Trẻ con thích phim quảng cáo như phim hoạt hình

(TT&VH) - “Phim quảng cáo trên truyền hình ngày nay ngày càng nâng lên về chất lượng. Một bộ phim quảng cáo rất ngắn ngủi so với phim truyện nhưng cũng đầy đủ nội dung cần chuyển tải, hình ảnh luôn sinh động, thay đổi tình tiết nhanh, hấp dẫn. Trẻ con bây giờ thích phim quảng cáo như phim hoạt hình" - Đạo diễn Lương Đình Dũng, Giám đốc sáng tạo của Tứ Vân Media chia sẻ cùng TT&VH.

* Nhắc đến anh là người ta nhớ đến những bộ phim quảng cáo: Bánh mì Staff&Lucky (Bánh kẹo Hữu Nghị), Mì Cung Đình (Micoem), Trà Bí đao Thạch Bích, Mì MumMum… Có nhiều nấc thang kinh phí làm phim quảng cáo, thậm chí độ xê dịch cao từ 100 triệu đồng đến hàng tỉ, liệu có phải phim quảng cáo như lời đồn là “con gà đẻ trứng vàng”? - Phim quảng cáo là “tiền nào của ấy”, chất lượng luôn đồng hành với kinh phí đầu tư. Ở hạng mục nhỏ là máy quay chẳng hạn, có loại máy quay giá chỉ có 3 triệu rưỡi một ngày, có loại gần 30 triệu. Hình ảnh của phim quảng cáo tối quan trọng, nó thể hiện đẳng cấp thương hiệu. Phim quảng cáo hay, chi phí phát sóng giả dụ hết 80 triệu, thì phim quảng cáo dở phát sóng hết 100 triệu hiệu quả chưa chắc đã bằng. Như vậy nếu tính trên hiệu quả, đầu tư kinh phí vào ý tưởng sáng tạo và sản xuất phim sẽ là tối ưu nhất. * Với tư cách một đạo diễn, theo anh, phim quảng cáo nội điểm yếu nhất hiện nay là gì? - Khi những bộ phim quảng cáo nội đầu tiên được phát sóng, chúng ta nói nhiều về kỹ thuật, sự thiếu thốn, lạc hậu về trang thiết bị… Nhưng đây không còn là vấn đề hiện tại, khi kỹ thuật được cào bằng ở mọi nơi trên thế giới. Nếu có điểm yếu thì với phim quảng cáo nội là ý tưởng. Chúng ta sẵn sàng bỏ tiền ra thuê máy móc thiết bị tân tiến nhất, đạo diễn, quay phim, làm hậu kỳ kỹ lưỡng ở nước ngoài, nhưng lại khó chấp nhận bỏ tiền cao để mua một ý tưởng quảng cáo tốt. Một doanh nghiệp có tầm thì họ sẽ sàng đầu tư cho ý tưởng. Thiếu đầu tư sẽ triệt tiêu sức sáng tạo, nhiều nhà làm phim lười biếng copy ý tưởng của nhau, rập khuôn theo những sản phẩm có sẵn khiến không chỉ khán giả ngao ngán. Phim quảng cáo thuốc chẳng hạn, thuốc chữa đau đầu thì ôm đầu, đau bụng thì ôm bụng, đau răng ôm mặt, rồi cầm tuýp thuốc hay vỉ hay hộp thao thao bất tuyệt về công dụng, và cuối cùng là nụ cười mãn nguyện thể hiện bệnh đã khỏi. Phim quảng cáo thuốc nào hầu như cũng vậy khiến khán giả chưa xem đã chán. Không những thế hình ảnh phim ít được đầu tư nên rất “lem nhem”. Phim quảng cáo như vậy không thể lấy được niềm tin của người tiêu dùng lâu dài. * Đây có phải là lý do khiến anh đưa ra ý tưởng cuộc thi “Sáng tạo ý tưởng cho phim quảng cáo” ở Việt Nam? Với hai Quả chuông vàng năm 2007 cho phim quảng cáo IZZI, Kỹ xảo xuất sắc nhất với phim quảng cáo Bia Đại Việt năm 2008, đạo diễn Lương Đình Dũng còn đoạt giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Tokyo 2007 cho phim “Chuyện ông Mờ” và nhiều bằng khen từ Hội điện ảnh Việt Nam, là tác giả kịch bản nhiều phim truyền hình, viết truyện ngắn. - Quảng cáo không chỉ để bán hàng mà còn là chinh phục. Ý tưởng quảng cáo mang nghĩa vụ truyền tải thông điệp tiếp thị của doanh nghiệp nhưng phải sáng tạo để có thể lôi cuốn khán giả. Quảng cáo càng trực tiếp kiểu ra rả khen sản phẩm X, sản phẩm Y là tuyệt nhất, xin nhất… thì càng khó thuyết phục khán giả thậm chí phản tác dụng. Phim quảng cáo có yếu tố nghệ thuật, yếu tố giải trí, sẽ dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn. * Xem phim của anh nhiều người tiếc giá anh có nhiều hơn đầu tư cho điện ảnh! - Tôi vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cho việc thực hiện phim truyện Cha Cõng Con. Nhưng phim truyện cần nhiều thời gian cho kịch bản và các khâu liên quan. Đến khi tôi thực hiện, nếu thấy có khả năng thành công thì tôi mới làm.

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20090702104839314t0/tre-con-thich-phim-quang-cao-nhu-phim-hoat-hinh.htm