"Trốn" Tết đi du lịch

(HQ Online)- Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong những ngày Tết năm 2016, lượng khách du lịch dịp Tết tăng khoảng 30% so với Tết năm 2015.

Dịp Tết Nguyên đán, Tây Bắc là địa điểm được nhiều người lựa chọn vì cảnh sắc thơ mộng của những cánh rừng hoa mơ, hoa mận. Ảnh: Internet

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày năm nay nhiều gia đình, các bạn trẻ đã chọn hình thức du lịch Tết nhằm xả hơi sau một năm lao động miệt mài, vất vả.

Theo tìm hiểu phóng viên được biết, năm nay xu hướng của các gia đình miền Bắc là chọn đi du lịch kèm theo lễ chùa đầu năm như Đền Hùng, Yên Tử, chùa Hương, chùa Bái Đính…

Chị Đặng Thị Thảo- Khương Thượng- Hà Nội cho biết, năm nay nghỉ lễ dài, chị dành ngày 30 và mùng 1 Tết là ở nhà thờ cúng tổ tiên thăm hỏi họ hàng, chúc Tết bạn bè còn lại những ngày tiếp theo chị sẽ đưa cả gia đình đi du lịch cùng với nghỉ ngơi chứ không về quê "ăn Tết' như những năm trước.

Ngày Tết, đối với những bạn trẻ yêu thiên nhiên và ưa khám phá những điểm đến mới lạ, Tây Bắc là điểm đến được lựa chọn. Bởi sau những ngày đông lạnh lẽo, mùa Xuân là thời điểm hoa đào, hoa lê, hoa mận bung nở trắng đất trời Tây Bắc, chính vì vậy đây là dịp tốt để nhiều bạn trẻ tới trải nghiệm cảnh sắc hùng vỹ nơi núi rừng và chụp những kiểu ảnh lãng mạn để “khoe” với bè bạn.

Cá biệt những cặp uyên ương còn chọn dịp Tết này để tìm tới những cánh rừng hoa mai hoa mận nơi núi rừng Tây Bắc để ghi nhớ khoảnh khắc đẹp vào cuốn album cưới.

Còn ngay tại Hà Nội, điểm đến được nhiều người yêu thiên nhiên và muốn tìm về quá khứ yêu thích là Vườn quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, hay những khu vui chơi giải trí cho cả gia đình như công viên nước Hồ Tây, khu đô thị Ecopar....

Với những khách du lịch thích cảm giác “phượt”, loại hình du lịch homestay là một loại hình lý tưởng đối với các bạn trẻ yêu thích khám phá văn hóa tại các vùng đất mới.

Bởi khi đi du lịch homestay, thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ các bạn sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của chính họ. Khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung mâm và trò chuyện trao đổi với các thành viên.

Tuy nhiên để chuyến du lịch đạt kết quả, các chuyên gia du lịch khuyến cáo du khách hãy tìm hiểu thông tin về phong tục, tập quán và văn hóa nơi sắp đến. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc làm quen với môi trường mới và hòa đồng với người dân bản địa.

Nhiều hoạt động văn hóa giải trí diễn ra tại Hà Nội dịp Tết Nguyên đán:

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở chương trình “Vui Xuân Bính Thân 2016” vào ngày 13 và 14-2 (tức mùng 6 và mùng 7 Tết) tại sân bảo tàng (Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội).

Từ ngày 10 đến 15- 2 (tức mùng 3 đến mùng 8 Tết) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ có chương trình “Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân” với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực truyền thống, tái hiện một số lễ hội đặc sắc chào đón năm mới của đồng bào các dân tộc cả nước.

Công viên Hồ Tây (614 Lạc Long Quân, Hà Nội) tổ chức chương trình “Tết yêu - Mừng Xuân Bính Thân và Valentine 2016” từ ngày 8 đến 18-2 (tức mùng 1 đến mùng 10 Tết), với các hoạt động: Lì xì lộc xuân, trò chơi dân gian nhảy sạp, đi cà kheo, nhảy bao bố, chợ quê ngày Tết, biểu diễn nghệ thuật dân ca, ảo thuật, nhảy K-pop…

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tron-tet-di-du-lich.aspx