Tranh chấp tại Cty khoáng sản Bình Thuận: Có hay không việc Cty Hợp Long bán mỏ và trốn thuế?

(PL&XH) - Điểm thể hiện rõ hơn trong việc mua bán mỏ chứ không phải vay tiền như trong hợp đồng vay tiền và thế chấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần tại văn bản ngày 29-6-2010 của Cty Hợp Long gửi cho bà Lý về việc chậm thanh toán theo hợp đồng vay tiền.

Sau khi báo PL&XH liên tiếp có bài phản ánh về việc “Tranh chấp tại Cty khoáng sản Bình Thuận”, mới đây chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ dư luận cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc hợp đồng thế chấp cổ phần và mượn tiền giữa ông Nguyễn Thành Long và bà Hoàng Thị Lý. Đặc biệt, ngày 14-1-2013, bà Lý đã chính thức có đơn giải trình gửi UBND tỉnh Bình Thuận, CA tỉnh và các Sở, ngành về những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng nói trên và khẳng định Cty Hợp Long đã bán mỏ cho bà Lý, đồng thời trốn tiền thuế thu được từ việc bán mỏ.

Bãi khai thác titan của Cty khoáng sản Bình Thuận. Ảnh: TL

Nhập nhèm trong việc chuyển hóa vốn góp

Theo đơn trình bày, năm 2007 bà Lý với tư cách là Chủ tịch HĐQT Cty Liên doanh khoáng sản Quốc tế Hải Tinh (Cty Hải Tinh), trụ sở chính tại xã Tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, được ông Nguyễn Thành Long Chủ tịch HĐQT Cty Hợp Long mời tham gia góp vốn thành lập một Cty cổ phần tại tỉnh Bình Thuận để hợp tác góp vốn đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản titan tại khu vực xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Cùng tham gia hợp tác vốn có ông Nguyễn Ngọc Long.

Ngày 26-5-2007, ba bên lập hợp đồng nguyên tắc với nội dung Cty Hải Tinh (bên A) do bà Hoàng Thị Lý là đại diện phần vốn góp chiếm 35% (góp vốn bằng tiền mặt); Cty Hợp Long (bên B) do ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT, là đại diện phần vốn góp 60% (góp bằng giá trị quyền khai thác mỏ); ông Nguyễn Ngọc Long (bên C) đại diện phần vốn góp cá nhân là 5%. Cơ sở pháp lý để các bên tham gia góp vốn đầu tư ban đầu được căn cứ vào giấy phép thăm dò khoáng sản số 388/GP-BTNMT ngày 12-4-2006 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Cty Hợp Long.

Tổng số tiền các bên góp vốn đầu tư xác định là: Giá trị mỏ titan tại suối Nhum, tỉnh Bình Thuận là 10 triệu USD. Trong đó, Cty Hợp Long góp vốn 60% cổ phần có giá trị tương đương số tiền 6 triệu USD (bằng giá trị mỏ titan khi được cấp phép khai thác); Cty Hải Tinh góp 35% bằng tiền mặt số tiền 3,5 triệu USD và ông Nguyễn Ngọc Long góp vốn 5% bằng tiền mặt số tiền 500 .000USD.

Tuy nhiên, sau khi xác định giá trị mỏ suối Nhum, các bên cơ cấu lại vốn để thành lập một pháp nhân mới do ba bên là thành viên sáng lập đồng quản lý để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty mới sau này, khi Cty Hợp Long được cấp phép khai thác mỏ. Theo đó, Cty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (Cty khoáng sản Bình Thuận) có vốn điều lệ được cơ cấu lại khi các bên ký hợp đồng là: 3.333.333 USD. Trong đó, Cty Hải Tinh góp 35% bằng tiền mặt là 1.166.666 USD; Cty Hợp Long góp 60% giá trị quyền khai thác mỏ được xác định là 2.000.000 USD và ông Nguyễn Ngọc Long góp 5% bằng tiền mặt là 166.667 USD.

Theo bà Lý, số tiền góp vốn ban đầu khi xác định giá trị mỏ và chênh lệch khi thành lập pháp nhân mới là 2.666.667 USD (trong đó Cty Hải Tinh góp là 2.333.334 USD và ông Nguyễn Ngọc Long góp là 333.333 USD) và đồng thời đây cũng là số tiền mà Cty Hợp Long đã thu về và coi là khoản lợi nhuận thuần túy trong việc góp vốn và tái cơ cấu vốn theo quy định của hợp đồng nguyên tắc ngày 26-5-2007. Bà Lý cho rằng: “Giai đoạn đầu khi ký hợp đồng nguyên tắc thì Cty Hợp Long đã thu lợi được 2.666.667 USD do bán lại 40% giá trị cho Cty Hải Tinh và ông Nguyễn Ngọc Long”.

