Trục lợi từ “tạm nhập, tái xuất”

Tình hình đưa hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam trong những tháng đầu năm đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong đó, nổi cộm là tình trạng một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng hình thức “tạm nhập, tái xuất” để làm ăn phi pháp, trục lợi.

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), chỉ riêng tháng 5/2010, tại Cảng Hải Phòng, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 vụ buôn bán ngà voi với số lượng lớn. Tính chung từ đầu năm 2009 đến nay, cơ quan điều tra đã phát hiện 7 vụ nhập lậu ngà voi vào cảng Hải Phòng với phương thức giống nhau là “ngụy trang” trong hàng hóa thuộc diện tạm nhập (bằng đường biển vào các cảng thuộc khu vực Hải Phòng), sau đó làm thủ tục chuyển khẩu sang nước thứ 3 là Trung Quốc bằng đường bộ. Mỗi cặp ngà sau khi trót lọt có thể bán được với giá khoảng 50.000 USD và mức lợi nhuận thu được rất cao, ước từ 300 đến 500%. Một mặt hàng “nóng” khác là ô tô cũng được “tạm nhập, tái xuất” khá mạnh. Biên giới Tây Nam và miền Trung, nơi tiếp giáp Lào, Campuchia hiện là những điểm nóng của tình hình nhập lậu ô tô qua hình thức “tạm nhập ,tái xuất”, nhưng trên thực tế, chỉ có nhập mà không được tái xuất. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, tính đến tháng 5/2010, lượng ô tô tạm nhập vào Việt Nam đã quá hạn tái xuất là khá lớn, gồm Nghệ An 394 xe, Quảng Trị 312 xe, Hà Tĩnh 283 xe. Sau khi qua cửa khẩu, bằng nhiều hình thức, chủ nhân “phù phép” trao quyền sở hữu xe cho người khác sau khi thỏa thuận giá cả và mặc cho người mua “đánh tráo” giấy tờ để hợp thức hóa nhằm trốn nộp thuế. Tình hình buôn lậu ô tô bằng hình thức tạm nhập tái xuất đang làm đau đầu cơ quan quản lý, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước… Mặt hàng rác thải công nghiệp gồm máy móc cũ, phế liệu bẩn… cũng được không ít DN lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để biến Việt Nam thành “bãi rác”. Những mặt hàng này được phía nước ngoài trả phí cao nếu “đẩy đi” được trót lọt khỏi nước họ. Từ đầu năm đến nay, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phát hiện hàng chục vụ “tạm nhập” rác thải có mục đích như trên. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Thường trực Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp, nhất là với mặt hàng thuốc lá, đường kính; các vi phạm chủ yếu về thủ tục hải quan, phương tiện vận tải tạm nhập, tái xuất, tạm xuất- tái nhập quá thời hạn quy định; vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ trong địa bàn hoạt động. Các mặt hàng tạm nhập, tái xuất đi nước ngoài như rượu và thuốc lá ngoại có dấu hiệu thẩm lậu trở lại nội địa. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách quà tặng để nhập khẩu trái quy định các loại hàng hóa có giá trị cao; lợi dụng phương thức chuyển khẩu, tạm nhập, tái xuất, nhập khẩu vào các khu kinh tế mở, khu chế xuất để hạ thấp giá. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục lợi dụng những bất cập trong cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hải quan, đặc biệt là trong ưu đãi với các khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu… để buôn bán hàng lậu, hàng cấm. Riêng những mặt hàng Nhà nước cấm nhập hoặc đang trong thời kỳ hạn chế nhập..., lợi dụng chính sách ưu đãi về tạm nhập, tái xuất, đối tượng buôn lậu thường thực hiện "tạm nhập" về Việt Nam, rồi "tái xuất" sang nước thứ 3, sau đó tìm cách nhập lậu trở lại thị trường Việt Nam để tiêu thụ. Nhiều chuyên gia nhận định, Nhà nước cần sớm rà soát các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc danh mục cấm xuất, cấm nhập khẩu hoặc xuất, nhập có điều kiện cho phù hợp, tránh tạo kẽ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/doisongxahoi/abecf2797f000001013f9d5c1b82cb2c