Trực tuyến về bệnh thận và ghép thận

Bác sỹ Pary Sivaraman, chuyên gia về bệnh thận tại Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) và bác sỹ Đặng Văn Dương, Trưởng khoa Giải phẫu của Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh, Đại học Y Hà Nội đã giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet về bệnh thận và ghép thận

>> Khi nào nên ghép thận? Chạy thận là một trong hai phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối. Phương pháp còn lại là ghép thận. Suy thận có thể xảy đến với bất kỳ ai. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với người lớn tuổi mặc dù đúng là nguy cơ này cao hơn khi về già. Hiện tượng này là do khi ta già đi, các bệnh huyết áp cao và tiểu đường gia tăng. Hơn 70% các ca suy thận tại Singapore là do tiểu đường, già cả và huyết áp cao, viêm cầu thận mạn, hoặc chức năng lọc. Suy thận có thể là cấp tính, khi chức năng thận bị suy trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Suy thận có thể là mạn tính khi chức năng thận suy giảm trong vài tháng tới vài năm và dẫn tới suy thận giai đoạn cuối. Khi một quả thận bị viêm mạn, quả thận còn lại sẽ phải làm việc vất vả hơn và lại dẫn tới tổn thương sâu hơn. Bệnh thận càng được chữa sớm càng tốt. Bệnh nhân được chẩn đoán sớm có thể điều trị bằng thuốc để ngăn chặn tình trạng cần chạy thận hay ghép thận. Suy thận giai đoạn cuối là tình trạng thận mất hoặc gần như mất chức năng của mình và thận của những bệnh nhân ở giai đoạn này thường chỉ hoạt động được 10% công suất. Đối với một người có một quả thận bị suy, hoặc chỉ có 50% công suất thận hoạt động thì không cần chạy thận hay ghép thận. Tại Tập đoàn Y tế ParkwayHealth, việc cấy ghép thận được tiến hành tại hai bệnh viện lớn Gleneagles và Mount Elizabeth. Việc này có thể thực hiện bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi ổ bụng với kinh nghiệm phẫu thuật và chất lượng chăm sóc hàng đầu nên tỷ lệ thành công rất cao. Các bệnh viện này đều đã được công nhận thực hiện các ca ghép thận với tỷ lệ thành công cao. Từ năm 1993, hơn 300 ca ghép thận đã được tiến hành tại hai bệnh viện này. Ngày nay, ghép thận rất an toàn và là phương pháp giảm thiểu chi phí nhất đối với các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Ngày càng nhiều ca ghép thận từ người hiến sống được thực hiện trước khi tính tới việc chạy thận và đây được gọi là cấy ghép ưu tiên. Để thực hiện được việc cấy ghép, nhóm máu và mẫu mô cần được kiểm tra xem có phù hợp hay không. Ngày nay, việc người nhận không cùng nhóm máu với người cho đã không còn là rào cản nhờ phương pháp trị liệu miễn dịch đặc biệt trước khi cấy ghép. Để được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu về bệnh thận và ghép thận, hãy đặt câu hỏi cho 2 bác sỹ tại đây. Sau đây là toàn văn giao lưu trực tuyến: Tran thi Nghi , Nữ - 63 Tuổi: Thế nào viêm cầu thận mãn? Tôi thường xuyên đi tiểu ra hồng cầu, bình thường > 25M/l, hoặc lượng hồng cầu được viết là moderate (khi thử nước tiểu), các chỉ số creatin, ure của máu ở trng giới hạn. Huyết áp có lúc cao,(140/100) có lúc bình thường. Người hay mệt mỏi, Vậy tôi cần điều trị như thế nào, chế độ ăn hợp lý là như thế nào, và nếu chưa tại Singapore thi chi phí khoảng bao nhiêu? BS. Pary Sivaraman và BS Dương: Dựa trên các triệu chứng mà bạn mô tả thì bạn không bị viêm thận mãn. Viêm thận mãn thường phải có biểu hiện có protein niệu còn có thể có hoặc không có suy thận. Việc bạn bị mệt có thể không liên quan gì đến chức năng của thận. Huyết