Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020

(ĐCSVN) - Tiếp nối chương trình làm việc, chiều 25/6, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức Hội nghị triển khai Kết luận 242 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW đã thông báo những nét chính trong Kết luật của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện NQTW 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đạo tạo đến năm 2020. Bên cạnh đó, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng quán triệt Hướng dẫn thực hiện Thông báo 242-TB/TW của Bộ Chính trị. Để Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, các địa phương cần nghiêm túc triển khai 7 nhiệm vụ sau: nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục; tăng cường nguồn lực cho giáo dục; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục – đào tạo. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân thông báo Chương trình Hành động thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó có một số điểm đáng chú ý như: đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học và THCS, tiến tới mở rộng sang THPT. Đến năm 2020, các trường đại học, cao đẳng về cơ bản chuyển sang tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực. Phát huy phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, hợp tác; giảm thời gian giảng lý thuyết; tăng thời gian tự học, tự tìm hiểu cho học sinh, sinh viên. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong thời gian tới đặc biệt coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Gắn kết việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Kế hoạch tổng thể nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, để đến năm 2020 ngoại ngữ, tin học trở thành thế mạnh của người Việt Nam. Tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh ý nghĩa và tầm vóc Kết luận của Bộ Chính về tiếp tục thực hiện NQTW 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Đây là một Kết luận có tầm vóc như một Nghị quyết, mặc dù NQTW 2 (khóa VIII) đã qua hơn 10 năm nhưng những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cho phát triển ngành giáo dục-đào tạo vẫn còn rất nhiều giá trị, giải quyết được mọi vấn đề trong tầm nhìn tương lai. Nói về những hạn chế, yếu kém trong phát triển giáo dục-đào tạo, nguyên nhân đầu tiên Bộ Chính trị chỉ ra là do quán triệt không đầy đủ, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thực hiện NQTW2. Từ nguyên nhân này kéo theo một loạt những nguyên nhân khác. Do vậy, trước một chủ trương lớn thì khâu quán triệt sâu sắc, cốt lõi là hết sức quan trọng. Đồng chí Phùng Hữu Phú đề nghị căn cứ vào Chương trình hành động của Bộ Giáo dục-Đào tạo, các giải pháp mà Hội nghị đưa ra, các địa phương cần phải xây dựng chương trình phát triển giáo dục-đạo tạo đến năm 2020 cụ thể, nghiêm túc, xây dựng từng lộ trình thực hiện để sớm có sự chuyển biến tích cực, tạo sự động thuận trong xã hội.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=347154&co_id=30085