Trụ trì uống rượu Tây, nhắm tiết canh! (kỳ 3): “Kỳ phùng địch thủ” của sư Thích Thanh Mão

Chúng tôi hoàn toàn tình cờ được người dân đưa đến chùa Phú Thị thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để bắt gặp “bức chân dung” rượu chè, tiết canh và nhiều "sửng sốt" khác của sư trụ trì Thích Thanh Mão. Tình cờ hơn, “kỳ phùng địch thủ” từng mang tiếng “dao kiếm đối đầu” với ông Mão, lại là nhà sư trụ trì ở di tích quốc gia cũng nằm trong xã Mễ Sở kể trên. Chúng tôi muốn kể một cách trung thực về nhà sư Thích Minh Thịnh, người đang trụ trì chùa Nhạn Tháp kế bên. “Mật độ” nhà sư tự dựng nên chân dung gây nhiều bức xúc như thế, đủ để chúng ta thấy một sự thật không cần phải bàn cãi… (Xem video)

Chùa Nhạn Tháp, di tích Quốc gia, được xây dựng mới nhiều hạng mục nhếch nhác

Sư chửi vãi như… hát hay

Nhiều lần chúng tôi ghé thăm chùa Nhạn Tháp, nhưng ít khi thấy nhà sư có mặt ở cửa Phật. Nghe đồn ông đi học ở Trung Quốc mới về, giờ đang bận lắm. Mấy người đang thi công xây xây trát trát thì bảo, "sư uống rượu say, nằm cùng khách ở trong phòng điều hòa kia kìa".

Cửa khép hờ, anh bạn tôi hé mắt nhìn vào. Có hai ông nằm như Lỗ Trí Thâm (một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết văn học cổ điển Trung Hoa "Thủy Hử" - BT), người trên kệ cao, kẻ dưới mặt đất. Bà nấu bếp cho nhà chùa bảo: “Họ rượu say rồi. Sư các nơi đến đây, thầy nào cũng rượu chè suốt ngày, thầy Thích Minh Thịnh nhà tôi còn uống ít đấy”.

Một góc bên trong chùa Nhạn Tháp

Như bài trước đã viết, ông sư Mão bảo, một bữa tiếp khách của ông - cạn cả chai rượu Tây, bữa ăn - phải nửa lít đến một lít rượu trắng; ông Mão bảo, ông Thịnh ngày nào cũng say. Thế là ông sư Thịnh say hơn cả ông sư Mão. Sư trụ trì, uống rượu và thừa nhận ăn tiết canh ngon lành ư? Bà vãi nấu cơm cho nhà chùa rất hiền, bà bảo: “Trong bếp đầy hũ rượu kia kìa, họ ăn thịt, uống rượu, giờ ngủ rồi. Sư nào đến chùa này, cũng uống rượu, tôi nấu bếp tôi biết”. Chúng tôi chụp ảnh góc ăn uống toàn rượu chai, rượu hũ ở chùa Nhạn Tháp.

Lại nhớ hôm trước vào làng gặp ông cụ Chu Trọng Miễn, 85 tuổi, cụ bức xúc nói chuyện ông sư Thịnh phá nát khuôn viên chùa Nhạn Tháp quê ông bằng các công trình hai tầng bê tông, nhà sàn như quán cà phê trong chùa, nhà ông sư ở thì làm mái kiểu nhà dân tộc Thái, chẳng hợp cảnh tí nào. Ông Miễn còn mở ngoặc, ông Thịnh chửi các vãi đến chùa và nấu cơm hầu ông Thịnh… như hát hay. Bây giờ nghe bà cụ “nhậm chức” thay cho các bà bị chửi kia kể, mới hay rằng “không muốn tin cũng phải tin”. Bà bảo, thầy chửi ghê lắm, chửi rằng nấu thế này thì chó nó ăn được à, các bà là cái loại…

Đưa nhà sàn vào chùa cổ

Ừ thì, chuyện thị phi biết đâu mà lần, dù biết rõ rằng “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chịu”, như các cụ nói. Ý là, hai ba ý kiến ở các bối cảnh, các không gian khác nhau cùng kể về một chi tiết trùng khớp, khó có lý lẽ nào bác bỏ được. Nhưng cái này thì chắc ăn. Sư trụ trì sau bảy tám năm “mượn cảnh di tích quốc gia đi tu”, đã gây nên nhiều tổn thất to lớn cho không gian cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh của di tích chùa Nhạn Tháp - một viên ngọc kiến trúc phong cảnh của miền Bắc, đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chùa Nhạn Tháp được xây trên nền cũ của dinh quan Thái úy Trần Ngô Lương, là một trong những tướng giỏi của nhà Trần đã trực tiếp đánh bại quân Nguyên Mông ở trận Đông Bộ Đầu.

Nhà hai tầng bằng bê tông, như cái lô cốt trong khuôn viên chùa.

Trong chùa Nhạn Tháp có một sập đá do nhiều khối đá lớn ghép lại, tương truyền do quan Thái úy trong một trận đi đánh Chiêm Thành mang về. Trải qua nhiều biến thiên, bà con bảo chùa đã nhiều lần phải chỉnh trang, tu sửa, thế nhưng, cái sập đá ấy thì vẫn vẹn nguyên như ngày quan Thái úy mang về. Như thế là rất quý, được vinh danh rất sớm, chứng tỏ rất có giá trị. Thế nhưng, “sư ông Thịnh” đã “cơi nới, cải tạo” chùa một cách rất đáng sợ. Cổng chùa xây sai vị trí ngày xưa của di tích, mở lối to cho ô tô vào. Cổng xích dây sắt, với mặt hổ phù hai bên rất kệch cỡm.

