Trung Quốc ngang nhiên "ưu tiên hàng đầu" đưa tàu ra Trường Sa

Trung Quốc vừa ngang nhiên triển khai một loạt tàu tuần tra ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố đầy thách thức rằng, nước này sẽ tiến hành tuần tra định kỳ quần đảo này và đặt hoạt động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đó là một “ưu tiên hàng đầu” trong năm 2013.

-

Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam

Theo báo chí Trung Quốc sáng nay (25/2) đưa tin, Trung Quốc đã triển khai một loạt tàu tuần tra đến vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Trường Sa ở Biển Đông với mục đích được tuyên bố là để bảo vệ các tàu cá của nước này đang hoạt động trong khu vực.
Trong thông tin được đăng tải trên cổng điện tử chính phủ Trung Quốc, nước này ngang nhiên tuyên bố sẽ tiến hành cái mà họ gọi là “các chuyến tuần tra ngư nghiệp định kỳ” xung quanh quần đảo Trường Sa và các khu vực tranh chấp khác ở Biển Đông.
Phát biểu trên hãng thông tấn Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, ông Wu Zhuang – người đứng đầu Cục Ngư nghiệp Biển Đông, cho biết, những chuyến tuần tra ngư nghiệp định kỳ ở quần đảo Trường Sa sẽ là một “ưu tiên hàng đầu” trong năm 2013. Ông Wu nói thêm rằng, các chuyên tuần tra kiểu trên là nhằm để bảo vệ “các lợi ích hợp pháp của ngư dân Trung Quốc”.
Chưa hết, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp Biển Đông còn trắng trợn tuyên bố, Trung Quốc sẽ “đẩy mạnh” các chuyến tuần tra định kỳ ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như tăng cường các hoạt động giám sát ở quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khẳng định sẽ để lực lượng thi hành pháp luật của nước này tiếp tục “giám sát” bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp với Philippines và bãi đá ngầm Meiji.
Các hoạt động tuần tra hành chính ngư nghiệp thường xuyên sẽ được tiến hành ở Biển Đông từ năm 2014, ông Wu cho biết thêm.
Trong năm 2012, các tàu tuần tra của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc đã ở Biển Đông trong thời gian kỷ lục là 183 ngày.
Động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc triển khai tàu tuần tra đến quần đảo Trường Sa đồng thời tuyên bố coi hoạt động này là “ưu tiên hàng đầu” là một hành động vi phạm nghiêm trọng thêm nữa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong suốt một năm qua, Trung Quốc liên tiếp có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Hồi tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2012.
Song song với động thái trên, Trung Quốc còn thường xuyên đưa tàu thuyền ra quấy nhiễu các tàu thuyền của Việt Nam đang hoạt động trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, tiến hành tập trận ở những vùng lãnh hải tranh chấp...
Trong chuỗi các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông hồi năm ngoái, tàu Trung Quốc còn ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam (tàu Bình Minh 02) đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Vịnh Bắc Bộ; thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng; xuất bản bản đồ “Tam Sa” với phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Phản ứng trước sự vi phạm chủ quyền Việt Nam trắng trợn của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nhiều lần lên tiếng phản đối kịch liệt. Ông Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp".
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục yêu cầu yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự. Tuy nhiên, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc vẫn không ngừng đưa ra các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong mấy năm qua. Những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đang khiến nhiều nước bất bình.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_771902/trung_quoc_ngang_nhien_quot_uu_tien_hang_dau_quot_dua_tau_ra_truong_sa.html