áp của bạn khá cao và cần được điều trị. Nếu bạn đến Singapore điều trị, chi phí cho việc này khoảng từ USD500-700, bao gồm việc tư vấn, khám bệnh, và các xét nghiệm có liên quan và chụp cắt lớp vi tính. Nguyễn Hải Yến, Nữ - 35 tuổi: Con trai tôi hiện được 30 tháng tuổi, lúc bé được 15 tháng tuổi, bác sỹ Bệnh Viện Nhi Đồng 1 chuẩn đoán bé bị Hội chứng thận hư và điều trị là uống Perdnisolone 1 tháng, nhưng từ khi bắt đầu uống thuốc thì đạm trong nước tiểu vẫn không giảm và bé vẫn bị phù. Sau đó BS đã xét nghiệm sinh thiết thận cho bé và kết quả là Tổn thương tối thiểu trong Hội chứng thận hư, và cho uống thêm Ciclosporin 25mg cho đến nay thì lượng đạm trong nước tiểu của bé không còn, bé khỏe và phát triển bình thường (hiện tại bé vẫn còn uống Ciclosporin 25mg). Bác sỹ cho tôi hỏi con tôi có khả năng điều trị khỏi bệnh hoàn toàn không? Thời gian điều trị bao lâu? Nếu khỏi bệnh khi bé lớn lên bé có phát triển bình thường như những trẻ em khác không? Xin chân thành cảm ơn Bác sỹ. BS. Pary Sivaraman và BS. Dương: Thường thường chúng tôi khuyên bệnh nhân nên điều trị ít nhất là 2 năm trong trường hợp như vậy. Sau đó giảm dần liều và dừng Ciclosporin trong vòng 3 tháng. Nếu sau đó không thấy hiện tượng tái phát, không có protein niệu thì nguy cơ tái phát trong năm đầu tiên là khoảng 30-50%. Sau đó, nếu trong năm đầu tiên không tái phát thì nguy cơ tái phát trong năm thứ hai giảm xuống còn 10-20%. Sau đó, nguy cơ tái phát sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu sau 5 năm không tái phát thì nguy cơ tái phát gần như không còn nữa. Vu thi lan , Nữ - 30 Tuổi: Tôi bị thận đa nang bẩm sinh, gia đình tôi có bà nội, bố, cô đang bị bệnh này. Hiện nay tôi hay bị đau âm ỉ, tại hai bên bụng và thường sờ thấy cục ở 2 bên sườn. Tôi gầy và rụng tóc, da xạm vàng, sức khỏe yếu và thường ốm vặt. Xin hỏi BS khoảng bao lâu tôi phải ghép thận và chi phí là bao nhiêu, nguồn thận có thể lấy từ ai và nhất là 2 con gái của tôi có thể bị di truyền bệnh này hay không? Xin cảm ơn BS. BS. Pary Sivaraman: Theo như bạn nói thì hiện nay chức năng thận của bạn rất yếu. Bạn cần làm gấp xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận. Nếu trong trường hợp xét nghiệm chức năng thận cho thấy chức năng thận của bạn rất kém thì bạn nên tiến hành ghép thận càng sớm càng tốt. Bệnh thận đa nang có thể là một rối loạn di truyền trong khoảng 50% các trường hợp. Nếu các con bạn đã trên 30 tuổi và chụp CT scan không phát hiện thấy nang ở thận thì coi như con bạn không bị bệnh này. Ngoài ra, để xác định bệnh có tính chất di truyền hay không người ta có thể làm các xét nghiệm về di truyền học (chi phí từ USD3.000-8.000). Nếu con bạn ngoài 30 tuổi và chụp cắt lớp không phát hiện thấy nang ở thận thì có thể là người cho thận cho bạn. Nguyễn Văn Thu , Nam - 35 Tuổi: Con tôi năm nay 3 tuổi (36 tháng). Cách đây 10 tháng (lúc cháu hai tuổi) bác sĩ chuẩn đoán cháu có thêm một quả thận phụ bên trái và niệu quản lạc chỗ do đó đã làm phẫu thuật cắm lại niệu quản. Nhưng sau khi phẫu thuật triệu chứng ban đầu của cháu vẫn không thay đổi (thường xuyên bị ướt quần do són tiểu). Vậy cho tôi hỏi: 1. Trường hợp của cháu có thêm 01 quả thận phụ tổng cộng 3 quả thận) có ảnh hưởng gì lớn không, có nguy hiểm không? 2.Đã cắm lại niệu quản nhưng không hết triệu chứng (chẩn đoán ống niệu quản của quả thận thứ 3 đi vào âm đạo) thì cần phải phẩu thuật lại không? nếu phẫu thuật lại, xin BS cho tôi lời khuyên là nên đi bệnh viện nào (lúc đầu nổ tại Bệnh viện Đà Nẵng). Cảm ơn các BS nhiều! Mong được quan tâm trả lời. BS. Pary Sivaraman: Con gái bạn gặp vấn đề khá phức tạp. Không có nhiều bác sỹ trên thế giới có thể giải quyết vấn đề này. Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm thì con gái bạn sẽ dễ bị suy thận. Nếu bạn có điều kiện, tôi có thể giúp giới thiệu cho bạn một bác sỹ giỏi ở Singapore có thể giúp điều trị cho con bạn. Lê Khánh Vân , Nữ - 48 Tuổi: Độ tuổi nào ghép thận được cho là an toàn - Bị giãn 1 quả thận và đường tiết niệu 6mm mà không phát hiện ra sỏi sẽ có dẫn đến suy thận không? BS. Pary Sivaraman: Ở Singapore, bệnh nhân ghép thận nhiều tuổi nhất là 74, ở Canada tôi đã biết đến bệnh nhân cao tuổi nhất thực hiện ghép thận là 87 tuổi. Do đó, việc ghép thận phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe chứ không phải tuổi tác.Đối với các biểu hiện của bạn, nếu quả thận còn lại vẫn hoạt động bình thường thì bạn sẽ không sao. Nguyễn Việt Hải , Nam - 38 Tuổi: 1. Tôi có người nhà bị suy thận mãn đã được chỉ định ghép thận, nhưng không có nguồn thận của thân nhân gia đình. Xin cho tôi hỏi: Người nhà của tôi có thể đăng ký ghép thận tại bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) được không? Đăng ký ở đâu? thủ tục như thế nào?. 2. Tôi nghe nói chạy thận nhân tạo 1 thời gian (3-4năm) tùy người sẽ bị rất nhiều biến chứng phải không? BS. Pary Sivaraman: Ở Singapore, chúng tôi không cung cấp người ghép thận kể cả đối với công dân Singapore. Những bệnh nhân ghép thận thường phải tự tìm người cho thận, và người cho thận không nhất thiết phải là người nhà. Kết quả thành công của việc ghép thận càng cao khi người bệnh được ghép thận sớm. Lý tưởng nhất là trong vòng 6 tháng kể từ khi bệnh nhân bắt đầu phải lọc máu. Càng để lâu, các chức năng của cơ thể (như tim, mạch máu, và xương) càng bị ảnh hưởng kể cả có lọc máu, đặc biệt đối với những bệnh nhân sử dụng lọc máu trên 10 năm. Nguyen Thi Ngoc Van , Nữ - 27 Tuổi: Ba tôi bị sỏi thận cách đây 15 năm và đã mổ cắt 1 trái thận bên trái. Nay ba tôi chỉ còn 1 quả thận. Hiện tại quả thận này vẫn làm việc tốt nhưng tôi rất lo có thể ba tôi sẽ bị suy thận vì ba tôi còn mắc thêm bệnh cao huyết áp. Hiện ba tôi phải uống thuốc ổn định huyết áp hàng ngày. Tôi muốn hỏi để ngăn ngừa trái thận còn lại của ba tôi bị suy thì ba tôi cần ăn uống chế độ ra sao? Có cần uống thuốc gì để ngăn chặn suy thận hay không? Tôi rất lo cho sức khỏe ba tôi và mong nhận được phản hồi. Cám ơn bác sỹ và tòa soạn. BS. Pary Sivaraman và BS Dương: Lời khuyên của tôi là bệnh nhân phải kiểm soát tốt huyết áp. Huyết áp cần được duy trì ở mức không vượt quá 130/80. Bệnh nhân cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ 4 tháng/lần trong đó phải xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận và xét nghiệm nước tiểu để đánh giá protein niệu. Nếu bệnh nhân có protein niệu thì cần phải được điều trị. Bệnh nhân nên duy trì chế độ sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cần hạn chế ăn mặn, uống ít nhất 2 lít nước/ngày và tập thể dục thường xuyên. Nguyễn Thanh Hà , Nữ - 52 Tuổi: Tôi có chồng 55 tuổi mắc bệnh suy thận mãn, huyết áp cao, hay đau đầu từ tháng 11/2006. Tình trạng bệnh ổn định sau khi điều trị 1 tháng tại BV Bạch Mai do khống chế đuợc HA 130-140/80. Nhưng từ 15/12/08 bệnh đột nhiên biến chuyển theo chiều hướng xấu. Chồng tôi bị phù toàn thân, tràn dịch đa màng ( màng bụng, màng phồi, màng tim, hai chi dưới v.v...).BS Bạch Mai chẩn đoán chồng tôi mắc thêm hội chứng thận hư. Họ cho uống