Kinh dị hơn, đường vào chùa phải chui qua một cái nhà sàn bằng bê tông cốt thép to như cái lô cốt, tầng phải chui qua của nó thấp lè tè, với những hàng cột thô kệch. Dưới gầm sàn đó, tượng gỗ phủ đầy vải vóc bẩn thỉu, các hộc tường xi măng xếp các ông bà tượng bóng nhoáng. Xe ô tô của nhà sư đỗ gần hàng tượng. La liệt gỗ của một ngôi nhà sàn cũ, sư ông mới mua về chưa kịp dựng. Nhà sàn này mà dựng xong, là chùa Nhạn Tháp cổ kính, nổi tiếng với cái sập đá mấy trăm năm tuổi, mái ngói âm dương bên các tàng cây xanh um kia sẽ giữ kỷ lục Việt Nam: "Chùa có tới 3 cái “nhà sàn” theo đúng nghĩa đen". Một nhà sàn bê tông với kiến trúc mới toe thay thế kiến trúc cũ, xây hai tầng, tầng nào cũng thờ Phật, tầng dưới thờ Phật kiêm luôn nhà để xe và lối đi, tầng trên thờ Phật kiêm luôn thờ các cặp rắn thè lưỡi xanh đỏ, có mào phục vụ công việc của những người lên đồng (thờ mẫu).

Việc nhà chùa lắp đặt, xây dựng nhà sàn dân tộc thiểu số trong khuôn viên di tích quốc gia cổ kính, chùa Nhạn Tháp, giữa đồng bằng Bắc bộ, khiến nhiều người phản đối.

Bức thông báo này được dán khắp chùa

Bên cạnh, các góc chùa là tờ giấy A4 in các dòng chữ nguyên văn của “Trụ trì chùa Nhạn Tháp”: “Chùa Nhạn Tháp thông báo: Cấm những người kêu thay lạy mướn, tự do, tự động tới Chùa Nhạn hành nghề. Cấm mang những giấy sớ linh tinh không có nguồn gốc minh bạch vào chùa. Khi dùng điện xong phải tắt đi không để lãng phí của Tam bảo chịu quả báo!”. Tờ thông báo dọa dẫm, phản giới luật nhà Phật này được dán khắp ngõ ngách trong chùa, nó thật sự khiến chúng tôi lấy làm ngạc nhiên.

XEM VIDEO CAMERA LẮP TRONG CHÙA TẠI ĐÂY>>>

Coi thường luật pháp và di sản văn hóa

Nhưng ngạc nhiên hơn là sự bừa phứa, coi thường luật pháp và di sản văn hóa trong quá trình bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia. Là Di tích Quốc gia do Chính phủ quản lý, thì mọi tác động làm ảnh hưởng đến di sản hay cảnh quan phải được bàn bạc, xin thỏa thuận, xin phép của Cục di sản với các hạng mục quan trọng.

Vậy mà, theo xác nhận của Bản quản lý di tích tỉnh Hưng Yên (khi chúng tôi về thành phố Hưng Yên có cuộc làm việc chính thức), thì cán bộ ở đây cho biết: Sư Thịnh tự ý tổ chức các hoạt động tu sửa, xây mới kể trên. Không giấy phép của Ban, cũng không xin Bộ. Phải nói là nhà sư này cứ làm bừa, và cơ quan quản lý cũng bất lực hoặc mặc kệ một cách lạ lùng! Ngoài nhà bê tông hai tầng làm nơi thờ Phật, chùa Nhạn Tháp dăm bảy năm trước đã dựng một nhà sàn và đã tập trung vật liệu sẵn sàng dựng thêm một nhà sàn Mường, Thái gì đó nữa.

Gắn lên bờ tường nhà chùa, ngay cổng ra vào là một "hạng mục", thật không biết tên gọi là gì, có hình giống như hình cô gái vốn không có ở chốn tôn nghiêm như chùa chiền…

Nhiều người xác nhận đã đến nhà sàn của nhà chùa ngâm vịnh rượu chè. Đặc biệt sư Thịnh còn cho lắp camera ở cột nhà để theo dõi mọi "biến động". Dãy nhà gồm bếp, phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn của sư trụ trì làm theo kiểu nhà người dân tộc Thái, với mái ngói to, dài, đỏ au, nó không hợp tí nào, và không thể chấp nhận được trong khuôn viên của di tích quốc gia nổi tiếng là chùa Nhạn Tháp.

Cả sư chùa bên - ông Thích Thanh Mão, cả ông cụ đi đầu trong bảo vệ di sản của Mễ Sở - cụ Chu Trọng Miễn, đều cho rằng: Xây các loại nhà sàn trong chùa là phản cảm. Nó phù hợp với nhà phố thị, với quán cà phê, với nơi hát hò giải trí hơn là với khuôn viên chùa. Nó dở miền núi, dở đồng bằng, dở vùng thiểu số, dở vùng xuôi, dở cổ, dở kim.

Đặc biệt sửng sốt, có lẽ chỉ các bức ảnh mới nói hết lên được - rằng ngôi nhà hai tầng kiểu nhà sàn bê tông đã trở thành hạng mục trung tâm, điểm nhấn của toàn bộ Di tích Quốc gia chùa Nhạn Tháp kia, nó đã được trang trí bằng đồ gốm sứ Bát Tràng cổ kim giao duyên. Và gắn lên bờ tường nhà chùa, ngay cổng ra vào là một "hạng mục", thật không biết tên gọi là gì, có hình giống như hình cô gái vốn không có ở chốn tôn nghiêm như chùa chiền…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/tru-tri-uong-ruou-tay-nham-tiet-canh-ky-3-ky-phung-dich-thu-cua-su-thich-thanh-mao-401653.bld