Trung Quốc dùng hộ chiếu như một vũ khí chính trị

Với mong muốn được mở mang tầm hiểu biết ra thế giới bên ngoài, nhiều người Trung Quốc không ngại đầu tư cho những chuyến du lịch ở Paris, Bangkok hay New York nhân dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán dài ngày. Tuy nhiên, thực tế thì không phải người dân Trung Quốc nào cũng có được cái may mắn thực hiện giấc mơ phiêu lưu, khám phá những miền đất mới khi luôn bị từ chối cấp hộ chiếu mà không có lý do chính đáng.

Theo tờ New York Times, trong năm 2012, Trung Quốc đã lập một kỷ lục mới khi có 83 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, tăng hơn 20% so với năm 2011 và gần gấp 5 lần so với một thập kỷ trước. Những con số này đã phần nào cho thấy nhu cầu được “xổ lồng” phiêu lưu và khám phá những miền đất mới của người Trung Quốc ngày càng tăng.

Tuy nhiên, với ông Tôn Văn Quảng - giáo sư kinh tế đã nghỉ hưu ở tỉnh Sơn Đông - lại cảm thấy “thiệt thòi” khi không nằm trong số người được thả mình trong những chuyến du lịch kỳ thú bên nước bạn. Tất nhiên, không phải vì ông không có tiền để thực hiện sở thích mà đơn giản vì ông Tôn, 79 tuổi, một nhân vật nổi tiếng với tư tưởng cổ vũ chủ trương cải cách dân chủ ở Trung Quốc, đã nhiều lần bị từ chối cấp hộ chiếu mà không rõ nguyên nhân.

Ông Tôn cho biết: “Tôi muốn đến thăm con gái ở Mỹ và anh trai đã 90 tuổi ở Đài Loan. Nhưng dường như các cơ quan có thẩm quyền lại có ý tưởng khác. Tôi cảm thấy như đang sống trong cái lồng”.

Các nhà phân tích cho rằng: Ông Tôn chỉ là một trong số rất nhiều người Trung Quốc bị cấm đi du lịch nước ngoài. Bởi dường như chính phủ nước này đang sử dụng hộ chiếu như một công cụ chống lại những người có tư tưởng, nhận thức “thù địch” hoặc là củ cà rốt để khuyến khích các phần tử từng “lầm đường lỡ bước” quay trở về “chính nghĩa”.

“Đây chỉ là cách để trừng phạt những người mà họ không thích”, ông Ngô Tráng Hạnh - một trong những nhân vật nổi tiếng phản biện chính phủ ở tỉnh Quảng Đông - bức xúc nói. Ông cũng là người đã nhiều lần phải trải qua cảm giác bị từ chối cấp hộ chiếu để thực hiện những buổi thuyết trình ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ.

Trung Quốc đang ngày càng mở rộng đối tượng bị hạn chế cấp hộ chiếu từ các sĩ quan quân đội các cấp đến những tu sĩ Tây Tạng, thậm chí cả những nhân viên an ninh cũng không nằm ngoài danh sách này. Tờ New York Times dẫn lời cảnh sát 28 tuổi ở Bắc Kinh cho biết: “Tôi luôn cảm thấy ghen tị với những bạn bè của tôi khi họ được tự do sử dụng kỳ nghỉ ở Singapore hay Thái Lan. Còn với tôi, cách duy nhất để được thoải mái thực hiện những chuyến du lịch nước ngoài là từ bỏ con đường mà tôi đã chọn”.

Ngoài ra, theo các nhà luật sư, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác thuộc diện hạn chế du lịch nước ngoài, thậm chí còn bị cho là không đủ điều kiện để nhận học bổng của các tổ chức nước ngoài. Dù Bắc Kinh không công bố số liệu về những người bị từ chối cấp hộ chiếu, nhưng ít nhất cũng có khoảng 14 triệu người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng thuộc diện này. Đại diện của Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an Trung Quốc đã từ chối bình luận về các chính sách hộ chiếu của chính phủ.

Tsering Woeser - nhà văn Tây Tạng, từng nhiều lần xin cấp hộ chiếu kể từ năm 2005, nhưng đều thất bại cho biết: “Với những người Hán, làm hộ chiếu dễ như đi mua vé xe bus vậy. Nhưng với người Tây Tạng, việc đó còn khó hơn cả leo lên trời”.

Bất lực với các chính sách hộ chiếu ngặt nghèo khiến nhiều người Trung Quốc đành phải lựa chọn những giải pháp tiêu cực như vượt biên hay tìm cách trốn chạy khỏi Trung Quốc đại lục, chấp nhận sống lưu vong ở nước ngoài.

Quyền tự do đi lại của người Trung Quốc đã được nới lỏng từ năm 1980. Đến năm 1991, Trung Quốc mới có các tour du lịch đến “những điểm đã được phê duyệt” trong khu vực Đông Nam Á. Hai năm sau đó, công dân Hoa Kỳ và châu Âu cũng được chấp nhận vào “những nơi được đến” của người dân Trung Quốc. Hiện nay, những người Hán - dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc - sẽ được nhận hộ chiếu trong thời hạn 15 ngày.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/trung-quoc-dung-ho-chieu-nhu-mot-vu-khi-chinh-tri