Tri ân các anh hùng liệt sĩ

(VOH) - Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tạc dạ ghi công, biết ơn vô hạn công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ và đã có nhiều cố gắng dành sự quan tâm, chăm lo đời sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với đất nước. Trong tình cảm thiêng liêng ấy, những người đã hy sinh vì độc lập tự do luôn sống mãi trong lòng dân tộc.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước hy sinh, tiếp nối sự hy sinh của thế hệ cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để xây nên giang sơn gấm vóc hôm nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian klhổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta”. Tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp nối, mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc cụ thể đối với những người đã “làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ lớn, thường xuyên của các đoàn thể, các ngành, các cấp, và thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã trở thành truyền thống, là nghĩa cử của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự trường tồn của đất nước. Thắp nên tri ân các anh húng liệt sĩ nhân dịp 27/7. Ảnh minh họa Thật xúc động trong những ngày tháng 7 nầy, các cựu chiến binh thành phố lại được cùng rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên, thành niên TP về thắp hương, tưởng niệm và tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Đền Bến Dược - Củ Chi, nơi lưu danh gần 45 nghìn liệt sĩ đã chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Mỗi khi đến thăm nơi thiêng liêng này như một sự trở về thanh thản của tâm hồn để cảm nhận sâu sắc về sức sống mãnh liệt, trường tồn của dân tộc. Ông Dương Văn Đồng - một cựu chiến binh quận Bình Thạnh, sau khi thắp hương các anh hùng Liệt sĩ tại Đền Bến Dược đã xúc động nói: Là người may mắn trở về sau chiến tranh, được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chúng tôi luôn thương nhớ các anh, viếng thăm hương khói tri ân các anh - những người con yêu của Tổ quốc. Chúng tôi và những thế hệ tiếp theo sau sẽ nguyện làm tất cả những gì có thể để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ XHCN đúng như tinh thần của những người Cựu chiến binh Việt Nam. Đó cũng là hành động thiết thực để tri ân đời đời các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc". Tận mắt chứng kiến các đoàn CCB, các em thanh thiếu niên Quận 1, Đoàn Thanh niên BQL các KCN, KCX đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm tượng đài các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh vào Tết Mậu thân 1968, khi làm nhiệm vụ đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn (nay là Đài TNND TPHCM), chúng tôi đã kịp ghi nhận tình cảm của các bạn đoàn viên thanh niên dành cho các anh hùng liệt sĩ tại đây. Một đoàn viên thanh niên BQL KCN - KCX bày tỏ suy nghĩ: "Tôi ngày nào cũng đi ngang qua con đường Nguyễn Đình Chiểu, cũng thấy được tượng đài các anh hùng Liệt sĩ ở đây. Vào dịp thiêng liêng này chúng em đến đây thắp một nén nhang cho các anh hùng Liệt sĩ. Với vai trò là một đoàn viên thanh niên, chúng em luôn tự nhủ trong lòng sẽ cố gắng hơn trong công tác chuyên môn cũng như hoàn thành vững vàng trong công tác chính trị, đặc biệt là công tác đoàn để có thể góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước". Một bạn đọc khác chia sẻ: "Đất nước có được độc lập như ngày hôm nay đúng là có sự hy sinh lớn lao của các anh hùng Liệt sĩ, họ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ độc lập cho nên khi đi ngang qua đây, không chỉ riêng tôi mà tất cả các bạn đoàn viên thanh niên của thành phố mang tên Bác luôn luôn biết ơn, tưởng nhớ đến sự hy sinh của các anh". Đối với anh Nguyễn Đức Phú -Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Tổng công ty điện lực TP, Phó GĐ Điện lực Thủ Đức thì lần đầu tiên được ra thăm quần đảo Trường Sa là chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Ít ai biết rằng, Trường Sa trong suy nghĩ của anh trước khi đến là một nơi rất xa, đầy sóng gió và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Nhưng rồi những suy nghĩ ấy vụt tan biến khi anh đặt chân lên phần xương thịt đất nước nằm giữa bạt ngàn sóng vỗ. Với anh Phú, kỷ niệm khó quên đó là được cùng các thành viên trong đoàn đi thắp hương, thả hoa tri ân những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Anh Nguyễn Đức Phú bày tỏ: "Một trong những kỷ niệm ấn tượng không thể nào quên đối với em đó là việc tham gia Lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên vùng biển, quần đảo Trường Sa để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quê hương đất nước. Trước anh linh của các chiến sĩ, bản thân em rất khâm phục sự dũng cảm và lòng yêu nước của các anh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Bản thân em cũng tự nhủ mình sẵn sàng làm hết sức mình để đóng góp vào công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo quê hương". Công tác bồi dưỡng và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thời gian qua đã được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: kể chuyện truyền thống, lịch sử của dân tộc, của từng địa phương; truyền thống của quân đội, những tấm gương anh hùng liệt sĩ, gương chiến đấu dũng cảm, những trận đánh tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa các hội viên CCB với thế hệ trẻ… Thông qua đó, thế hệ trẻ đã có dịp ôn lại lịch sử, truyền thống dân tộc. Và mỗi năm, cứ vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, những nén hương lại được thắp lên để tri ân các anh hùng liệt sĩ, từ đó, hun đúc lý tưởng cách mạng cho những người trẻ và giúp họ thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 64 năm đã trôi qua kể từ ngày Thương binh, liệt sĩ đầu tiên, và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã, đang và sẽ phát triển sâu rộng hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa với những người đã dành một phần thân thể, dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của tổ quốc. Thắp một nén hương, mỗi người con của dân tộc Việt Nam đều có những cảm xúc và nghĩa cử của riêng mình để tưởng nhớ và tri ân những người đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=33938