Trung Quốc - Philippines quyết liệt đối đầu pháp lý

Philippines hôm qua (20/2) đã thể hiện thái độ thách thức đến cùng với Trung Quốc ở Biển Đông khi tuyên bố sẽ tiếp tục đưa cuộc tranh chấp giữa hai nước ra tòa án quốc tế bất chấp sự phản đối dữ dội từ phía Bắc Kinh. Manila tuyên bố sẽ sớm đề nghị cơ quan có liên quan tại Liên Hợp Quốc lập ra một hội đồng trọng tài để giải quyết vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Người Philippines biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

-
Trước đó, hôm 19/2, Trung Quốc đã chính thức bác bỏ đề nghị của Philippines về việc đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa hai nước ra giải quyết tại tòa án quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Manila muốn Liên Hợp Quốc phân xử cái mà nước này miêu tả là “sự khẳng định và đòi hỏi chủ quyền thái quá” của Bắc Kinh đối với Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Trung Quốc đã từ chối đưa cuộc tranh chấp với Philippines ra tòa án quốc tế, nói rằng công hàm thông báo về vụ kiện của Manila “chứa nhiều thông tin sai lệch và những cáo buộc không thể chấp nhận nhằm vào Trung Quốc”.
Phản ứng trước sự bác bỏ của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez hôm qua tuyên bố, nước này có hai tuần, bắt đầu từ ngày hôm nay (21/2) để yêu cầu Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hamburg thành lập một hội đồng trọng tài nhằm tiếp tục thực hiện sáng kiến đa phương về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Tiến trình sẽ được tiếp tục dù có hay không có sự tham gia của Trung Quốc. Chúng tôi dự tính sẽ mất từ 3 đến 4 năm để hoàn thành tiến trình thông qua tòa án quốc tế này”, phát ngôn viên Hernandez cho biết tại một cuộc họp báo.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này thông qua việc đòi chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Trung Quốc luôn khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp giữa họ với các nước láng giềng ở Biển Đông thông qua đàm phán, đối thoại song phương. Người ta tin rằng, với tư cách là nước lớn, Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông mà muốn giải quyết trực tiếp với từng nước nhỏ để dễ bề gây áp lực, giành thế thượng phong trong các cuộc tranh chấp nóng bỏng này.
“Chúng tôi hy vọng, tòa án quốc tế sẽ tuyên bố đường 9 đoạn vô lý của Trung Quốc, trong đó nước này đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, là bất hợp pháp và sẽ ra phán quyết yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các quyền chủ quyền của chúng tôi đối với những vùng lãnh hải, lãnh thổ thuộc chủ quyền của Philippines”, ông Hernandez cho biết.
Bản đồ đường yêu sách 9 đoạn được Trung Quốc chính thức công bố vào năm 2009. Theo đó, Trung Quốc đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông, xâm lấn vào nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải của một loạt nước khác trong khu vực. Bản đồ đường lưỡi bò này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt không chỉ của các nước có liên quan mà cả cộng đồng quốc tế. Bản thân nhiều người Trung Quốc cũng mơ hồ và không hiểu thực chất đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò có nghĩa là gì.
Hôm 21/1 vừa rồi, Manila đã chính thức tuyên bố đưa cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế giải quyết theo UNCLOS. Mục đích của Philippines là muốn Liên Hợp Quốc tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là “bất hợp pháp” và phi lý.
Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Chủ tịch ITLOS khi nhận được đề nghị của nước này sẽ có 30 ngày để thành lập một hội đồng trọng tài.
“Philippines đã nỗ lực tham gia vào các cuộc đối thoại ngoại giao và chính trị để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trong suốt 18 năm qua nhưng không thành công. Chúng tôi xem tiến trình giải quyết thông qua tòa án quốc tế là lựa chọn thân thiện, hòa bình và bền vững nhất để làm rõ quyền hàng hải của các nước ven biển ở Biển Đông và cũng để đảm bảo hòa bình, ổn định cũng như sự tự do hàng hải ở khu vực”, ông Hernandez tuyên bố thêm.
Cũng trong cuộc họp báo ngày hôm qua, phát ngôn viên Hernandez đã giải thích các thủ tục theo Phụ lục VII của UNCLOS, trong đó quy định “thậm chí nếu một bên không tham gia vào tiến trình pháp lý thì nó vẫn có thể được tiếp tục cho đến khi tòa án quốc tế đưa ra một quyết định cuối cùng”.
Như vậy, bước tiếp theo là ITLOS sẽ phải thành lập một hội đồng trọng tài gồm 5 thành viên như quy định của UNCLOS. Nếu Trung Quốc từ chối chỉ định thành viên đại diện thì Chủ tịch của ITLOS sẽ buộc phải lựa chọn 4 thành viên còn lại.
Khi được hỏi liệu một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ được thực thi thế nào nếu như Trung Quốc quyết không lùi bước trong lập trường của họ, phát ngôn viên Hernandez cho biết, đó lại là một vấn đề khác.
"Với tư cách là một nước có trách nhiệm, họ nên tuân theo và chấp nhận quyết định của tòa án quốc tế đặc biệt là khi họ cũng là một nước tham gia ký UNCLOS," ông Hernandez nhấn mạnh.
Văn phòng Tổng thống Philippines hôm qua tuyên bố, nước này “đang đi đúng hướng” trong việc đưa cuộc tranh chấp Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Thư ký Nội các Philippines – ông Rene Almendras, cho biết, chính phủ nước ông vốn đã đoán trước được rằng Trung Quốc sẽ phớt lờ kế hoạch đưa vấn đề ra giải quyết tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Manila kiên quyết tiếp tục theo đuổi vụ kiện này đến cùng dù Trung Quốc có đồng ý hay không.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện dù họ có chấp nhận tham gia hay không. Tất nhiên, chúng tôi biết là chúng tôi đang đi đúng hướng. Chúng tôi sẽ không làm thế nếu chúng tôi không nghĩ mình có đủ cơ sở để đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế”, ông Alemndras nói thêm.
Chính phủ Philippines bày tỏ sự tự tin về việc vụ kiện của họ sẽ được giải quyết tại tòa án quốc tế.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_751377/trung_quoc__philippines_quyet_liet_doi_dau_phap_ly.html