Trung Quốc sai lầm khi muốn khuất phục các nước trên biển Đông

Nhật báo Pháp chế của Trung Quốc đưa tin “Lực lượng hải giám Tam Sa” sẽ lần lượt lên từng đảo ở biển Đông để thực hiện cái gọi là hoạt động chấp pháp - một hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

Tờ nhật báo trên ngang nhiên tuyên bố rằng chi đội “thành phố Tam Sa” của lực lượng hải giám Trung Quốc sẽ lần lượt tiến hành kiểm tra tình hình khai thác, phát triển các đảo không người ở trên biển Đông. “Trọng điểm hoạt động là giám sát quản lý đối với những hành vi khai thác đá và cát, nuôi trồng và du lịch trái quy định; nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng này sẽ tiến hành điều tra xét xử” - tờ báo viết.

Theo trang Yomiuri của Nhật Bản hôm 27.7, với động thái lập “thành phố Tam Sa”, Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát hiệu quả đối với các quần đảo này. “Có lẽ, Trung Quốc muốn đặt “thành phố Tam Sa” làm bàn đạp cho mưu đồ khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch trên biển Đông” - Yomiuri nhận định.

Trên tờ Wall Street Journal ngày 31.7, học giả Michael Auslin của Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ có bài viết, trong đó ông nhận xét: “Nếu Trung Quốc nghĩ việc đồn trú trên biển Đông có thể khiến các nước khác khuất phục, thì họ đã sai lầm”. Với tựa đề “Dấu chân chiến tranh của Trung Quốc trên biển Đông”, bài viết của ông Auslin nhận định: “Bằng việc đơn phương thành lập một chính quyền thành phố và một pháo đài trên biển Đông, Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và khiến cho việc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ ít khả thi hơn. Quyết định chú trọng các biện pháp quân sự trong bất đồng ngoại giao này sẽ gây lo lắng cho cả những người từng cho rằng sự tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc những thập kỷ gần đây không mang tính đe dọa và là hành động tự nhiên của một cường quốc đang lên”.

Tác giả cho rằng, từ quan điểm của các quốc gia nhỏ hơn, Trung Quốc là nước duy nhất ở Châu Á có thể quay ngược đồng hồ về thời kỳ các quy định ứng xử quốc tế cũ - khi sức mạnh là quyền lực và luật pháp quốc tế không thích hợp cho những người phớt lờ sự lo ngại của cộng đồng thế giới.

Về phía Mỹ, tác giả cho rằng Mỹ nên có các biện pháp chính trị, như đe dọa cắt đứt đối thoại quân sự với Trung Quốc cho tới khi có câu trả lời đơn vị đồn trú của Trung Quốc ở biển Đông lớn chừng nào. Nếu Trung Quốc tăng cường quy mô của đơn vị đồn trú này và tiếp tục đe dọa các láng giềng, Mỹ có thể cân nhắc hoãn đối thoại kinh tế an ninh hằng năm với Trung Quốc.

Mỹ cũng nên có kế hoạch cụ thể để cung cấp tình báo và viện trợ quân sự nhiều hơn cho các nước bị đe dọa bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. “Tối đa thì những hành động này có thể buộc Trung Quốc nhận ra rằng, giải quyết bằng đàm phán thực sự là cách duy nhất để tiến triển. Ít nhất thì các biện pháp đó cũng cho thấy Mỹ công nhận rằng Trung Quốc đang tìm cách đơn phương định hình tương lai trên tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/quoc-te/trung-quoc-sai-lam-khi-muon-khuat-phuc-cac-nuoc-tren-bien-dong/76421.bld