rất nhiều thuốc đặc trị như Furosemide (lợi tiểu) Medrol, Endoxan v.v... nhưng bệnh ngày càng nặng sau hơn 4 tháng chữa chạy. Hiện bụng trướng to gây đầy bụng suốt ngày, ăn uống khó khăn dẫn đến suy dinh dưỡng nặng. Chúng tôi muốn hỏi 2 BS Pary Sivaraman và BS Đặng Văn Dương có cách chữa nào tốt nhất để chữa cho chồng tôi đỡ phù không ? Tháng 3/09 BS bệnh viện BM có chỉ định để chồng tôi làm siêu lọc tách nước nhưng do không chuyển được bảo hiểm y tế từ BV Hữu Nghị nên hiện nay chồng tôi đang đuợc điều trị tại BV HN. Tại đây BS vẫn cho uống thuốc như BS BV Bạch Mai cho và còn truyền thêm Natri Clorid 10% (Muối). Gia đình tôi dề nghị lọc tách nước cho chồng tôi nhưng họ nói chưa cần. Vì vậy tôi muốn hỏi thế nào là lọc tách nước, tác dụng phụ của lọc tách nước là gì ? tại sao BS BV HN lại chưa chỉ định chữa cho chồng tôi. BS Bạch Mai đã chỉ định cho chồng tôi lọc tách nước (để giảm phù nề và giảm Ure (30) và Creatinine (390) nhưng BS BV HN lại chưa chỉ định mặc dù nhà tôi bị phù toàn thân nặng nhất kể từ tháng 12/08. Vậy chỉ định của BS bệnh viện nào là đúng. Chúng tôi phải làm gì để giúp chồng tôi giảm phù nề ? Kính mong các bác sỹ giải đáp và tư vấn cho chúng tôi cách chữa chay tốt nhất. Chúng tôi mong nhận được hồi âm từ các BS và xin chân thành cảm ơn. BS. Pary Sivaraman và BS Dương: Rất nhiều khả năng là chồng chị đã bị suy thận. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên được lọc máu hoặc ghép thận. Chỉ với hai phương pháp điều trị này thì tình trạng sức khỏe của chồng chị mới được cải thiện lên được. Bạn cũng nên tham khảo thêm một số bác sỹ khác để có thêm ý kiến điều trị. Phạm thị Bích Thủy , Nữ - 45 Tuổi: Tôi có con gái ghép thận, cháu 16 tuổi, xin được hỏi bác sỹ: 1. Bệnh nhân ghép thận có được dùng các thực phẩm chức năng bổ dưỡng như nước Noni (chiết xuất từ trái nhàu); nước tảo xoắn...(từ tảo biển spirulina không? 2. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sau ghép thận như thế nào? 3. Các biểu hiện của hiện tượng thải ghép và cách đề phòng? 4. Tôi được biết hiện nay đã có thuốc thải ghép mới tên là rapamune. Xin hỏi: loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân ghép tạng hay chưa và ưu điểm của loại thuốc mới này? 5. Ở Hà nội hiện nay có những bệnh viện nào có thể xét nghiệm nồng độ thuốc Prograf? Xin cảm ơn rất nhiều. BS. Pary Sivaraman: Theo tôi, không nên sử dụng hai loại thực phẩm chức năng mà chị nêu là Noni và Spirulina. Thậm chí Noni còn có khả năng gây ra suy thận, ở một số bệnh nhân. Còn Spirulina có thể có phản ứng chéo với một số loại thuốc sử dụng trong khi ghép thận. Bạn nên ăn các thức ăn bình thường như rau, hoa quả. Có hai loại thực phẩm người ghép thận KHÔNG nên ăn là bưởi và khế. Rapamune là một loại thuốc tốt nhưng không phải có tác dụng với tất cả các trường hợp. Hoàng Văn Nhã , Nam - 30 Tuổi: Xin Bác sĩ vui lòng cho biết: Tôi bị đau râm ở bên bụng phía trái,và biểu hiện của bệnh là đi tiểu khi kết thúc thường bị sót nước tiểu. Tôi đi khám đông y thì được họ chẩn đoán là suy thận. Tôi cũng đã uống thuốc nhưng vẫn chưa thấy khỏi. Vậy để biết chính xác mình có bị suy thận không thì tôi cần làm xét nghiệm gì? BS. Pary Sivaraman: Trước hết bạn cần xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, sau đó hoặc siêu âm hoặc chụp cắt lớp bằng X quang. Bùi Thị Nguyên , Nữ - 26 Tuổi: Con trai mới hơn 2 tuổi của tôi cũng hay đi tiểu, một đêm cháu đi khoảng 3 lần,sau mỗi lần uống nước nhiều, cháu đi nhiều lần hơn! vậy thận của cháu có bị sao