Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS,TS Nguyễn Văn Minh (Tiếp theo kì trước)

Cuộc bầu cử “dân chủ giả tạo” ở Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) là nỗi đau chưa từng có của trường này khiến các GS trung thực thất thế. Gian dối, không trung thực trong hồ sơ tranh cử PGS,TS Nguyễn Văn Minh lại trúng Hiệu trưởng, dựng "bè cánh", những cuộc thanh trừng ngầm diễn ra...

Bầu Hiệu trưởng từ bản khai lí lịch 2C trái mẫu và thanh trừng ngầm người đối kháng

Chưa có nhiệm kì nào Trường ĐHSP Hà Nội bầu Hiệu trưởng lại khó khăn và để lại nỗi buồn như nhiệm kì thứ 12 (2012 - 2017) bầu tân Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Những sai phạm tổ chức bầu Hiệu trưởng, Hiệu phó của trường lộ cái vỏ bên ngoài "dân chủ", bên trong là sự xếp đặt có chủ ý…

Không phải ngẫu nhiên Trường ĐHSP Hà Nội lại tự ban hành mẫu khai lí lịch tự thuật (không đúng mẫu 2C/TCTW và mẫu Sơ yếu lí lịch chuẩn, do Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Tư pháp quy định). Theo mẫu lí lịch tự thuật do trường ĐHSP Hà Nội ban hành, cấp cho 10 cán bộ có thư giới thiệu để bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng kê khai và thông báo số 441/TB-ĐHSPHN ngày 4/11/2011 của trường, các ứng viên không phải khai hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị gia đình, bố mẹ, anh chị em ruột và gia đình bên vợ. Khai theo mẫu lí lịch tự thuật này, có 9/10 ứng viên, sinh sau năm 1954 ở miền Bắc, họ không tham gia gì cho đế quốc thực dân (trừ cha mẹ anh em của họ là những người lớn tuổi, nhưng phần này lại không phải khai). Riêng ứng viên PGS,TS Nguyễn Văn Minh sinh năm 1963, tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, gia đình sinh sống dưới thời Mỹ, ngụy trước năm 1975, nhưng mẫu lí lịch lại không phải khai. Cũng vì lí do chính trị của gia đình, ở tuổi 46, sau 26 năm dạy học, ông Minh mới được kết nạp Đảng tháng 5/2009, còn GS.TSKH Đỗ Đức Thái ở tuổi 50, sau 28 năm dạy học mới được kết nạp Đảng 9/2011. Hai ứng viên này ít tuổi Đảng nhất so với 8 ứng viên khác. Trong 2 ngày 11/11 và 14/11/2011 Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức bầu Hiệu trưởng mới, ông Đỗ Đức Thái được số phiếu cao nhất (65%), tiếp đến các GS,TS Vũ Văn Hùng; PGS,TS Đỗ Việt Hùng; PGS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng. Nhưng Bộ GD&ĐT không bổ nhiệm Hiệu trưởng cho ông Thái (lí do ông không khai lí lịch chính trị có liên quan đến người cha làm việc cho Pháp). Bộ chỉ đạo Trường ĐHSP Hà Nội bầu Hiệu trưởng lần 2. Đảng ủy nhà trường chọn ông Đỗ Việt Hùng và Đặng Xuân Thư vào chung kết. GS,TS Vũ Văn Hùng; PGS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng có số phiếu cao trong lần 1 bầu cử Hiệu trưởng, bị loại. Trong danh sách 10 cán bộ có thư giới thiệu, có tên GS,TS Đặng Văn Soa, Phó khoa Vật lí, đến tháng 5/2013 mọi người mới biết ông Soa cũng có tên và ông Soa mới biết chuyện này. Văn bản 441 được gửi cho lãnh đạo các đơn vị trong trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu, không có lí gì cùng Khoa Vật lí, PGS,TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa nhận được để gửi lí lịch tự thuật tham gia ứng cử Hiệu trưởng, còn GS,TS Đặng Văn Soa lại không biết. Một bàn tay "vô hình" lộ rõ trong lần 2 bầu cử Hiệu trưởng thông qua việc lí lịch các nhân sự Đảng ủy lựa chọn trước khi bầu, không được dán công khai để cán bộ giảng viên xem xét cho ý kiến lại theo kiểu "mù mờ", đã loại các Giáo sư danh tiếng tạo cơ hội cho ông Minh trúng cử sáng 22/3/2012. Ngay chiều đó, ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT, lại tuyên bố hoãn bầu Hiệu trưởng. Sau thời gian "cân nhắc" hay "ngoại giao…". Bộ bổ nhiệm ông Minh làm Hiệu trưởng, (không thẩm tra lại lí lịch chính trị của gia đình ông Minh)? Những "bí ẩn chính trị" của gia đình ông Minh qua điều tra của phóng viên lộ rõ, đây là đại gia đình ngụy quân ngụy quyền. Ông Minh là đảng viên lại gian dối, không trung thực, man khai lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học nhằm vượt lên trên các ứng viên khác để trúng “ghế” Hiệu trưởng. Lấy trường hợp lí lịch chính trị của ông Thái và tiêu chí đề bạt của Bộ GD&ĐT để quy chiếu, một đảng viên "thiếu trung thực, gian dối, có chủ ý", để "leo cao trên bậc thang danh vọng" như ông Minh, lại đủ tiêu chuẩn để Bộ bổ nhiệm Hiệu trưởng? Nếu lí lịch chính trị, ông Minh con gia đình ngụy quân ngụy quyền, man khai hồ sơ khoa học, có nghi án dựng giả văn bản mang danh nghĩa GS In-Sang-Yang… vẫn được Bộ bổ nhiệm Hiệu trưởng, thì cần xem lại việc không bổ nhiệm Hiệu trưởng với GS,TSKH Đỗ Đức Thái?

