Trung Quốc - Ngang ngược gây hấn ở biển Đông

(PL&XH) - Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng hai tuần qua, tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và phá hoại tàu thăm dò của PVN.

Tại Hội nghị An ninh châu Á (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-la) lần thứ 10 vừa kết thúc tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt không ngừng nhấn mạnh: "Trung Quốc không mở rộng quân sự, Trung Quốc xưa nay không có ý đe dọa nước khác". Tuy nhiên, khi những cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vẫn còn nóng hổi thì tàu Trung Quốc lại tiếp tục xâm phạm lãnh hải và gây hấn tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam… Tàu Viking II - nạn nhân mới nhất bị Trung Quốc cắt cáp Những vụ gây hấn liên tiếp Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga, sáng 9-6 tại lô 136.03, vị trí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu thăm dò Viking II mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thuê đang thu nổ địa chấn thì đã bị một tàu cá Trung Quốc chạy cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối 04 đường cáp thu phía bên trái tàu. Tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303. Tàu Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh cáo nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn lao vào khu vực cáp của Viking II. Sau đó hai tàu ngư chính của Trung Quốc cùng một số tàu khác vào giải cứu cho tàu đánh cá của họ. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hành động đó vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm tinh thần của Tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002, vi phạm Công ước về Luật Biển quốc tế UNCLOS 1982, và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho PVN. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng hai tuần qua, tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và phá hoại tàu thăm dò của PVN. Trước đó, ngày 26-5, nhóm 3 tàu Hải giám Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 đang làm việc trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Những tuyên bố của bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị 3 chiếc tàu Hải giám của Trung Quốc bao vây, cắt cáp thăm dò đang không những làm cho dư luận ở trong và ngoài nước Việt Nam quan tâm mà các nước trong khu vực cũng đang xem xét lại những hành động của Trung Quốc đối với vấn đề này. Vụ tàu Bình Minh 02 ngay lập tức làm dấy lên sự quan tâm và dè chừng của các nước khác trong khu vực, đặc biệt là đối với Trung Quốc, nước có sức mạnh được xem là bao trùm tất cả các nước thuộc khối ASEAN. So với những vụ va chạm trong quá khứ của Trung Quốc đối với Việt Nam, lần này mức độ và mục đích của Trung Quốc nghiêm trọng hơn rất nhiều. Địa điểm mà tàu Trung Quốc xuất hiện và bao vây tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý. Khu vực này đã được Luật Biển quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tất cả các hãng tin quốc tế trong đó có Reuters ghi nhận việc này xảy ra tại địa điểm cách bờ biển Trung Nam bộ của Việt Nam khoảng 120 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Với thực tế địa lý của mình, Trung Quốc không thể có yêu sách gì về vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển tại khu vực xảy ra vụ tàu Bình Minh 02, vì nơi này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý, trong khi chỉ cách Việt Nam 120 hải lý. Sở dĩ con số chênh lệch này không làm bà Khương Du ngập ngừng vì bà ta mang “đường lưỡi bò” ra áp đặt. Lập luận này của Trung Quốc làm cho không riêng gì Việt Nam mà cho toàn khu vực thấy rõ hơn sự thèm khát nhiên liệu của Bắc Kinh đã lên đến đỉnh điểm. Nguy cơ chạy đua vũ trang. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn âm mưu thực hiện cho bằng được kế hoạch "đường lưỡi bò" nhằm thôn tính biển Đông, Tổng thống Philippin Benigno Aquino đã cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc về nguy cơ chạy đua vũ trang tại Đông Nam Á vì vấn đề chủ quyền tại biển Đông. Theo Tổng thống Aquino, nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực có thể thành hiện thực nếu xảy ra thêm những cuộc đụng độ liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Tổng thống Aquino cho biết ông đã cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt về nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực nếu tình trạng căng thẳng trở nên trầm trọng vì vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Nhà lãnh