Trẻ bị viêm dạ dày dễ dẫn đến ung thư

PN - Các bậc phụ huynh thường ít nghĩ đến việc trẻ bị viêm dạ dày vì cho rằng căn bệnh này chỉ xảy ra ở người lớn. Thật ra, đây là căn bệnh đáng lưu tâm vì trong số những nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em, có vi khuẩn Helicobacter Pylori - một trong những tác nhân gây ung thư dạ dày ở người trưởng thành.

Dễ bị bỏ sót Chị H.A.T. (35 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) vô cùng sửng sốt khi được bác sĩ (BS) cho biết, con gái bốn tuổi của chị bị viêm dạ dày cấp độ nặng. Thậm chí, chị còn nghi BS nhầm lẫn, vì con chị chưa đi nhà trẻ nên được mẹ chăm cẩn thận, ăn uống rất khoa học. Chị cho biết, trước đó bé thường than đau bụng, nhưng vợ chồng chị cứ ngỡ bé giả vờ vì không muốn ăn cơm. Chị còn mua thuốc xổ giun sán cho con uống vì nghĩ “chắc giun hành con bé”. Nhưng uống thuốc cả tháng, bé vẫn than đau bụng, da ngày càng xanh xao, nên chị phải cầu cứu BS. Một trường hợp khác là bé N.P.K. (bốn tuổi) đến khám tại Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng II vì ăn uống rất kém và thường bị ói, có cảm giác sợ ăn. Thấy bé nhẹ cân so với tuổi nên bố mẹ sốt ruột, đưa đến thăm khám ở nhiều trung tâm chuyên về dinh dưỡng nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Một hôm, bé ói ra thức ăn có lẫn máu nên được đưa đến bệnh viện và sau khi nội soi đã phát hiện dạ dày bé bị viêm nặng. Ngoài ra, bé còn bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Được điều trị đúng bệnh, nay bé đã ăn khá hơn và tăng cân. Bệnh nhân thổi bong bóng (một xét nghiệm không xâm lấn) để kiểm tra vi trùng HP - Ảnh chụp tại BV ĐH Y Dược TP.HCM (An Hương) Theo TS-BS Nguyễn Anh Tuấn (Bộ môn Nhi - ĐH Y Dược TP.HCM), thư ký Chi hội Tiêu hóa nhi Việt Nam, tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị viêm dạ dày chưa được thống kê rõ, nhưng trong một nghiên cứu ở Canada đã cho thấy, cứ mỗi 2.500 bệnh nhi nhập viện có một bé bị viêm dạ dày. Triệu chứng của viêm dạ dày rất đa dạng, đôi khi dẫn đến các chẩn đoán khác nhau. BS Tuấn khuyến cáo: “Biểu hiện của viêm dạ dày thường là đau bụng tái đi tái lại, có khi rõ ràng đau ở thượng vị (vùng trên rốn, ngay dưới xương ức), nhưng nhiều trường hợp lại đau quanh rốn. Trẻ hay bị buồn nôn, nôn, chán ăn, gầy sút, hay ợ chua và có hơi thở hôi. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu, xanh xao. Đôi khi trẻ nhập viện vì những biến chứng như nôn ra máu hay đi tiêu phân đen như bã cà phê”. Có thể dẫn đến ung thư dạ dày Nguyên nhân gây viêm dạ dày rất đa dạng, có thể là tổn thương tại chỗ do dùng các thuốc kháng viêm, do chấn thương niêm mạc dạ dày, do stress, hoặc do các bệnh cảnh toàn thân như bệnh lý thận, bệnh lý mạch máu… Ngoài ra, theo BS Tuấn: “Gần đây, với việc tìm ra vi khuẩn HP, người ta nhận thấy mối liên quan rõ rệt giữa vi khuẩn này và các bệnh lý tại dạ dày như viêm, loét, thậm chí là ung thư. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ trẻ bị nhiễm HP ở những nước phát triển là 18% - 45%, ở các nước đang phát triển lên đến 40% - 80%. Nguy hiểm là ở những nước đang phát triển, các bé bị nhiễm từ rất sớm (có thể từ trước ba tháng tuổi và đạt tỷ lệ nhiễm cao nhất vào khoảng hai - sáu tuổi). Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ từ sáu tháng đến 15 tuổi bị nhiễm HP không triệu chứng là 34%, riêng trong các trại nuôi dưỡng tỷ lệ này lên đến 71,4%”. BS Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Nhi Đồng II) cho biết, kết quả nghiên cứu kéo dài sáu tháng trên 135 bệnh nhi tại BV Nhi Đồng I và BV Nhi Đồng II do bà cùng các cộng sự thực hiện, cho thấy tình trạng đau bụng tái diễn là triệu chứng thường gặp trong nhi khoa, chiếm 10% - 15% trẻ từ 5 - 15 tuổi. Riêng viêm đường tiêu hóa trên chiếm 85 trường hợp (63%) bao gồm: 26,7% viêm dạ dày; 16,3% viêm tá tràng; 14,8% viêm dạ dày tá tràng; 5,2% viêm dạ dày tá tràng thực quản. Trong đó, khoảng 33% nhiễm HP, đặc biệt là với những trẻ bị viêm dạ dày. Cơn đau thường kéo dài trên 15 phút và đánh thức trẻ vào buổi tối. Nhiễm HP có ảnh hưởng rất rõ đến tổn thương viêm dạ dày tá tràng. Trẻ nhiễm HP dễ bị viêm dạ dày tá tràng gấp 106 lần so với trẻ không nhiễm. GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cảnh báo, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế đã xếp HP là tác nhân gây ung thư loại một, mạnh chẳng khác những hóa chất gây ung thư trong khói thuốc lá. HP sống trong dạ dày và tá tràng, nhiễm suốt đời, gây viêm loét và có thể thành ung thư. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày chỉ đứng sau ung thư gan và ung thư phổi ở cả hai giới. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có thêm 13.000 ca mắc mới và 10.000 trường hợp tử vong vì ung thư dạ dày. HP thông thường lây từ mẹ sang con từ khi còn nhỏ, kèm với khói thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu rau xanh, thức ăn mặn… là các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư dạ dày. Chữa trị: cần sự hợp tác và kiên nhẫn Các BS khuyên, khi trẻ có những triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, cha mẹ cần đưa trẻ đến các BS nhi khoa để được thăm khám và tư vấn chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp. BS Tuấn nhắc nhở, trong những trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác hoặc nội soi, các BS sẽ tư vấn và chỉ định, cha mẹ không nên tự cho trẻ xét nghiệm bừa bãi, nhất là các xét nghiệm về vi trùng HP. Nếu HP không gây triệu chứng gì, chúng ta có thể “sống hòa bình” với nó, thậm chí một số trường hợp chúng có thể thoái nhiễm (tự mất đi) một cách tự nhiên. Viêm dạ dày trẻ em là một bệnh mạn tính, có khả năng phải làm xét nghiệm hoặc nội soi nhiều lần, các bậc phụ huynh có con em bị viêm dạ dày cần kiên nhẫn và hợp tác tốt với BS mới đạt hiệu quả điều trị tốt nhất cho bé. Nếu phải điều trị tiệt trừ HP, trẻ phải uống nhiều thuốc hơn trong thời gian vài tuần. Phụ huynh phải giúp trẻ tuân thủ thật tốt giờ giấc uống thuốc, không bỏ sót cữ thuốc nào, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả. Nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, hạn chế dùng chung chén đũa, tránh những nơi đông đúc, chật chội. Theo BS Ngọc Tuyết, bé cần ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, tránh các thức uống kích thích dạ dày như trà, cà phê, thức uống có cồn. Nếu trẻ đi khám vì bệnh khác (viêm hô hấp trên, dị ứng…), nên báo cho BS biết về bệnh viêm dạ dày của bé cùng các thuốc đang uống để tránh sử dụng các thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng viêm dạ dày. An Quý

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/tre-bi-viem-da-day-de-dan-den-ung-thu.aspx