Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Có thể đưa lạm phát về dưới 2 con số

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bên lề Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, ông Trương Minh Chiến – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thực hiện được những giải pháp mà Nghị quyết Quốc hội đưa ra với tinh thần khẩn trương tích cực và đồng bộ, thì mục tiêu đưa lạm phát năm 2012 về dưới 10% là có thể thực hiện được.

(ĐCSVN) –

Ông Trương Minh Chiến
(Ảnh: Thế Dương)

Ông Trương Minh Chiến: Ngày 09/11/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT – XH năm 2012 với 90,40% số phiếu tán thành. Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 đã xác định sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế năm 2012 được xác định như: Tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6% - 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%.

Kế hoạch cũng xác định trong năm 2012 tạo khoảng 1,6 triệu việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt đạt 46%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng ở các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,6 %...

Như vậy, trong các chỉ tiêu của Nghị quyết chúng ta thấy là năm 2012, Quốc hội tập trung kiềm chế lạm phát và đặt nhiệm vụ này ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế và tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô một cách năng động và hiệu quả hơn, tính khả thi cao hơn.

PV: Theo ông, mục tiêu phấn đấu đưa lạm phát về dưới 10% trong năm 2012 có khả thi hay không bởi thực tế những năm gần đây lạm phát luôn vượt mức 2 con số?

Ông Trương Minh Chiến: Để thực hiện các mục tiêu trên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Quốc hội cũng đề ra 9 giải pháp, nhiệm vụ chính, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu nền kinh tế.Trong đó, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Đồng thời, thực hiện điều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu v.v… kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm.

Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2011 để giảm bội chi, tăng trả nợ hoặc giảm vay nợ. Kiểm soát chặt chẽ và giảm tối đa nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Tôi tin rằng, thực hiện được những vấn đề như trên với tinh thần khẩn trương tích cực và đồng bộ, tất nhiên mục tiêu đưa lạm phát năm 2012 về dưới 10% là có thể thực hiện được.

PV: Việc cắt giảm đầu tư công được coi là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát. Xin ông cho biết, việc cắt giảm đầu tư công ở tỉnh Bạc Liêu được thực hiện như thế nào trong năm vừa qua? Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Bạc Liêu có những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Trương Minh Chiến: Năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11/NQ- CP của Chính phủ về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tỉnh Bạc Liêu đã đình hoãn và giãn tiến độ với 21 dự án, số vốn được điều chuyển sang dự án khác là 31,43 tỷ.

Trong đó, tổng số dự án hoãn tiến độ là 17 dự án (gồm 11/15 dự án khởi công mới và 6 dự án chuẩn bị đầu tư). Có 04 dự án thuộc dạng khởi công mới nhưng do có quy mô nhỏ, chủ yếu là công trình sửa chữa, phục vụ nhu cầu sử dụng mang tính bức xúc và đã triển khai thực hiện trước thời điểm 24/3/2011 nên không thực hiện được việc hoãn khởi công.

Riêng 17 dự án, danh mục chương trình khởi công mới thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia do phải bố trí đúng mục tiêu, đối tượng và đảm bảo tiến độ chung của từng Chương trình nên không thực hiện việc đình hoãn.

Đối với nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và Chương trình Mục tiêu quốc gia, việc rà soát đình hoãn, giãn tiến độ được tiến hành trước khi ra quyết định phân bổ kế hoạch 2011, nên không thực hiện việc điều chuyển vốn trong đợt này vì đã cắt giãm trực tiếp trong quyết định phân bổ.

Còn đối với nguồn vốn do huyện, thị quản lý thì do số vốn phân cấp ít, nhu cầu của các đơn vị rất lớn, các công trình đều có tổng mức đầu tư nhỏ, thời gian thực hiện trong năm 2011 và phần lớn đã triển khai thực hiện trước thời điểm 24/3/2011 nên gần như các huyện thị không có đối tượng đình hoãn, giãn tiến độ.

Chúng tôi đánh giá, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công trên địa bàn tỉnh, mặc dù cũng có một số khó khăn nhất định, tuy nhiên những công trình chưa thật sự bức xúc nên việc cắt giảm không ảnh hưởng nhiều đến phát triển KT – XH năm 2011 của tỉnh Bạc Liêu.

PV: Thưa ông, tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất, kiến nghị những vấn đề gì về giải pháp để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và giai đoạn 5 năm 2011 – 2015?

Ông Trương Minh Chiến: Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, tại kỳ họp này, chúng tôi cũng có một số kiến nghị về giải pháp.

Thứ nhất, chúng tôi đề nghị cần tập trung đầu tư phát triển sản xuất, tạo sự bức phá mới trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, không nên đầu tư dàn trải mà có định hướng và trọng tâm, trọng điểm để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng xuất khẩu lương thực và ổn định an ninh lương thực.

Thứ hai, ngoài việc tăng chi cho con người, cho an sinh xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm để nâng cao đời sống nhân dân, thì cần quan tâm hơn đến đầu tư cho vùng nông thôn, miền núi….nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Ngoài ra, Đoàn chúng tôi cũng đề xuất tăng cường công tác giáo dục và đào tạo, tạo nguồn nhân lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng đất nước trong những năm tiếp sau.

PV: Xin cảm ơn ông !

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=491113&co_id=30106