không ạ? BS. Pary Sivaraman: Có thể đó chỉ là biểu hiện bình thường vì cháu uống nhiều nước. Nhưng cũng có thể là cháu có vấn đề ở Bàng quang hoặc ở thận. Trần Thanh Ngân , Nam - 26 Tuổi: Xin bác sỹ cho biết thêm về nguyên nhân gây ra bệnh suy thận và chi phí cho 1 lần ghép thận là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn! BS. Pary Sivaraman: Có 3 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là bệnh viêm cầu thận mãn tính. Thứ hai là bệnh tiểu đường. Thứ 3 là bệnh cao huyết áp. Các nguyên nhân khác có thể là sỏi thận, thận đa nang,..v...v...Giá thành trung bình cho một lần ghép thận không có biến chứng ở Singapore từ USD35.000-50.000, bao gồm viện phí, phẫu thuật cho cả người ghép và người được ghép. Còn người hiến thận phải do bệnh nhân tìm kiếm. Lý tưởng là tìm người cho thận là người trong gia đình, nếu không thì đó là một người quen khỏe mạnh. Huynh Ngoc Hanh , Nam - 46 Tuổi: Xin chào các Bác sĩ ! Tôi xin hỏi các bác sĩ như sau : Tôi có đứa con là Huỳnh Nguyễn Nhật Trúc được ghép thận từ năm 2004 (ca ghép thận đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh, tại bênh viện nhi đồng 2 ) đến nay cháu vẫn đi tái khám đều đặn (02 tháng /1 lần) nhưng số tiền thuốc quá lớn so với thu nhập của gia đình (5.000.000 đồng/01 lần tái khám). Đến khi nào thì được uống thuốc ít đi, hiện nay có loại thuốc nào tối ưu về chống thải ghép. Chúc bác sĩ hạnh phúc, xin cảm ơn! BS. Đặng Văn Dương: Chức năng thận thông thường sẽ hoạt động tốt trong vòng 5 năm đầu, nên nếu con bạn đang cảm thấy thoải mái thì loại thuốc con bạn đang dùng là loại thuốc tốt, phù hợp với con bạn. Mỗi cá nhân thường phù hợp với một loại thuốc khác nhau, nên khi cân nhắc việc đổi thuốc, sẽ thường có nhiều vấn đề. Rất đáng tiếc là con bạn không thể giảm lượng thuốc đang dùng, vì nếu con bạn giảm lượng thuốc đang sử dụng thì sẽ có nguy cơ thải ghép. Phan My Hanh; email: chi201283@yahoo.com: Hiện nay, ở VN số người mắc các bệnh thận và có chỉ định ghép thận đang tăng nhanh. Theo BS, nguyên nhân vì sao căn bệnh này lại gia tăng nhanh như vậy? BS. Pary Sivaraman: Ở tất cả các nước có xu hướng bệnh thận ngày càng gia tăng, có một số yếu tố sau: 1. Người dân có nhận thức ngày càng cao về căn bệnh này. Trước đây, có thể có nhiều người mắc bệnh thận và tử vong vì căn bệnh này nhưng không được chẩn đoán và điều trị bởi không biết là do căn bệnh này gây ra. 2. Việc điều trị căn bệnh này ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều cơ sở y tế. Do đó, bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận với điều trị hơn. 3. Người dân ngày càng có điều kiện kinh tế dẫn tới lối sống gây ra huyết áp cao, tiểu đường, v.v. ngày càng tăng. Những căn bệnh này lại là nguyên nhân gây ra các tổn thương cho thận. Nói chung, điểm 1 và 2 quan trọng hơn điểm 3 ở các nước đang phát triển. Điểm 3 lại là nguyên nhan chính gây ra các vấn đề về sức khỏe ở các nước phát triển. Dương Thị Tình kilycolo@gmail.com: Nguồn thận để ghép ở VN rất hạn chế, những người được ghép thận đều do người thân trong gia đình cho thận. Tại Singapore nguồn thận để ghép được lấy từ đâu? Người VN có nhu cầu ghép thận sang Singapore để ghép thận có được không? Chi phí bao nhiêu? BS. Pary Sivaraman: Tại Singapore, các bệnh nhân mang quốc tịch Sing và dưới 62 tuổi có thể tham gia Chương trình Thận Tử thi. Có nghĩa là theo luật, thận từ những người có não bộ đã không còn hoạt động khi được đưa tới bất kỳ bệnh viện nào của Singapore. Do đó, quy trình xác định thế nào là