Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên

Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI) về xây dựng Đảng mang tính cấp bách, nhưng suy cho cùng vẫn phải làm thật tốt bốn nhóm giải pháp, trong đó đưa tự phê bình và phê bình thành việc làm nền nếp, thường xuyên, có chiều sâu, chất lượng trong sinh hoạt Đảng các cấp. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi thực hiện tự phê bình và phê bình, bởi vì có làm tốt tự phê bình và phê bình thì mới tự rèn luyện để trở thành đảng viên tốt. Phải xem lại mình đã có lời nói, việc làm gì trái với tư cách đạo đức của người đảng viên để tự uốn nắn, sửa sai.

Ngay tại hội nghị chỉnh huấn do Trung ương triệu tập tháng Giêng năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "... muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân". Hiện nay, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc bệnh cơ hội chủ nghĩa, mua quan bán tước, hối lộ, tham nhũng, kèn cựa địa vị, quan liêu, cửa quyền, sống phô trương, xa hoa lãng phí, thậm chí còn đua đòi mê tín dị đoan, lối sống gia trưởng độc đoán. Tự phê bình để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó không hoàn toàn chỉ tập trung vào các cuộc sinh hoạt ở tổ, ở chi bộ, mà phải coi đó là trách nhiệm thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, là biện pháp không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người. Cùng với thường xuyên tự phê bình thì mỗi cán bộ, đảng viên phải có nhận thức đúng về phê bình để giúp nhau tiến bộ, khi có điều kiện, với hình thức nhỏ nhẹ, thân tình trên tinh thần xây dựng. Cần loại bỏ tư tưởng sợ trù úm, nể nang, hữu khuynh dẫn đến thủ tiêu đấu tranh hoặc ấm ức để bụng chờ lúc nói cho hả dạ, đao to búa lớn, nâng thành quan điểm, gây mất đoàn kết nội bộ.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để dân tuyệt đối tin ở Đảng, thông qua phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

NGUYỄN CHIÊM

(Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình)

Then chốt của then chốt

Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhấn mạnh: kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Đây cũng là một trong những vấn đề đang được nhân dân quan tâm, tin tưởng vào các quyết sách để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Theo ý kiến của chúng tôi, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, vai trò hết sức quan trọng và là "nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng", là then chốt của then chốt phải bắt đầu từ công tác cán bộ.

Nhìn lại quá trình tiến hành công cuộc đổi mới của Đảng, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được về công tác cán bộ, chúng ta không khỏi trăn trở bởi một số cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước giao chức vụ trọng trách đã bị suy thoái, biến chất, thậm chí có người vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm.

Vì vậy, Đảng cần đặt công tác tuyển chọn cán bộ lên vị trí hàng đầu, trước hết trong khâu tuyển chọn, đánh giá cán bộ cần phải thật sự công tâm, trọng dụng nhân tài; kịp thời phát hiện việc lợi dụng chức trách được giao khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Mọi tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải hết sức khách quan khi quy hoạch cán bộ, đưa vào dự nguồn phải chủ động rà soát, bàn bạc dân chủ, trên cơ sở kết hợp hài hòa các yếu tố từ phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng đến năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và độ tuổi hợp lý... Trong sắp xếp, bố trí cán bộ phải thường xuyên tăng cường giáo dục bồi dưỡng lý luận chính trị, đạo đức lối sống. Việc luân chuyển cán bộ diện quy hoạch cần thận trọng, cân nhắc khi thực hiện. Bởi chủ trương luân chuyển cán bộ nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn cơ sở, đồng thời hạn chế, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

NGUYỄN THỊ ĐỘ

(Số 8 ngõ 132/68, Tổ 27 Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, trong các nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ đã nêu: cán bộ, đảng viên thực hiện kê khai tài sản theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, xử lý nghiêm những người kê khai không đúng. Chúng tôi thấy hiện tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, đặc quyền, đặc lợi, làm việc bất chính, nhận "hoa hồng", nhận biếu xén, quà cáp, "phong bao", "lập đường dây nhóm lợi ích cá nhân" đã giàu lên nhanh chóng, bất ngờ, làm cho khoảng cách giàu nghèo quá xa nhau. Tình hình này đã gây bất bình trong dư luận nói chung và những đảng viên, nhân dân lao động siêng năng cần cù, làm ăn chính đáng, nhất là ở khu vực nông thôn nói riêng... Đọc Chỉ thị 15 về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, của Bộ Chính trị, là đảng viên, nhân dân lao động, chúng tôi rất mừng và rất tin tưởng vì Chỉ thị đã nêu rõ mọi cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản công khai theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Theo chúng tôi, kê khai xong cần phải giải trình nguồn gốc tài sản đó do đâu mà có. Nếu tài sản đó là do tham nhũng mà có, thì đề nghị kiểm tra, thanh tra làm rõ, công khai xử lý theo pháp luật, thu hồi tài sản đó; cần có kỷ luật thỏa đáng, dù người đó là cán bộ giữ chức vụ gì, ở đâu. Đây là một trong các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Làm được như vậy thì đảng viên, nhân dân lao động sẽ bớt đi những trăn trở lâu nay, cùng với Đảng thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhằm đạt mục tiêu làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, như Bác Hồ lúc sinh thời thường dạy: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh".

ĐỖ XUÂN SINH

(Xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/trach-nhi-m-c-a-m-i-can-b-ng-vien-1.344431