Tranh kiếng Nam Bộ độc đáo trong ký ức

Được coi là một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí nội thất của người Nam Bộ, tranh kiếng (kính) của người dân phương Nam mang đậm những nét văn hóa, nghệ thuật riêng so với các vùng miền khác của Việt Nam.

Theo nhiều tư liệu lịch sử thì tranh kiếng có mặt ở cung đình Huế từ thời Nguyễn (Minh Mạng – Thiệu Trị), đó là các sản phẩm mĩ nghệ kí kiểu đặt hàng, nhập khẩu. Phải đến đầu thế kỷ 20, các di dân Quảng Đông, Trung Quốc đến lập nghiệp ở vùng Chợ Lớn Sài Gòn bắt đầu mở các tiệm kiếng, buôn bán các loại kiếng tráng thủy để soi mặt, lộng khuôn hình, tủ, khung cửa chớp, cửa gió… từ đó ra đời dòng tranh kiếng Nam Bộ đầu tiên, tranh kiếng Chợ Lớn.

Bức Quan thánh đế (Quan Công) – của dòng tranh kiếng Chợ Lớn

Dòng tranh kiếng Khơ me

Tranh Bát Tiên của dòng tranh kiếng Lái Thiêu.

Vào khoảng những năm 1920, nghề vẽ tranh kiếng chuyển về địa bàn Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) và có bước phát triển vượt bậc cùng với các nghề thủ công mĩ nghệ khác. Sau đó, khoảng 1940-1950, nghề làm tranh kiếng lan tỏa khắp lục tỉnh Nam Kỳ, và thâm nhập vào cộng đồng người Khơ me tạo nên dòng tranh kiếng Khơ me – Nam Bộ ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Ở Nam Bộ những năm đầu thế kỷ 20 có ba trung tâm sản xuất tranh kiếng nhiều nhất và rất nổi tiếng, có phong cách với những đặc điểm riêng biệt là: Lái Thiêu (Thủ Dầu Một – Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang).

Điểm độc đáo của tranh kiếng Nam bộ so với nhiều dòng tranh dân gian khác là vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó mới lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Điều này đã tạo nên nét độc đáo hiếm có của dòng tranh kiếng. Một bức tranh kiếng hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những tấm kính đủ kích cỡ theo từng bức tranh được những người thợ chuẩn bị, sau đó phác thảo những đường nét của tranh bằng sơn đen, rồi sẽ đem phơi. Khi sơn khô lại tiếp tục tô màu theo thứ tự tùy theo từng bức tranh vẽ, tuy vậy vẫn phải theo quy luật ngược hoàn toàn so với tranh vẽ thông thường. Để có được những bức tranh kiếng có đường nét, màu sắc đẹp, hài hòa đòi hỏi người thợ cũng cần phải có sự tỉ mỉ, yêu nghề, luôn học hỏi.

Những bức tranh kiếng theo phong cách Tây phương nhằm phục vụ nhu cầu treo trang trí trong các gia đình.

Những dòng tranh kiếng, trong hơn một thể kỉ, đã sản xuất ra một khối lượng sản phẩm với nhiều chủng loại đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, tranh Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất…. Ở đó có loại vẽ bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Tranh kiếng đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, mĩ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông Nam Bộ đến miền Tây Nam Bộ và trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân gian không thể thiếu được trong các gia đình. Những năm 70-80 của thế kỷ trước, hầu như gia đình nào tại Nam Bộ cũng đều có một hay vài bức tranh kiếng để treo trang trí, treo thờ.

Hiện tại, tranh kiếng Nam Bộ được sử dụng cho mục đích chính là tranh thờ

Tuy nhiên, ngày nay những dòng tranh kiếng công nghiệp, tranh kiếng lụa đã ra đời thay thế cho nhiều dòng tranh kiếng thủ công và có thời gian sản xuất nhanh gấp nhiều lần với giá thành sản phẩm cũng giảm đi ít nhiều để phù hợp với nhu cầu của người treo tranh. Kiểu dáng, kích cỡ những dòng tranh kiếng cũng được thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy hiện đại, nghề làm tranh kiếng cũng đang dần mai một theo thời gian. Ngày nay, những bức tranh kiếng cũng không còn được ưa chuộng như trước và chủ yếu được một số gia đình mua về làm tranh thờ. Trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ, những bức tranh kiếng vẫn là một phần không thể quên trong ký ức.

Xem thêm:

Vĩ Thanh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/tranh-kieng-nam-bo-doc-dao-trong-ky-uc