não bộ đã không còn hoạt động trước khi có thể lấy được thận là một quy trình rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Trong khi rất nhiều người chết trong bệnh viện lại không được công nhận là người hiến có não bộ không còn hoạt động. Trên thực tế, mỗi năm không tới 80 người nhận được thận hiến theo cách này có nghĩa là có ít hơn 40 người chết tại bệnh viện đủ tiêu chuẩn để coi là thận từ người hiến đã chết. Do quy trình xác định này quá ngặt nghèo nên nguồn hiến này rất khan hiếm để sử dụng cho những bệnh nhân suy thận. Hơn 3,000 bệnh nhân suy thận cần chạy thận thì chỉ 600 người có thể được tham gia vào chương trình này. Và vì không tới 80 người được ghép thận hiến từ nguồn này mỗi năm nên hầu hết bệnh nhân đều phải chờ khoảng từ 7 tới 8 năm để có được thận hiến. Nhiều bệnh nhân đã tử vong trước khi tới lượt được nhận thận hiến. Mặc dù chỉ có 600 người đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình này nhưng có khoảng từ 900 tới 1500 bệnh nhân suy thận Singapore khác vẫn được ghép thận từ nguồn hiến là người thân, bạn bè… Bệnh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tới Singapore để ghép thận. Họ sẽ cần có sẵn người hiến bởi ngay cả Singapore cũng không “cung cấp” người hiến cho chính người dân của mình. Người hiến có thể là người thân hoặc không phải người thân của bệnh nhân nhưng phải đảm bảo rằng việc hiến thận này là từ thiện cứu người chứ không phải xuất phát từ động cơ tiền bạc. Ngo Tuan Phong, email: greenfield38822@yahoo.com: Người cho đi một quả thận, sức khỏe liệu có bị ảnh hưởng không? BS Đặng Văn Dương: Người hiến cần phải khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần trước khi hiến thận. Chúng tôi thường khuyên những người có nghề nghiệp có rủi ro cao tới sức khỏe như võ sỹ quyền anh chuyên nghiệp và những người lao động nặng nhọc thì không nên hiến thận. Mặc dù không có bằng chứng chứng minh có vấn đề với những người hiến , cũng không có phàn nàn gì từ phía người hiến về đau đớn hay thiếu năng lượng sau khi hiến. Trên thực tế, chúng tôi đã có nhiều người hiến tham gia các hoạt động đòi hỏi năng lượng cao như vận động viên và họ vẫn sinh con đẻ cái sau đó bình thường (cả nam lẫn nữ), v.v. Những ca người hiến gặp vấn đề sau khi ghép là do lựa chọn người hiến không kỹ hoặc tư vấn trước khi hiến chưa kỹ càng hay do tâm lý của người hiến. Tran Thu Phuongpinklotus@yahoo.com: Để duy trì sau khi ghép thận, người bệnh thường phải dùng thuốc chống thải ghép song rất đắt. Vậy việc uống thuốc này sẽ phải kéo dài trong bao lâu? BS. Pary Sivaraman: Không may là cơ thể con người đào thải thận hiến trừ khi quả thận đó là do anh chị em sinh đôi cùng trứng hiến. Để tránh tình trạng đào thải này, bệnh nhân cần uống thuốc chống đào thải. Thường bệnh nhân cần uống thuốc liều cao ngay sau khi ghép. Khoảng 6 tháng tới 1 năm sau, chỉ cần uống thuốc duy trì. Và sau đó tiếp tục uống thuốc như vậy mà không cần điều chỉnh thuốc nếu không gặp vấn đề gì. Một khi quả thận được ghép còn hoạt động thì bệnh nhân vẫn cần phải uống thuốc chống đào thải. Với những người bị suy thận, nếu không có điều kiện ghép thận mới thì có ảnh hưởng đến tính mạng không? Có thể dùng thuốc để thay thế việc ghép thận không? Chạy thận hay lọc thận là phương pháp thay thế khá phổ biến thay cho ghép thận . Nhưng ghép thận vẫn là phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, không có loại thuốc nào có thể thay thế lọc thận hoặc

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/04/843185/