Triều Tiên phóng tên lửa: Phản ứng dễ đoán của Trung Quốc

Trung Quốc lấy làm tiếc vì vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo.

Ngày 7/2, phản ứng trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, vụ phóng tên lửa tầm xa của Triền Tiên "phớt lờ sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế".

Theo bà Hoa Xuân Oánh, mặc dù Triều Tiên có quyền tận dụng không gian vì mục đích hòa bình, nhưng quyền hạn này đang chịu sự giám sát bởi Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Ảnh chụp Trạm phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên từ vệ tinh hôm 4/2. Ảnh: Reuters

Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh, hành động cẩn trọng và kiềm chế các hành động có thể gây căng thẳng.

Như vậy, giống như những lần khác Triều Tiên phóng tên lửa, Trung Quốc dù bất bình với chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng vẫn không có những phản ứng quá gay gắt với Bình Nhưỡng. Trước vụ phóng tên lửa này vài ngày, vào hôm 4/2, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã trở về Bắc Kinh sau chuyến công cán "bất ngờ" 2 ngày tới Bình Nhưỡng. Dư luận cho rằng, ông Vũ Đại Vĩ sang Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch phóng tên lửa tầm xa, đồng thời quay trở lại với các cuộc đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa vào sáng 7/2 cho thấy, chuyến công tác của ông Vũ Đại Vĩ không thu được nhiều kết quả.

Còn nhớ ngay khi mới lên nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "bỏ qua" Triều Tiên khi chọn điểm dừng chân đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên là Hàn Quốc. Vài tháng sau đó, Trung Quốc cùng với Mỹ và một số cường quốc khác đã đồng ý gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân hồi năm 2013.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có những biện pháp ngoại giao nhằm xoa dịu mối quan hệ song phương với Triều Tiên. Hồi tháng 12/2015, Bắc Kinh đã ngăn cản Mỹ và các nước khác thông qua nghị quyết lên án Triều Tiên về vấn đề nhân quyền. Hai tháng trước đó, Trung Quốc cũng cử một thành viên cấp cao trong Bộ Chính trị tới tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Tại Bình Nhưỡng, ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đã trao thư tay của ông Tập Cận Bình cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái trên có thể đã “phản” lại Trung Quốc. “Cơn ác mộng lớn nhất của Trung Quốc đó là họ có thể mời ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh, ông ấy nhận lời và sau đó về nước và tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân. Khi đó, Trung Quốc rất bẽ mặt và mọi việc diễn ra như thể Bắc Kinh đồng ý để Bình Nhưỡng tiến hành", Joel Wit, chuyên gia phân tích tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận định.

Gần đây nhất, trong lần Triều Tiên thử bom nhiệt hạch vào tháng 1/2016, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối cuộc thử nghiệm này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm “bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế”.

“Chúng tôi đề nghị Triều Tiên đảm bảo cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của nước này, và chấm dứt bất kỳ hành động nào khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”, bà Hoa nói.

Đáng lưu ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố chính quyền nước này ủng hộ Liên Hiệp Quốc tăng cường cấm vận CHDCND Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Với động thái này, dư luận quốc tế phán đoán Trung Quốc sẽ "làm tới" với Triều Tiên nhưng trong khi chưa ngã ngũ mức độ trừng phạt mạnh ra sao thì Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa vào ngày 7/2 và lần này, dường như giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thể thay đổi ngay cách tiếp cận Triều Tiên, dù nước này cho thấy rất không hài lòng với Bình Nhưỡng.

An Nhiên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trieu-tien-phong-ten-lua-phan-ung-de-doan-cua-trung-quoc-3299941/