Trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ và thân nhân cán bộ đi B

Sáng 25.4, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho hơn 100 cán bộ và thân nhân của cán bộ đi B- đại diện cho hơn 1.162 hồ sơ cán bộ đi B có quê quán Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến trao hồ sơ, kỷ vật cho đại diện các cán bộ đi B. Ảnh: Xuân Mai

Theo đó, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B (cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó được phân công trở lại miền Nam từ cuối năm 1959), sáng 25.4, UBND TP. Đà Nẵng, Sở Nội vụ TP, Trung tâm Lưu giữ quốc gia III tại Hà Nội đã trao tượng trưng cho hơn 100 cán bộ, người thân của cán bộ đi B.

Phát biểu tại buổi trao trả, ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng - nói: “Trước khi "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", các cán bộ đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ tất cả tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật thân yêu của mình. Những hồ sơ, kỷ vật đó được đặt tên là "Hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B". Sau nhiều năm tháng đi qua, nhiều cán bộ đi B đã hy sinh hoặc đã từ trần thì những bộ hồ sơ, những kỷ vật này càng có ý nghĩa và giá trị. Đó là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người không tiếc máu xương để hy sinh vì nghĩa lớn.

Nhiều gia đình luôn chờ đợi từng ngày, từng giờ mong được nhận lại hồ sơ thân nhân của mình. Với họ, đây là cả một phần cuộc đời thân nhân họ và là những kỷ vật vô giá. Với ý nghĩa đó, buổi lễ trao trả hôm nay như một lời tri ân, ghi công đối với các cán bộ và thân nhân cán bộ đi B”- ông Ngữ xúc động nói.

Bà Nguyễn Thị Lãnh- cán bộ đi B giai đoạn 1967-1970 - xúc động khi nhận lại những hồ sơ, kỷ vật một thời của mình. Ảnh: Xuân Mai

Xúc động khi nhận lại được hồ sơ, kỷ vật một thời, bà Nguyễn Thị Lãnh (trú đường Phan Thanh, Đà Nẵng)- bí danh Lụa, là cán bộ đi B giai đoạn 1967-1970 - nói: “Tôi vui lắm, mừng lắm và xúc động lắm. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ nhận được những kỷ vật, hồ sơ này. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn thành phố”.

Còn anh Phạm Văn Mạnh (trú Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng) thì bồi hồi nói : “Cha tôi là Phạm Văn Cương- đi B từ năm 1964, nay cụ đã mất. Nhận được hồ sơ kỷ vật này, tôi rất cảm động và vinh dự; vì từ nay tôi và con cháu đã biết được cha ông mình hoạt động và chiến đấu như thế nào trong thời khắc lịch sử của đất nước. Từ mấy hôm trước, khi nhận được thông báo của Sở Nội vụ, tôi rất hồi hộp, chỉ mong được đến với thời khắc này”.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến xúc động phát biểu: “Thưa các bác, các cô, các chú. Bản thân tôi cũng là người con của cán bộ đi B, tôi cũng ở vào tâm trạng như các bác, các cô, các chú. Không có thông tin của người thân trong quá trình tập kết ra Bắc, quá trình đi B, không biết rõ quá trình phấn đấu, cống hiến và hy sinh của cha ông như thế nào. Nhiều khi không còn lưu giữ được tấm hình nào của cha ông để lại để có được tấm ảnh thờ. Không ngờ rằng hồ sơ, kỷ vật của cha ông mình vẫn còn được lưu giữ cho đến hôm nay. Do vậy, những hồ sơ, kỷ vật này có ý nghĩa thật sâu sắc”.

Được biết, hiện UBND TP. Đà Nẵng đã xác định được 1.162 hồ sơ cán bộ đi B có quê quán thuộc TP.Đà Nẵng. Đến ngày 21.12.2012, thành phố đã nhận được 321 hồ sơ từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và sau đó tiếp nhận 688 hồ sơ từ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam. Sau khi đối chiếu danh sách, số hồ sơ trùng lặp, đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận được 996 hồ sơ, kỷ vật và đang tiếp tục đề nghị Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp tục sao y chuyển về Đà Nẵng 166 hồ sơ còn lại.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/trao-tra-ho-so-ky-vat-cho-can-bo-va-than-nhan-can-bo-di-b/112891.bld