Trung Quốc đang phùng mang trợn mắt

<strong>(Quốc phòng)- Chỉ trong vài ngày cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy, Trung Quốc liên tiếp có những động thái lên gân, nắn cốt mà không ít nhà phân tích nước ngoài nhận định nhằm hù dọa một số quốc gia trong khu vực.</strong>

Nổi bật nhất trong số các hành động phô trương lực lượng của Trung Quốc phải kể tới việc Chính phủ nước này quyết định thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam và ý đồ lập cơ quan quân sự tại đây; mời thầu phi pháp đối với 9 lô dầu khí trên Biển Đông; thiết lập một lữ đoàn tên lửa mới ở tỉnh Quảng Đông; điều các tàu hải giám ra Biển Đông.

Từ con bài Tam Sa…

Theo thông báo chính thức ngày 21/6 của Chính phủ Trung Quốc, thành phố Tam Sa sẽ chịu trách nhiệm quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sao của Việt Nam.

Trụ sở chính của chính quyền thành phố đặt tại đảo Phú lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chỉ sau đó một tuần (ngày 28/6), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Nhạn Sinh cho biết quân đội nước này sẽ nghiên cứu việc đặt cơ quan quân sự ở thành phố Tam Sa.

Ông Cảnh Nhạn Sinh nói rằng quân đội Trung Quốc đã thiết lập chế độ tuần tra bình thường để “phòng ngừa chiến tranh trên vùng biển Trường Sa. Phát biểu này được hiểu là những đội tuần tra sẽ ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ông Cảnh Nhạn Sinh cũng mạnh miệng rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết chống lại “mọi hành động gây hấn quân sự” từ các nước láng giềng.

Giới tướng lĩnh và học giả Trung Quốc cũng nhân đà này hô hào thiết lập cơ quan quân sự tại Tam Sa. Một vị Phó Giáo sư là Bạch Tú Lan cho rằng Tam Sa là thành phố cấp địa khu (trên cấp huyện, dưới cấp tình) nên cần có một sư đoàn thường trực.

Lực lượng gồm ít nhất 3 trung đoàn lục quân kết hợp với không quân và hải quân. Ngoài ra, vị Phó Giáo sư này cũng cho rằng Tam Sa cần có cả công binh để bảo vệ sân bay trên đảo Phú Lâm.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép

Đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) được đánh giá có thể đóng vai trò căn cứ hậu cần quan trọng cho tranh chấp Hoàng Nham (Scaborough) với Philippines. Trên đảo hiện đã có sân bay hiện đại, cho phép Boeing 737 cất hạ cánh.

Bến cảng tại Phú Lâm cho phép tàu khoảng 5.000 tấn neo đậu. Chính vì vậy, Phú Lâm được coi là nơi lý tưởng để thiết lập trạm trung chuyển hậu cần, tiếp dầu và bổ sung trang thiết bị quân sự.

Một nhân vật khác là Thiếu tướng nghỉ hưu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc La Viện cũng công khai trên báo chí kêu gọi Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông. Theo học giả này, Trung Quốc cần bố trí một đơn vị cấp sư đoàn trực thuộc Tam Sa.

Những toan tính của Trung Quốc liên quan tới Tam Sa ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Báo chí Nhật Bản gọi hành động này của Trung Quốc là không đếm xỉa đến luật Biển quốc tế, trong đó có các quy định liên quan đến vấn đề lãnh hải.

Theo báo Sankei của Nhật Bản, hành động của Trung Quốc càng khiến cho tình hình khu vực thêm căng thẳng, đi ngược lại chủ trương giải quyết một cách hòa bình các vấn đề chủ quyền.

Giáo sư Tiến sĩ Edmund Malesky của trường Đại học University California of San Diego (Mỹ) thì cho rằng vụ Tam Sa không phù hợp với quan hệ Việt-Trung hiện nay.

…đến "tàu sân bay" khủng 981

Không chỉ “làm trò” với việc thành lập thành phố Tam Sa, mới đây Tập đoàn khai thác dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu 9 lô thăm dò dầu khí ngoài khơi với các công ty nước ngoài.

Tổng diện tích của 9 lô dầu khí mà Trung Quốc công bố mời thầu là 160.000 km2, tất cả đều nằm ở rìa phía Tây của "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đòi chủ quyền và thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Là một trong ba tập đoàn năng lượng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc chuyên khai thác dầu khí ngoài khơi, CNOOC đóng vai trò chính trong tham vọng bá quyền Biển Đông của Trung Quốc.