đạo Philippin đã lên tiếng khi Bộ trưởng Lương Quang Liệt sang thăm Manila trong bối cảnh các quốc gia ASEAN vừa đồng ý gia tăng hợp tác quốc phòng. Tổng thống Aquino lưu ý rằng mặc dù quân đội Philippine hiện được trang bị vũ khí chiến đấu yếu kém so với Trung Quốc, nhưng chính những vụ Trung Quốc gây căng thẳng gần đây liên quan đến tàu chiến, máy bay tại khu vực quần đảo Trường Sa khiến Manila phải gia tăng khả năng quân sự. Theo tạp chí The Economist, "Trung Quốc đang tăng cường vũ khí xem chừng như nhiều hơn cần thiết". Qua bài "Sự giảm sút quyền lực của Mỹ tại châu Á", tạp chí Kinh tế Viễn Đông nhận xét rằng "Trung Quốc đang tăng cường quân sự toàn diện. Hạm đội tàu ngầm của nước này gia tăng nhanh hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Bắc Kinh hiện giữ một kho lớn những tên lửa đạn đạo nguy hiểm, và đã công bố những kế hoạch bố trí hàng không mẫu hạm... cũng như đang trên đà đạt tới số máy bay chiến đấu, chiến hạm, tàu ngầm nhiều nhất trong khu vực". Vẫn theo bài báo, "Trung Quốc đã làm thay đổi thế tương quan quân sự tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, khiến các đồng minh và thân hữu của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và cả Ấn Độ cảm thấy ngạc nhiên”. Lãnh đạo Philippin lên tiếng giữa lúc Bắc Kinh ngày càng phô trương sức mạnh của một cường quốc đang lên và không ngại đưa ra những quyết định cùng hành động xâm phạm lãnh hải tùy tiện, đơn phương ngoài khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, gây bất lợi cho những nước láng giềng như Philippin, Việt Nam. Đây là một trong những lý do khiến ASEAN tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng để "ứng phó với những thử thách mới". Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mới đây ở Thủ đô Jakarta của Indonesia đã đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải cùng những vấn đề quan trọng khác liên quan đến biển Đông, nhất là tái cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông mà chính Trung Quốc đã ký với ASEAN tại Phnom Penh tháng 11-2002 nhưng không thực hiện. Trung Quốc ngụy trang các tàu hải quân thành các tàu ngư chính hòng làm mưa làm gió trên biển Đông Trắng trợn áp đặt “đường lưỡi bò” Tuyên bố chung các Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, giữa lúc Trung Quốc dường như ngày càng thực hiện cho bằng được "đường lưỡi bò" mà họ công bố cách đây 60 năm, qua đó, Bắc Kinh tùy tiện xác định chủ quyền gần trọn biển Đông. Mặc dù tham vọng bành trướng lãnh thổ và bá quyền của Bắc Kinh đã có từ lâu, nhưng từ 4 năm nay, hành động của Trung Quốc ngày càng bất chấp "Quy tắc ứng xử" như họ đã cam kết, thậm chí còn tùy tiện, quyết liệt hơn, sẵn sàng gây hấn với cả tàu hải quân Mỹ, và dĩ nhiên là cả tàu của các nước nhỏ, nhất là Việt Nam. Trung Quốc đơn phương, tùy tiện ra lệnh cấm đánh cá ở khu vực "đường lưỡi bò", từng nã súng vào tàu đánh cá Việt Nam gây thương vong, từng dùng "tàu lạ" đâm chìm, bắt giữ tàu cá Việt Nam ngay trong ngư trường truyền thống của Việt Nam. Tất cả những lập luận và hành động ngang ngược của Trung Quốc chủ yếu căn cứ trên tấm bản đồ mà Trung Quốc tự vẽ ra mang tên “đường lưỡi bò”, trong đó khu vực thuộc về Trung Quốc chiếm tới 80% tổng diện tích biển Đông. Song song với hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế như vậy, Bắc Kinh còn tìm cách hình thành cơ sở pháp lý, xúc tiến tuyên truyền cho điều gọi là chủ quyền biển Đông của họ; thiết lập những cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo tranh chấp, ngăn cản hoạt động khai thác tài nguyên, hải sản của các nước nhỏ hay kế hoạch hợp doanh của những nước này với các tập đoàn dầu khí nước ngoài; và nhất là tiếp tục gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng cho mục tiêu hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân. Hành động thì ngang ngược như vậy, song Trung Quốc luôn miệng ra rả rằng rất muốn chung sống hòa bình chứ không có tham vọng nào khác. Tuy nhiên, với những hành động ngang ngược như các vụ xâm phạm lãnh hải và cắt cáp của Việt Nam như vừa qua, sẽ chẳng ai còn tin vào sự lẻo mép cũng như những ngôn từ hoa mỹ che đậy những dã tâm nham hiểm của Trung Quốc. Hơn nữa, ai cũng hiểu một thực tế là một khi Trung Quốc còn những dã tâm nham hiểm và chưa chấm dứt những hành động ngang ngược như vừa rồi, thì biển Đông sẽ còn dậy sóng! Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110612103014837p1001c1015/trung-quoc-ngang-nguoc-gay-han-o-bien-dong.htm