Trồng hoa chất lượng cao - mô hình hiệu quả trên cao nguyên Mộc Châu

Nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đó là điều kiện lý tưởng để địa phương tham gia vào mạng lưới vùng phát triển nghề trồng hoa chất lượng cao.

Nhằm tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, Mộc Châu đã thử nghiệm phát triển một số chủng loại hoa ôn đới, từ đó xác định được 4 loại hoa là: Lan Hồ Điệp, Lily, Tulip và Loa kèn sinh trưởng, phát triển rất tốt ở điều kiện của địa phương, đặc biệt vào mùa hè – thời điểm mà ở dưới xuôi không trồng được. Kết quả khảo nghiệm đã mở ra cho địa phương hướng sản xuất một số chủng loại hoa có giá trị cao theo quy mô công nghiệp, tiên tiến, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. “Đỡ đầu” cho hướng sản xuất mới của Mộc Châu, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Sơn La đã tài trợ trên 1,658 tỷ đồng trong tổng số 5 tỷ đồng đầu tư cho dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Mộc Châu”. Dự án được hợp tác thực hiện giữa Công ty Cổ phần Hoa Nhiệt đới (tỉnh Sơn La) và đơn vị chuyển giao công nghệ là Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Dự án đã triển khai tại Bản Búa, xã Đông Sang 4 mô hình là: Lan Hồ Điệp, Lily, Tulip và mô hình bảo quản hoa có quy mô 25m3, công suất bảo quản 10.000 cành hoa/lần. Hoa được trồng trong nhà lưới có tác dụng hạ nhiệt vào mùa hè, tăng nhiệt vào mùa đông, có hệ thống tưới phun mù tự động phun ẩm theo nhu cầu của cây. Đối với hoa Lily và Tulip, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cung cấp nước tới từng gốc cây, đảm bảo cây luôn đủ nước, hạn chế cỏ dại và tiết kiệm công lao động. Bên cạnh đó còn áp dụng hệ thống chiếu sáng, điều khiển nhiệt độ theo chế độ hẹn giờ. Dự án đồng thời chuyển giao và ứng dụng các quy trình kỹ thuật trồng, thâm canh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật điều tiết sinh trưởng, hoa nở đúng thời điểm mong muốn; kỹ thuật thu hái, đóng gói, xử lý, bảo quản hoa. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty cho biết: thực hiện dự án ngoài Công ty Cổ phần Hoa Nhiệt đới còn có sự tham gia của 60 hộ dân địa phương. Những người này vừa là công nhân vừa là cổ đông góp vốn. Hình thức góp vốn có thể bằng đất đai, công lao động hoặc tiền mặt. Để khuyến khích nông dân góp vốn, Công ty đã nhận bảo hiểm rủi ro cho công nhân (trong trường hợp bị thiên tai, công ty sẽ chịu phần rủi ro, không để người góp vốn bị mất vốn). Bằng cách huy động này, Công ty đã huy động được xấp xỉ 2 tỷ đồng. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng, các mô hình trồng hoa của dự án đều thành công ngoài mong đợi. Đối với Lan Hồ Điệp, dự án đã trồng 36.000 cây trên diện tích 2.000m2, cây khỏe, đồng đều, tỷ lệ cành cho hoa dao động từ 92,5-98,8%, hoa đẹp, không nhiễm bệnh hoặc chỉ nhiễm thối nhũn vi khuẩn ở mức độ nhẹ. Tổng số lãi thuần thu được từ mô hình trong hai năm đạt trên 441 triệu đồng. Đối với mô hình hoa Tulip, thực tế đạt được về diện tích là 6.000m2; quy mô 72.000 cây/2 năm, gấp đôi so với yêu cầu của dự án, gồm các màu: vàng sáng, đỏ nhung, đỏ viền vàng và đỏ cà rốt. Tất cả các giống Tuylip đều sinh trưởng, phát triển khỏe, cho năng suất và chất lượng cao, màu sắc hấp dẫn như tại nơi nguyên sản, lợi nhuận thu được trên 257 triệu đồng/năm, gấp 1,65 lần vốn đầu tư. Đối với mô hình hoa Lily, diện tích đạt được là 6.000m2, quy mô số cây 184.000 cây/2 năm, gấp đôi so với yêu cầu của dự án. Hoa Lily có tỷ lệ sống cao, hầu như không bị sâu bệnh hại, tỷ lệ hoa nở từ 92,6-98,5%. Tổng lãi thuần thu được từ mô hình sau 2 năm là trên 310 triệu đồng. GS-TS Nguyễn Quang Thạch - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nhận xét: Sự thành công của mô hình đã mở ra triển vọng sản xuất, kinh doanh những loại hình hoa cao cấp mang lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn, bền vững do không bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nhất là với hoa Tulip, một giống hoa lạ, thời gian đầu tư rất ngắn, chỉ từ 1,5-2 tháng. Quan trọng hơn là dự án đã chọn ra được bộ giống hoa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thích hợp với điều kiện sinh thái của cao nguyên Mộc Châu. 15 đoàn khách từ các tỉnh trong nước tới tham quan, học tập các mô hình đã chứng minh hiệu quả và tính bền vững của một dự án nông nghiệp công nghệ cao dựa trên sự liên kết chặt chẽ 4 nhà: Nhà quản lý (Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Sơn La), Nhà khoa học (Viện Nghiên cứu Rau quả), Nhà doanh nghiệp ( Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới) và Nhà nông (các hộ nông dân góp đất, góp vốn với doanh nghiệp). Với những kết quả đó, mô hình hoàn toàn có khả năng nhân rộng nhằm góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai, lao động và mở hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho địa phương./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=478409&co_id=30065