Trẻ em bẻ gãy sừng trâu?

Tại Kỳ họp thứ 10 đang diễn ra, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Về vấn đề nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tới dưới 18 tuổi do cơ quan soạn thảo đưa ra, có nhiều ý kiến trái chiều, song tựu chung, đa số các ĐBQH đều không tán thành với quy định trên. Thậm chí có ý kiến còn hài hước rằng, câu thành ngữ của các cụ xưa “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” nay với việc nâng độ tuổi trẻ em, không lẽ trẻ em có thể bẻ gãy sừng trâu?

Đó chỉ là cách nói ví von, hài hước, song nó chứa đựng hàm ý cho rằng việc cơ quan soạn thảo đề xuất nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi là không tưởng và dễ dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực hơn là phát huy mặt tích cực. ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu: Hiện một thực trạng đang diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là khá nhiều người có độ tuổi từ 16 đến dưới 18 đã kết hôn và sinh con, mặc dù luật pháp không cho phép. Và đương nhiên theo quy định mới, khi người mẹ sinh con trong bệnh viện thì cả hai mẹ con đều là... trẻ em.

Ý kiến của nhiều ĐBQH cho rằng không đơn giản chỉ là đồng ý hay không đồng ý với đề xuất quy định mới của cơ quan soạn thảo, mà vấn đề nâng độ tuổi trẻ em trong Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) còn liên quan đến rất nhiều luật khác.

Đơn cử, theo quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân nam đủ 17 tuổi trở lên và công dân nữ (quy định tại Khoản 2 Điều 7) đủ 18 tuổi trở lên phải đăng ký nghĩa vụ quân sự. Với việc ký công ước quốc tế về quyền trẻ em, đồng thời Đảng và Nhà nước luôn coi trẻ em như búp trên cành, phải được chăm lo về mọi mặt, thì việc quy định nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 vô hình chung đã bắt trẻ em đi đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Hay như trong Bộ luật Hình sự hiện nay quy định: Trẻ em dưới 14 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trẻ em từ đủ 14 đến chưa đủ 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vậy thì việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ khiến nhiều người ở độ tuổi chưa thành niên (theo quy định hiện hành) khi làm bừa, làm ẩu sẽ được “miễn tội”. Như vậy thì có khác gì “nối giáo cho giặc”?

Theo ĐB Phương, hiện tội phạm xảy ra ở tuổi chưa thành niên đang gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ bạo lực học đường, vi phạm pháp luật xảy ra ngay tại trường học, đối tượng phạm tội là những học sinh THCS và THPT. Một số em giết người dã man với thái độ rất lạnh lùng, dửng dưng. Vậy thì nếu đưa tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi e rằng mức độ phạm tội ở độ tuổi “trẻ em” (15 đến dưới 18 tuổi) sẽ gia tăng, không tốt cho vấn đề quản lý xã hội.

Không chỉ có các ĐBQH không đồng tình với quan điểm nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18, mà dư luận xã hội cũng cho rằng quy định trên là không phù hợp việc xây dựng luật phải căn cứ trên cả lý luận khoa học và thực tiễn.

Hải Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/tre-em-be-gay-sung-trau/76791