Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (TP.Hồ Chí Minh): Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

Đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), chúng tôi bắt gặp hình ảnh lễ phép của các em nơi đây. Khó ai có thể nghĩ các em đã từng có cuộc đời lang thang, thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Với sự chăm sóc, yêu thương của các thầy cô trong Trung tâm, đã phần nào giúp các em quên đi nỗi bất hạnh của mình, cùng học tập, vui chơi với bè bạn trong sự hồn nhiên của trẻ thơ...

Cần lắm những tấm lòng để nâng đỡ các em
có hoàn cảnh đặc biệt như ở Tam Bình

Chung tay níu giữ tiếng cười

Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình được thành lập trên cơ sở tiếp quản từ Cô Nhi Viện Nước Ngọt thuộc cơ sở tôn giáo dòng Đức mẹ Vô Nhiễm, với tên gọi đầu tiên là Nhà nuôi trẻ Mầm non 2. Năm 1995 được đổi tên thành Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, với nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng giáo dục và chữa bệnh cho trẻ mồ côi bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật bại não, bại liệt và đặc biệt là trẻ mồ côi bị nhiễm HIV/AIDS...

Đến với Trung tâm mỗi em có một hoàn cảnh, một số phận nhưng đều có một điểm chung là sự bất hạnh, nghèo khó. Hiện nay Trung tâm đang chăm sóc 323 cháu, trong đó có 112 cháu nhiễm HIV/AIDS và 90 cháu khuyết tật (bại não, liệt, mù, dị dạng...). Có em hầu như phải sống đời sống thực vật, việc chăm sóc phải thực hiện toàn bộ từ ăn uống, vệ sinh tắm rửa và điều trị bệnh. Cô Trang, chăm sóc ở Khoa Khuyết tật chia sẻ: "Một số em mắc bệnh viêm nhiễm vì thế trên người các em thường bị lở loét toàn thân, điều trị không dứt. Có em như Nguyễn An Thạnh mới 8 tuổi đã mắc chứng bệnh não úng thủy, đầu bị lở rạn nứt vì chứa nhiều nước, có những đêm cháu đau đớn không ngủ được. Tôi ước gì mình được đau thay cho cháu...”.

Xuất phát từ lòng thương yêu con trẻ, các cán bộ nhân viên Trung tâm cùng các đoàn thể, nhà hảo tâm chung sức thắp lên tiếng cười và giữ lại tuổi thơ hồn nhiên cho các em có mảnh đời bất hạnh. Trong đó cơ sở vật chất cũng là một phần quan trọng giúp cán bộ, nhân viên có điều kiện chăm sóc các em được tốt hơn. Hiện Trung tâm cũng đã trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, với hai cơ sở đóng trên địa bàn quận Thủ Đức có tổng diện tích 1,34ha, gồm 2 khu phòng làm việc, trạm y tế, trường học, hội trường, các khu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ... Trung tâm luôn đầu tư các trang thiết bị cần thiết về y tế, phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa trong việc khám và điều trị cho các cháu.

Với 160 cán bộ, viên chức trong đó hầu hết đều là những trẻ em mồ côi của Trung tâm trước đây, nay đã trưởng thành và quay lại công tác với tấm lòng chia sẻ, cảm thông sâu sắc đối với trẻ mồ côi, khuyết tật, chính vì thế các em được chăm sóc luôn có môi trường sống và học tập đảm bảo và thân thiện. Các cô chú như là người cha, người mẹ của các em. Em Nguyễn Thị Phượng, (12 tuổi), hiện đang ở trung tâm Hạnh Phúc nói với chúng tôi: "Con rất hạnh phúc khi được là con của các mẹ, nơi đây là mái ấm gia đình của chúng con...”

Cần lắm những tấm lòng nhân ái

Bà Hồ Thị Kim Thoa – Giám đốc trung tâm Tam Bình cho biết: "Có gần 50% cán bộ xuất thân từ trung tâm này như chị Cành, một cán bộ đã lớn lên từ trung tâm, với sự phấn đấu trong học tập chị đã tốt nghiệp cử nhân tài chính kế toán, phía trước chị là cả một tương lai đầy hứa hẹn và nhiều cơ hội đang chờ đợi. Thế nhưng chị đã chọn con đường trở về trung tâm, gắn bó cuộc đời cho sự nghiệp nuôi dạy các em, đến nay chị là kế toán của Trung tâm. Với sự thấu hiểu được số phận của các em mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, thông cảm sự cực nhọc và tấm lòng thương yêu trẻ thơ vô bờ bến của các cô, các chú trung tâm. Từ sự đồng cảm với các em nhỏ, lòng kính trọng đối với những người đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy các em, mà hơn tất cả là sự gắn bó với môi trường, các em phần lớn sau khi lớn lên, trưởng thành đều có tâm nguyện trở lại phục vụ và làm việc tại Trung tâm. Còn đó những gương mặt điển hình như em Hà Thị Ngọc Nữ, cử nhân sư phạm, đã tự nguyện trở về làm cô giáo lo dạy cho các em thơ tại cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS. Hay bác sĩ Đào Thị Huê bỏ qua các cơ hội phát triển đầy tiềm năng ngoài xã hội để trở về dưới mái nhà Trung tâm chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh mắc bệnh hiểm nghèo...”

Vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm lòng, những cảnh đời éo le, cơ cực, bất hạnh, nhưng các em luôn được quan tâm, lo lắng, đó cũng là kết quả của những tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông và sưởi ấm lại cuộc đời bất hạnh cho các em.

XUÂN THU – LAM HỒNG

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=46243&menu=1371&style=1