Đặc biệt, tập đoàn này đã đưa vào hoạt động giàn khoan 981 trên Biển Đông. Với chiều dài hơn 650 m, cao 136 m, trọng tải 30.000 tấn, 981 được Trung Quốc gọi là “tàu sân bay dầu khí”.

Trung Quốc đã chi 935 triệu USD để xây dựng chiếc “tàu sân bay này” và có lẽ mục đích của nó không chỉ nhằm khai thác dầu khí. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng CNOOC vừa để thực thi các tuyên bố chủ quyền, vừa để kiểm soát nguồn năng lượng ở Biển Đông.

"Tàu sân bay dầu khí" 981 được Trung Quốc chốt trên Biển Đông, tại vị trí cách Hong Kong 320 km về phía Đông Nam

Tờ Financial Times nhận định hành động của CNOOC thể hiện sự leo thang trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tiết lộ từ các bức điện ngoại giao của Mỹ và nguồn tin từ giới công nghiệp dầu khí cho biết Bắc Kinh đã thúc giục các tập đoàn dầu khí quốc tế, trong đó có BP và ExxonMobil rút ra khỏi các hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam.

Tập đoàn ExxonMobil tuyên bố “chủ quyền là vấn đề mà chỉ có các chính phủ mới có thể giải quyết”. Còn Gazprom của Nga khẳng định các dự án của họ trong vùng hải phận Việt Nam không thuộc khu vực tranh chấp.

Tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 27/6 ở Washington, Mỹ, nhiều học giả quốc tế cũng khẳng định 9 lô dầu khí trên Biển Đông mà CNOOC mời thầu thăm dò - khai thác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định các lô dầu khí này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Ông Thayer cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của CSIS cảnh báo bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao.

…và phô diễn diễn sức mạnh

Đầu tháng Bảy, nhật báo "United Daily News" của Đài Loan đưa tin Trung Quốc vừa thành lập một lữ đoàn tên lửa mới ở tỉnh Quảng Đông.

Đơn vị này có tên gọi Lữ đoàn Tên lửa Đạn đạo 827. Theo đó, trong số các tên lửa đặt tại căn cứ của lữ đoàn mới này có các tên lửa Đông Phong-21D và Đông Phong-16.

Đông Phong-21D là tên lửa đạn đạo diệt hạm, có tầm bắn từ 2.000-3.000 km, có thể bắn trúng mọi mục tiêu đang di chuyển với độ chính xác rất cao.

Còn Đông Phong-16 là tên lửa đạn đạo mới, có tầm bắn 1.200 km, xa hơn tầm bắn của các tên lửa đặt hướng về Đài Loan.

Tên lửa đạn đạo Đông Phong-21D của Trung Quốc có tầm bắn tối đa 3.000 km

Ngoài việc triển khai tên lửa trên đất liền, Trung Quốc còn có những hành động ngang ngược trên biển. Tân Hoa Xã ngày 3/7 đưa tin một đội gồm 4 tàu hải giám của Trung Quốc đã đến khu bãi đá ở trung tâm Trường Sa để tiến hành hoạt động quan sát gần trong một nhiệm vụ mà Trung Quốc gọi là tuần tra tại Biển Đông.

Đội tàu gồm các tàu hải giám số hiệu 83, 84, 66 và 71 xuất phát từ thành phố duyên hải Tam Á hôm 26/6 dự kiến sẽ di chuyển với hải trình dài 2.400 hải lý. Tàu chỉ huy là con mang số hiệu 83 với lượng choán nước 3.000 tấn. Tàu có trực thăng, các thiết bị vệ tinh cùng nhiều thiết bị hiện đại.

Ngay từ đầu năm ngoái, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã quyết định sẽ đóng mới 36 chiếc tàu hải giảm có trọng tải từ 600 tấn trở lên. Đợt đóng mới lần này sẽ bao gồm 7 chiếc loại 1.500 tấn, 15 chiếc loại 1.100 tấn và 14 chiếc loại 600 tấn. Những chiếc tàu này sẽ được Trung Quốc triển khai tại các vùng biển trọng điểm đang có tranh chấp các nước trong khu vực.

Tàu Hải giám 66 của Trung Quốc

Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc số ra ngày 3/7 đăng bài bình luận cáo buộc Philippines đang cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông.

Tuy nhiên, với những gì đang nói và làm thì ai cũng hiểu rõ bản chất ngang ngược và coi thường luật pháp cũng như công luận quốc tế của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/quoc-phong/201207/Trung-Quoc-dang-phung-mang-tron-mat-2168861/