Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ

QĐND - Những bình chọn và đánh giá về các đời tổng thống Mỹ được khởi đầu từ năm 1960 với cuốn sách Presidential Power của chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ Ri-chát Niu-xtát. Nửa thế kỷ kể từ đó, việc đánh giá các tổng thống Mỹ một cách có hệ thống đã trở thành công việc quen thuộc của các học giả Mỹ. Cùng khoảng thời gian này, nghiên cứu về lịch sử và chính trị Mỹ cũng phát triển nhanh chóng trong các trường đại học tại Anh. Tuy nhiên, theo BBC, đây là lần đầu tiên có một cuộc xếp hạng các đời tổng thống Mỹ do các học giả Anh thực hiện.

Cuộc bình chọn xếp hạng mang tính học thuật này được Trung tâm Tổng thống Mỹ thuộc Học viện Hoa Kỳ học nằm trong hệ thống Đại học Luân Đôn tiến hành trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010. Tổng cộng có 47 học giả Anh chuyên nghiên cứu về lịch sử và chính trị Mỹ tham gia thực hiện cuộc xếp hạng. Những học giả tham gia xếp hạng đã chấm điểm các đời tổng thống Mỹ theo từng tiêu chí với thang điểm từ 1 (không hiệu quả) đến 10 (rất hiệu quả). Kết quả sau đó được tính trên tổng số điểm mà mỗi tổng thống nhận được để đưa ra danh sách cuối cùng. Theo đó, Tổng thống Phran-klin D. Ru-dơ-ven (1933-1945) được xếp vị trí số một chung cả danh sách. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở vùng thung lũng sông Hút-sơn, Niu Y-oóc, khi học xong bậc trung học, năm 1905, Phran-klin D. Ru-dơ-ven ghi danh theo học tại Phân khoa Luật, Trường Đại học Cô-lôm-bi-a. Năm 1907, ông trúng tuyển kỳ thi được công nhận làm luật sư của tiểu bang Niu Y-oóc. Năm 1910, ông được bầu chọn vào thượng viện tiểu bang Niu Y-oóc. Năm 1913, ông được Tổng thống W.Uyn-sơn bổ nhiệm làm phụ tá Bộ trưởng Bộ Hải quân và giữ chức vụ này liên tiếp 6 năm. Mùa hè năm 1921, ông lâm trọng bệnh, gần như cả hai chân đều bị bại liệt tưởng như chẳng bao giờ phục hồi được. Tình trạng này khiến cho ông phải sử dụng xe lăn để di chuyển. Dù là vậy, ông vẫn hăng say hoạt động chính trị. Năm 1928, ông ra ứng cử chức thống đốc tiểu bang Niu Y-oóc và trúng cử. Tháng 10-1929, Hoa Kỳ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế. Tổng thống Hoa Kỳ là ông H. Hô-vơ (Đảng Cộng hòa) hành động rất chậm chạp để cứu trợ. Nông dân lâm vào cảnh khốn cùng, và từ chối, không chịu trợ giúp, giới công nhân nhà máy lâm vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, tại tiểu bang Niu Y-oóc, ông Phran-klin D. Ru-dơ-ven cho thiết lập Ủy ban Cứu trợ khẩn cấp để trợ giúp những người cần được trợ giúp. Việc làm này đã giúp cho những người dân nghèo ở Niu Y-oóc thoát khỏi cảnh điêu đứng lầm than. Vì thế mà họ nức lòng ca tụng ông là người có tài lãnh đạo quản lý nhân dân. Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa. Chẳng bao lâu, nhân dân cả nước đều biết đến ông và ông trở thành niềm hy vọng của người dân Hoa Kỳ giữa thời đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11-1932, Phran-klin D. Ru-dơ-ven được Đảng Dân chủ đề cử ra làm ứng cử viên đối đầu với ứng cử viên của Đảng Cộng hòa là Tổng thống H.Hô-vơ để cùng thi tài chạy đua vào Nhà Trắng. Một phần nhờ đã có tiếng tăm lừng lẫy từ năm 1929 khi cho thành lập Ủy ban Cứu trợ khẩn cấp ở Niu Y-oóc, một phần do tình trạng thất nhân tâm của Tổng thống H.Hô-vơ và Đảng Cộng hòa do việc chậm trễ trong việc cứu trợ nông dân lâm cảnh khốn cùng, và từ chối, không chịu trợ cấp cho công nhân tại các nhà máy kỹ nghệ bị thất nghiệp gây ra, ông Ru-dơ-ven đắc cử dễ dàng với 472 phiếu cử tri đoàn, và 22.821.277 phiếu bầu của nhân dân (57,4%), trong khi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa chỉ được 59 phiếu cử tri đoàn và 15.761.254 phiếu bầu của nhân dân (39,7%). Các nhà sử học đều cho rằng, Tổng thống Ru-dơ-ven là vị tổng thống Hoa Kỳ được cả nhân dân Mỹ kính phục. Nhân dân Mỹ luôn nhớ đến ông và coi ông như là một nhà lãnh đạo tài giỏi và đầy lòng nhân ái vì những công lao: Đưa đất nước Hoa Kỳ ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế giúp cho dân nghèo, những phế nhân hay người bất hạnh bị tàn tật không thể mưu sinh được bảo đảm khỏi phải sống trong cảnh điêu linh khốn khổ thiếu cơm thiếu áo; giúp cho người dân lao động trút được gánh nặng lo âu vào những khi thất nghiệp, không có công ăn việc làm hay vào khi đau ốm và già yếu; đưa Hoa Kỳ lên hàng siêu cường trên thế giới. Các nhà nghiên cứu xã hội cũng đã tổng kết được 5 bài học kinh nghiệm từ Phran-klin D. Ru-dơ-ven. Bài học thứ nhất là chế ngự nỗi sợ hãi. “Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi” - Phran-klin D. Ru-dơ-ven đã phát biểu như vậy trong buổi lễ nhậm chức năm 1933, thời điểm cuộc đại suy thoái kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn cao trào. Ông đã có những nước cờ mạo hiểm để kéo đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và củng cố được sức mạnh quân sự trong thời chiến. Bài học thứ hai là thức thời. Bài học thứ ba là giữ đôi tay “sạch sẽ”. Bài học thứ tư là học hỏi từ những sai lầm. Tất cả các đời tổng thống đều mắc sai lầm nhưng không phải ai cũng biết rút ra bài học từ những sai lầm đó. Bài học thứ năm-nổi bật trong đám đông. Hỏi đến các tổng thống Mỹ như C. A-thơ, Giôn Tai-lơ và Giêm Pôn-cơ, chắc ít ai biết vì họ quá mờ nhạt và bị liệt vào danh sách “những tổng thống bị lãng quên”. Ngược lại, gần như cả thế giới biết đến những cái tên như Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn, A.Lin-côn hay Phran-klin D. Ru-dơ-ven. Điều gì khiến họ được ghi nhớ hơn những người khác? Họ không ngại bày tỏ quan điểm của riêng mình, không ngại thay đổi. Họ nỗ lực để xây dựng một hình ảnh riêng của mình. Họ để lại dấu ấn trong vài năm đương nhiệm ngắn ngủi. Dương Minh Nguyệt

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/QDNDSite/vi-vn/75/68/77/77/77/145019/Default.aspx