Trách nhiệm nêu gương

Một tấm gương sáng bao giờ cũng giúp chúng ta nhìn rõ hơn hình ảnh của mình. Đó là lẽ tự nhiên. Trong cuộc sống, trước một người mẫu mực về đạo đức lối sống, về trình độ, năng lực và phong cách làm việc, ai cũng muốn lấy đó làm gương để soi lại mình mà không cần đến bất kỳ một biện pháp hành chính bắt buộc nào. Đó là nếp sống văn minh, là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành.

Cán bộ, đảng viên cần luôn luôn nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, nêu gương trong mọi lúc, mọi nơi. Điều ấy không phải nay mới nói. Nhìn lại 26 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ còn không ít hạn chế, yếu kém. Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XI về xây dựng Đảng chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội,

thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Trong khi đời sống của nhân dân còn biết bao khó khăn, thì có "ông quan" ôm tiền tỷ đi đánh bạc; trong khi người dân vẫn lam lũ kiếm sống, lại có những cán bộ vô tư ăn chơi phè phỡn bằng "tiền chùa", v.v. Đáng lẽ ra phải là những tấm gương để quần chúng noi theo, thì bộ phận cán bộ này đã thoái hóa, biến chất, làm giảm uy tín của Đảng.

Những hạn chế, khuyết điểm ấy đã được chỉ ra từ nhiều năm nhưng chậm khắc phục, có mặt yếu kém, phức tạp thêm. Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nêu trên, nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu đã được Nghị quyết T.Ư 4 đề ra là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên. Theo lộ trình các bước thực hiện nghị quyết, đến nay các tổ chức đảng, cấp ủy các cấp đã hoàn thành việc phổ biến, quán triệt, học tập nghị quyết và bắt đầu bước vào kiểm điểm, tự phê bình và phê bình (cấp T.Ư hoàn thành trong tháng 7 và cấp cơ sở hoàn thành trong tháng 11- 2012).

Để thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Quy định số 101, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định nêu rõ, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nội dung nêu gương gồm bảy điểm: về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ. Rõ ràng, trách nhiệm nêu gương đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên lúc này là rất lớn, đó vừa là yêu cầu, ý thức tổ chức, kỷ luật đảng, vừa là ý thức tự thân đối với mỗi người. Bởi, chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là biết bao khó khăn, thách thức đan xen. Nhiều vấn đề nảy sinh hết sức phức tạp, không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ, còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đó, trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ cần một phút dao động trước khó khăn, hoặc lơi lỏng, thiếu ý thức rèn luyện là khó hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí sa ngã trước những cám dỗ tầm thường.

Ngay từ khi ban hành, Nghị quyết T. Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng đã nhận được sự hưởng ứng, kỳ vọng, quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Do vậy, trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này, nhất là ở bước tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần nêu cao trách nhiệm nêu gương của mình. Đây là khâu mấu chốt và khó nhất, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mổ xẻ những ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân. Lẽ thường, không mấy ai tự nhận mình là yếu kém, có khuyết điểm này, mắc sai phạm kia; càng ít cán bộ đứng đầu công khai thừa nhận yếu kém của cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu có dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật yếu kém của tổ chức đảng do mình làm bí thư; có dũng cảm nhận khuyết điểm của mình thì cán bộ cấp dưới mới mạnh dạn góp ý phê bình, mới chỉ ra được những yếu kém, nguyên nhân của nó và từ đó cùng tìm cách khắc phục. Thiết nghĩ hơn lúc nào hết, cần thực hiện nghiêm Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương "Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu". Còn như, người đứng đầu hay cán bộ chủ chốt nói chung chỉ muốn báo cáo thành tích, sợ nói ra yếu kém, khuyết điểm của mình làm mất uy tín, hoặc chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác và khuyết điểm, yếu kém của người khác nhiều hơn mình thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này cũng chỉ làm cho qua chuyện, hình thức và chiếu lệ. Thực tế việc chuẩn bị tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở một số nơi đã biểu hiện cách làm hình thức. Cụ thể là, việc tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương lấy ý kiến trước khi tự phê bình và phê bình tập thể ban thường vụ và các đồng chí ủy viên ban thường vụ có nơi làm qua loa. Việc xây dựng văn bản góp ý kiến cho cấp trên, một số nơi nặng về kể lể thành tích; yếu kém, khuyết điểm chỉ nêu chung chung của tập thể mà ít đề cập đến yếu kém, khuyết điểm cụ thể của cá nhân, sợ đụng chạm mất lòng nhau, khó quan hệ công tác. Có những cán bộ về hưu cũng ngại góp ý cho cá nhân cán bộ đương chức vì văn bản góp ý đề rõ họ tên, địa chỉ người góp ý kiến. Tư tưởng dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã trở thành thâm căn cố đế, khi được thực hiện quyền làm chủ nhưng cũng không làm hết bổn phận của mình. Nếu cán bộ chủ chốt không làm tốt trách nhiệm nêu gương trong tự phê bình và phê bình sẽ khó khắc phục được căn bệnh nan y này.

Cán bộ có chức vụ càng cao, càng cần thấy rõ trách nhiệm nêu gương trong lúc này. Nêu gương trong chỉ đạo, trong tổ chức kiểm điểm cấp ủy đảng mà mình là người đứng đầu, nêu gương khi kiểm điểm chính bản thân mình và nêu gương trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực công tác cũng như sinh hoạt hằng ngày. Có rèn luyện thường xuyên như thế mới trở thành tấm gương sáng, mới hoàn thành trách nhiệm nêu gương trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong Đảng càng có nhiều tấm gương sáng, thì tin chắc rằng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sẽ được đẩy lùi. Đó là mong đợi của toàn Đảng, toàn dân hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/trach-nhi-m-neu-g-ng-1.357436