Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Ông Hiệu trưởng độc đoán khiến nhiều người “dứt áo ra đi” (Tiếp theo kì trước)

Kì II: Từ mất dân chủ đến những bê bối khó bề tháo gỡ

Như phản ánh tại số báo 28 (1033) ra ngày 7-3-2012, tình trạng mất dân chủ tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đến hồi báo động. Chưa hết sửng sốt trước sự kiện PGS.TS Phạm Ngọc Linh đột ngột bị cho thôi chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, để rồi thế vào đó là Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiển, dư luận trong trường lại xôn xao vụ việc ông Hà Huy Bình, Chuyên viên kĩ thuật Phòng Quản trị thiết bị nhận quyết định kỉ luật, do bị ghi âm lén. Trong đơn gửi Báo Người cao tuổi, ông Hà Huy Bình viết: “Tại sao tôi không có mâu thuẫn gì với ông Nguyễn Trọng Tuấn (Phòng Thanh tra - Khảo thí của trường), mà ông ta lại chủ động ghi âm lén cuộc hỏi chuyện với tôi và rồi tố cáo tôi?...”. Ông Bình cho biết: Cuốn băng ghi âm đó do ông Nguyễn Trọng Tuấn ghi trộm trong một lần ông Tuấn và ông Bình nói chuyện phiếm với nhau. Sau đó, cuốn băng bị cắt ghép, chỉnh sửa rồi gửi tới lãnh đạo trường, lãnh đạo trường căn cứ vào đó xử lí kỉ luật ông Bình.

Điều đáng nói, cuốn băng ghi âm này chưa được giám định bởi cơ quan chuyên môn, mà lại lấy đó làm chứng cứ, là trái quy định của pháp luật. Việc sử dụng hình thức ghi âm lén để làm chứng cứ không được pháp luật cho phép, mà lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân lấy đó làm căn cứ kỉ luật cán bộ, vừa trái pháp luật, vừa trái đạo lí. Quyết định kỉ luật đã được ban ra, ông Hà Huy Bình chỉ còn biết “ngậm đắng nuốt cay”, để rồi làm đơn khiếu nại gửi đi các cấp, chưa biết đến khi nào được giải quyết.

Sự kiện Hiệu trưởng ban hành quyết định thuyên chuyển công tác đối với bà Nguyễn Thị Thế Anh, một Thạc sĩ Kinh tế chính trị tốt nghiệp hạng xuất sắc, từ vị trí trợ lí giáo vụ khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực, sang làm chuyên viên hành chính - văn thư - lưu trữ tại Trạm y tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, không những trái pháp luật, mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực.

Sau gần chục năm, tòa nhà vẫn “trơ gan” với những cây sắt rỉ tua tủa
chĩa lên trời.

Tại Quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 6-12-2011, về việc điều động và thuyên chuyển cán bộ, có nội dung: “Xét kiến nghị của ông Trưởng khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực về việc sắp xếp lao động đơn vị không có nhu cầu”. Tuy nhiên, tại Bản đề nghị đề ngày 5-7-2011, có chữ kí của PGS.TS Trần Xuân Cầu nêu: “Với trình độ chuyên môn là Thạc sĩ như hiện nay, việc sử dụng chị Nguyễn Thị Thế Anh ở vị trí hiện tại, gây những lãng phí về nguồn nhân lực và không phù hợp. Vì trên thực tế trình độ cao hơn yêu cầu của công việc đôi khi dẫn đến sự phản tác dụng nhất định...”. Rồi một loạt các “khuyết điểm” khác nữa được nêu ra như chưa tận tâm, chưa chấp hành tốt kỉ luật lao động, thường xuyên không thực hiện các nhiệm vụ... Đấy là lí do để ông Hiệu trưởng “đẩy” một Thạc sĩ xuống làm công tác hành chính - văn thư - lưu trữ tại Trạm y tế.

Đọc Bản đề nghị đề ngày 5-7-2011, ai cũng thấy một sự vô lí đến hài hước, suốt hơn chục năm trời, bà Anh công tác tại khoa không có điều tiếng gì, lại còn được cử đi học Thạc sĩ, đùng một cái lại bị lôi ra một loạt “khuyết điểm”. Rồi, lấy lí do vị trí trợ lí giáo vụ không cần người có trình độ Thạc sĩ, để ông Chủ nhiệm khoa đề nghị thuyên chuyển công tác bà Anh. Dư luận đặt câu hỏi, không lẽ vị trí hành chính - văn thư - lưu trữ tại Trạm y tế trường này phải bố trí người có trình độ Thạc sĩ mới phù hợp? Chưa kể quyết định điều động của ông Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn không tuân thủ quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động. Chưa hết, khi bà Nguyễn Thị Thế Anh có đơn kiến nghị, ngày 28-12-2011 nhà trường có thông báo trả lời bà Anh, nhưng lại đưa toàn bộ thông tin cá nhân của bà Anh lên trang thông tin điện tử của trường, vi phạm nghiêm trọng quyền bí mật đời tư, được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự.

Ầm ào nhất phải kể vụ bà Phạm Thị Hoa đến phòng làm việc của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, đòi ông Hiển trả lại 55 triệu đồng và đến nhà riêng Hiệu trưởng đòi ông Nam trả lại 2 triệu đồng. Theo bà Hoa trình bày, số tiền này bà đưa cho hai vị để xin được nhận vào công tác tại trường, nhưng họ đã nuốt lời, không thực hiện. Do sợ điều tiếng với hàng xóm vào ngày cuối năm, ông Nam phải đem trả lại bà Hoa 2 triệu đồng, nhưng lại nói rằng, tôi không nhớ, biếu con cô. Đương nhiên bà Hoa không nghe, mà kiên quyết chỉ lấy lại tiền của mình. Còn ông Hiển thì nhất định không trả nên gây ra to tiếng, ầm ĩ trong trường. Việc đúng sai ra sao, đáng lẽ phải được điều tra, xác minh cặn kẽ để xử lí theo đúng pháp luật. Song, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam lại vội vã kí Thông báo số 113/ĐHKTQD-TCCB, kết luận bà Hoa vu khống cán bộ, rồi cho phát rộng rãi trong Đại hội Công nhân viên chức ngày 16-2-2012, khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn phản ánh một sự việc bức xúc nữa, đó là việc xây dựng dở dang nhà trung tâm đào tạo. Theo dự án, tòa nhà gồm hai khối 19 tầng và 13 tầng, được Chính phủ phê duyệt xây dựng trong ba năm (2003-2006), kinh phí là 518 tỉ đồng. Nhưng công trình mới xây được 6 tầng thì hết kinh phí, phải dừng lại. Mặc dù vậy, Hiệu trưởng vẫn kí hợp đồng để Cty ACOM độc quyền phủ sóng di động trong tòa nhà (Inbuilding), mà các Hiệu phó không hề hay biết.

Tình trạng xảy ra tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân thời gian qua rất đáng báo động. Dư luận đang mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra làm rõ từng vấn đề, xử lí nghiêm minh theo pháp luật, trả lại môi trường trong sạch cho trung tâm đào tạo này.

Hoàng Kim - Sơn Hùng

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=7403&lang=vn&zone=7&zoneparent=0