Tri ân người có công với đất nước

Tiến tới kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày 16-7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Báo Nhân dân và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 tại thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre).

Những gương sáng giữa đời thường Mặc dù ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời mưa to, nhưng các đại biểu về dự hội nghị đã có mặt rất sớm tại hội trường UBND tỉnh Bến Tre. Cờ, biểu ngữ chào đón các đại biểu về dự hội nghị được treo khắp các con đường trong thị xã. Đến dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập Báo Nhân dân; Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. 272 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu toàn quốc về tham dự hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh: Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, biểu thị tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe những báo cáo thành tích của đại biểu người có công tiêu biểu đã vượt lên thương tật, bệnh tật, vượt qua những đau thương, mất mát, nỗ lực phấn đấu tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bà Lê Thị Hồng, nữ biệt động thành, Anh hùng LLVT, thương binh 2/4 ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre xúc động kể lại: Năm 1967, bà được tuyển vào đơn vị biệt động thị xã Bến Tre, lúc mới 16 tuổi, cùng đơn vị tham gia 8 trận đánh trong nội ô thị xã Bến Tre, phá hủy hàng chục tấn đạn dược, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm sĩ quan và binh lính địch. Bà đã ba lần bị địch bắt đưa về các nhà lao giam cầm. Chúng dùng nhiều cực hình tra tấn dã man, song bà luôn giữ vững khí phách người cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà tích cực tham gia công tác trong Hội chữ thập đỏ, chính quyền thị xã… Khi về nghỉ hưu, bà tham gia sản xuất phát triển kinh tế, chăn nuôi. Bà đã hiến hơn 200m đất để làm đường đi công cộng, giúp hơn 50 triệu đồng cho bà con còn nghèo khó. Đại tướng Lê Văn Dũng xúc động xiết chặt tay, biểu dương thương binh 1/4 Vũ Văn Soan quê ở Hải Dương đã dũng cảm vượt lên số phận. Mang trên mình 47 vết thương, cánh tay phải bị cụt, khi nằm điều trị ở Quân y viện 109, ông Soan cân nặng chỉ 29kg. Với ý chí và nghị lực phi thường, ông đã vượt lên thương tật, tập viết, tập làm bằng tay trái, lao động sản xuất như đốt gạch thuê, trang trí đám cưới, kẻ vẽ biển quảng cáo, đào ao nuôi cá, phát triển kinh tế gia đình. Năm 1999, ông tập luyện bóng bàn và trở thành vận động viên bóng bàn khuyết tật Việt Nam, 8 lần tham dự giải quốc gia, đạt 9 huy chương vàng, 5 lần khoác áo đội tuyển quốc gia thi đấu ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Với tổng số 22 huy chương các loại, hai lần ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhiều tấm gương tiêu biểu khác như những bông hoa đẹp giữa đời thường là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Đó là bà La Thị Tám-nữ Thanh niên xung phong, Anh hùng LLVT nhân dân ở Vĩnh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh từng dũng cảm, cắm tiêu ở hàng nghìn quả bom nổ chậm để thông đường cho xe qua. Bà Kpăc H’ó, Anh hùng LLVT nhân dân ở huyện Chư Prông, Gia Lai tích cực tuyên truyền vận động bà con dần bỏ tập tục lạc hậu trong đời sống. Ông Thái Hữu Hoàng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 4/4 tỉnh Sơn La, nay là chủ doanh nghiệp có doanh thu đạt 65 tỉ đồng/năm. Trung tá Trương Văn Ba, thân nhân gia đình liệt sĩ, Phó đoàn trưởng đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm miền Bắc-Cục Phòng, chống tội phạm ma túy Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham gia phá nhiều vụ án trọng điểm. Ông Nguyễn Kiềng, quê ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và là cha của hai liệt sĩ. Khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động con cháu chấp hành tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là bà Phạm Thị Bay, Anh hùng LLVT nhân dân, đồng thời là thương binh 4/4 quê ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, từng chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, bắn rơi 3 máy bay trực thăng. Ông Võ Văn Nguyên, thương binh 3/4, thuộc Công ty 732, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Ông Trịnh Công Thanh, thương binh 4/4, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, tham gia nhiều cương vị khác nhau ở địa phương, đồng thời tích cực lao động sản xuất. Mỗi năm gia đình ông thu lợi hơn 150 triệu đồng. Ông được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 8 năm liền. Thương binh 4/4 Lê Xuân Vị, quê ở phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, là giám đốc cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh, người tàn tật. Từ năm 2007 đến nay ông đã kinh doanh đạt trị giá hàng chục tỉ đồng, tạo việc làm cho 150 lao động. Ông Bùi Văn Thắng, thương binh 3/4 quê ở xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang là chủ trang trại hằng năm thu lợi hơn 500 triệu đồng… Tại hội nghị, chúng tôi được gặp lại phi công Đào Quốc Kháng, Đoàn B70 Không quân, là con liệt sĩ, đã dũng cảm cứu máy bay chiến đấu hiện đại gặp sự cố trên không trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện. Anh Kháng tâm sự: “Được dự hội nghị lần này, tôi cảm thấy chiến công của mình rất nhỏ bé so với lớp cha anh đi trước. Tôi còn phải cố gắng nhiều để đền đáp sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội”. “Đền ơn đáp nghĩa” - truyền thống đẹp của dân tộc Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu nhấn mạnh: “Hội nghị lần này là dịp chúng ta tuyên truyền, giáo dục cho lớp con cháu đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, luôn biết ơn những người đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cụ thể để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của những người có công với nước. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia với trách nhiệm, tình cảm sâu sắc. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú, đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công”. Đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Huấn phát biểu chúc mừng các đại biểu tham dự hội nghị. Đồng chí cho biết, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trong 2 năm 2008-2009, Bộ Quốc phòng phát động chương trình xây dựng 1.500 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội. Theo báo cáo, đến hết năm 2009 toàn quân làm được 2.688 căn nhà, đạt 180% kế hoạch, tổng kinh phí xây dựng gần 87 tỉ đồng. Các đơn vị quân đội hiện đang phụng dưỡng 1.402 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc đỡ đầu hơn 1.000 con liệt sĩ, con thương binh nặng. Gần 15 năm qua, toàn quân đã xác minh báo tử được gần 13 nghìn liệt sĩ, giám định, cấp giấy chứng nhận cho hơn 59 nghìn thương binh. Bộ Quốc phòng đã chủ trì đề xuất và tổ chức thực hiện chu đáo, chính xác chế độ trợ cấp một lần cho 50 vạn quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với số tiền hơn 1.200 tỉ đồng. Các đơn vị quân đội đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, cất bốc hơn 68.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó hơn 37.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong nước, hơn 18.500 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường hơn 13.000 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường Cam-pu-chia… Đồng chí Huỳnh Đảm cho rằng, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi với người có công. Các cấp, các ngành và mọi tầng lớp xã hội bằng hành động thiết thực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong dịp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trao bằng khen tặng 196 cá nhân là đối tượng chính sách, khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động, học tập và công tác. Báo Nhân dân tặng 6 phần quà, mỗi phần 5 triệu đồng cho các đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn và tặng tỉnh Bến Tre hai căn nhà tình nghĩa, mỗi căn 25 triệu đồng. Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh truyền thống đạo lý trọng nghĩa, trọng tình của dân tộc, Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc là cuộc gặp mặt, tri ân những người có công với nước, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người có công.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/83656/Default.aspx