây! Rồi ông vỗ bồm bộp vào ngực - Tao, M.H., xuất thân xạ thủ đại liên, trình độ văn hóa lớp 4, thế mà bây giờ cũng là Đại tá Sư đoàn trưởng. Đ. cần học! Còn vương vấn thế, chiến đấu thế nào được?”.

Rồi, ông dặn chúng tôi, phải thế mới là lính chiến... Một lúc sau, ông hạ lệnh cho chúng tôi về doanh trại, ngủ tiếp để sáng mai tập tiếp.

Sự nghiêm trang, nghiêm khắc, “sống sượng” của ông khiến chúng tôi bị “sốc” - vừa sợ hãi, vừa ngơ ngác ngạc nhiên, vừa cảm động, nhưng trong lòng thì chưa phục, vì vậy mà rất phân vân! Học nhiều thì đánh giặc càng tốt hơn mới phải chứ, sao lại không cần học? Ừ, nhưng nhỡ ra, trong lòng chúng tôi còn vương vấn thật, còn chưa toàn tâm toàn ý thật, thì sao?...

Thôi kệ! “Quân lệnh như sơn”, không bàn! Phân vân hay bất phục thì cũng tự “đào sâu chôn chặt”!

Hơn 20 năm sau, nhân ngày nhập ngũ, D18 Thông tin xưa tổ chức gặp mặt đồng đội, “mời tất cả những ai có thể mời được”, tại trụ sở UBND Phú Thượng, gần chân cầu Thăng Long. Chúng tôi đánh xe tới tận nhà riêng Sư trưởng cũ, mời ông về dự. Ông về, đầu bạc trắng, móm mém, hao gầy - hơn 80 tuổi trời rồi còn gì! Mời ông nói, ông bảo: “Tôi già quá rồi! Tôi nhờ Đại tá Đỗ Trung Lai chủ trì hộ! (lúc ấy, tôi cũng vừa được phong hàm Đại tá)”.

Vâng lời ông, thấy trên tường UBND có treo cờ Tổ quốc, tôi đứng dậy thưa với ông và mọi người: “Hơn 20 năm nay, chúng ta không còn được chào cờ cùng nhau nữa. Hôm nay, trên tường có cờ, chúng mình cùng nhau chào nhé!”.

Nói rồi, tôi hô: “Nghiêm! Chào cờ, chào!” thật to, và tất cả chúng tôi vừa chào cờ vừa hát quốc ca, to, đều hơn cả ngày xưa, vừa hát vừa rơi nước mắt.

Suốt buổi họp mặt, không ai nhắc tới đêm báo động hành quân năm 1973, không ai phân vân về chuyện “Đ. cần học!” ngày ấy, chỉ thấy vừa kính, vừa thương, vừa yêu khôn xiết, mái đầu bạc đã từng trải từ chống Pháp cho tới buổi chúng tôi trưởng thành.

Vậy ông có cần chúng tôi khoan dung không? Và chúng tôi có cần khoan dung không? Chắc chắn, ông không cần chúng tôi khoan dung. Mà nếu ông có cần, chúng tôi cũng không làm. Đường ông đi như vậy và ông truyền lại cho chúng tôi như vậy. Câu chữ cụ thể có thể khác nhau, có thể dễ nghe hay khó nghe, nhưng cái tinh thần “Một đi không trở lại” của thế hệ ông thì luôn đúng. Nó cũng đúng với tất cả những ai lên đường giết giặc, cứu nước.

Bây giờ, trong cái thời mà làm gì cũng cần “chất xám” nhiều hơn, chắc không một Đại tá nào nói với lính như vậy. Nhưng, cái tinh thần ấy thì còn mãi và nó không bao giờ cần đến sự khoan dung!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/truong-hop-khong-can-khoan-dung-516178.bld