Bán mỏ và trốn thuế?

Như vậy số tiền chuyển hóa từ quyền khai thác mỏ suối Nhum của Cty Hợp Long sang vốn góp của hai cổ đông sáng lập đã thành công. Đồng thời cách làm này, Cty Hợp Long đã hoàn tất việc bán 40% quyền khai thác titan tại khu vực suối Nhum nhưng không phải nộp bất kỳ đồng thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp nào?

Thực tế, đến ngày 14-12-2007 Cty Hợp Long được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 2077/GP-BTNMT, ba bên góp vốn tiến hành thành lập một pháp nhân mới tại tỉnh Bình Thuận đó là Cty khoáng sản Bình Thuận. Sau đó căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc ngày 26-5-2007 các bên tiếp tục bàn bạc, thống nhất Cty Hợp Long chuyển quyền khai thác mỏ suối Nhum sang cho Cty khoáng sản Bình Thuận và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản số 183/GP-BTNMT từ Cty Hợp Long.

Diễn biến của hợp đồng vay tiền và thế chấp giấy chứng nhận sở hữu của cổ phần cổ đông được công chứng ngày 16-6-2009. Theo nội dung hợp đồng là bà Lý cho ông Long vay 60 tỷ đồng tương đương giá trị quy đổi ngoại tệ thời điểm là 3,3 triệu USD, lãi vay bằng không, thời hạn vay là 3 năm và giá trị tài sản thế chấp đảm bảo nợ vay là một tờ giấy có mệnh giá danh nghĩa là 32 tỷ đồng bằng giá trị quyền khi thác mỏ của Cty Hợp Long…

Tuy nhiên, theo bà Lý thì đây là một hợp đồng mua bán mỏ của Cty Hợp Long mà người đại diện ủy quyền là ông Nguyễn Thành Long. Bà Lý và ông Long nhiều lần bàn bạc thỏa thuận về giá cả của việc mua và bán mỏ này, sau nhiều lần thương thuyết cuối cùng ông Long đồng ý bán với số tiền là 3,3 triệu USD. Trong trường hợp, vào thời điểm đó nếu hai bên làm thủ tục chuyển nhượng hay mua bán mỏ thì Cty Hợp Long phải nộp 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài ra chưa chắc chính quyền tỉnh Bình Thuận đồng ý cho ông Long chuyển nhượng 60% cổ phần cho cá nhân bà Lý…. Vì vậy các bên đã bàn bạc hợp thức hóa việc mua bán bằng hợp đồng vay tiền ngày 16-6-2009 để ông Long có tiền nhưng không nộp thuế thu nhập và bà Lý có quyền điều hành toàn bộ Cty khoáng sản Bình Thuận theo nguyên tắc lời ăn và lỗ chịu. Sau khi hoàn thành các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước và sau 3 năm hai bên sẽ hoàn tất thủ tục sang nhượng.

Điểm thể hiện rõ hơn trong việc mua bán mỏ chứ không phải vay tiền như trong hợp đồng vay tiền và thế chấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần tại văn bản ngày 29-6-2010 của Cty Hợp Long gửi cho bà Lý về việc chậm thanh toán theo hợp đồng vay tiền nêu trên. Cụ thể, theo hợp đồng đến ngày 16-6-2010 bà Lý phải chuyển trả cho Cty Hợp Long với số tiền 1 triệu USD, nhưng đến ngày 26-6-2010 bà Lý chỉ thanh toán được 500.000 USD và số tiền còn thiếu chưa thanh toán là 500.000 USD. Bà Lý xin khất nợ lại 3 tháng sau sẽ thanh toán hết nhưng phía Cty Hợp Long chỉ cho thời hạn 1 tháng, đến ngày 16-7-2010 phải thanh toán đủ số tiền trên và bà Lý có trách nhiệm thanh toán tiền lãi cho Cty Hợp Long được quy đổi từ USD sang VNĐ theo hợp đồng thế chấp. Vấn đề đặt ra là: Nếu chỉ đơn thuần là một hợp đồng thế chấp vay mượn với lãi suất 0% thì liệu “con nợ” là Cty Hợp Long có quyền bắt chủ nợ phải có trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm chuyển tiền cho vay?

Dư luận đang chờ đợi cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận sẽ “làm gì” khi tài nguyên quốc gia bị đem bán tùm lum thế này.

Minh Quang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013011609493093p0c1002/tranh-chap-tai-cty-khoang-san-binh-thuan-co-hay-khong-viec-cty-hop-long-ban-mo-va-tron-thue.htm