Bản lí lịch trái mẫu của ông Nguyễn Văn Minh.

Củng cố “phe cánh”, vô hiệu hóa những người có uy tín

Sau khi trúng Hiệu trưởng, ông Minh đã sắp xếp một "hệ thống nắm giữ quyền lực" ở các khoa, phòng, ban trong trường. Thể hiện 2 trường hợp đạt số phiếu thấp nhất trong bầu chọn, vẫn được Hiệu trưởng cất nhắc vượt lên những người có số phiếu cao đề nghị Bộ phê duyệt chức danh Phó Hiệu trưởng, gây bất bình trong dư luận (trường hợp này đến nay Bộ chưa chuẩn y). Sự "thanh trừng ngầm" và "thanh trừng qua bầu cử", dẫn đến kết quả là lần đầu tiên trong 12 nhiệm kì Hiệu trưởng, Trường ĐHSP Hà Nội không có các GS danh tiếng tham gia Ban Giám hiệu ngay cả các phòng ban cũng vắng bóng giáo sư. Một số GS, PGS bị thuyên chuyển vị trí công tác, thực chất là "thanh trừng ngầm" đã chuyển ra khỏi trường như trường hợp GS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng; GS,TS Vũ Văn Hùng, họ là Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trưởng phòng Tạp chí, bị điều động sang lĩnh vực khác, đẩy 2 ông này phải chuyển công tác ra khỏi trường. Trường hợp của GS,TS Đặng Văn Soa, đương đảm nhiệm Phó Trưởng khoa Vật lí nhiệm kì 2010 - 2015, không hiểu vì lí do gì tân Hiệu trưởng lại cách chức Phó khoa của ông. GS,TS Đỗ Thanh Bình nhiều năm làm Thư kí Hội đồng, phong chức danh Giáo sư cơ sở cũng bị tuột hết các chức vụ. Dư luận cho rằng các vị GS, PGS kia đều có trong Hội đồng phong chức danh Giáo sư cơ sở của Trường ĐHSP Hà Nội đã phát giác ra sự không trung thực trong hồ sơ khoa học của tân Hiệu trưởng đều bị ông Minh "trả thù" ngầm. Không ít người vì "cơm áo gạo tiền kiếm sống" mà phải nhẫn nhục lặng im không dám đối chọi với ông Minh. GS,TS Trần Đăng Xuyền; PGS,TS Kiều Thế Hưng, cựu Hiệu phó, ông Hải Trưởng phòng Đào tạo; PGS,TS Dương Vương Minh, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành... họ nhận được văn bản của trường đưa, kí tên xin nghỉ không giữ các chức vụ cũ... Ngày 15/5/2013 là ngày chấn động dư luận nhà trường, khi nghe công bố của tân Hiệu trưởng bổ nhiệm nhân sự các trưởng phó khoa, phòng, ban (trong đó nhiều trường hợp không thông qua Đảng ủy nhà trường), bấy giờ mọi người mới "ngớ" ra…

Ngay cả Ban Giám hiệu mới và Đảng ủy nhà trường cũng phải lặng im trong kì họp và không ít bất bình khi tân Hiệu trưởng, Phó Bí thư, chỉ đạo không bàn luận về việc Ban Giám hiệu cũ gửi 21 tỉ đồng vào ngân hàng ngoài sổ sách của trường. Động thái này cho thấy sự liên kết của ông Minh với Ban Giám hiệu cũ, phải chăng vì "tì vết" trong lí lịch của mình mà ông Minh phải bao che cho tham nhũng?

Nhóm PVĐT

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=9766&lang=vn&zone=7&zoneparent=0