Tổng thống Nam Phi hứa trả lại tiền nâng cấp biệt phủ

Ngày 3.2, ông Jacob Zuma, Tổng thống Nam Phi hứa trả lại tiền nâng cấp biệt phủ cho ngân sách quốc gia.

Tổng thống Zuma trong trại bò ở tư dinh của ông

Có thể bạn quan tâm

Tổng thống Nam Phi hứa trả lại tiền nâng cấp biệt phủ, nhưng không nói ông sẽ lấy bao nhiêu tiền túi để trả lại.

Đây là một cách ông tháo ngòi nổ vụ tranh cãi “bám riệt” chính phủ và đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền ở Nam Phi.

Bể bơi được xây là để lấy nước chữa cháy

Vụ tranh cãi bắt đầu từ việc chính phủ Zuma chi 23 triệu USD từ công quỹ để nâng cấp biệt phủ ở quê nhà Nkandla của ông ở tỉnh KwaZulu-Natal, không lâu sau khi ông nhậm chức tổng thống hồi năm 2009.

Khoản tiền giúp căn biệt thự sang trọng hẳn, rộng rãi, gồm một bể bơi, một sân bóng đá mi-ni, một tiệm may quần áo cho 1 trong 4 vợ của tổng thống, một trung tâm tiếp khách, một bãi đậu trực thăng, một bãi chăn gia súc, một nhà hát ngoài trời, 3 tòa nhà cho người hầu, thậm chí 1 trại lớn nuôi gà.

Tòa nhà còn có khu hầm ngầm 10 phòng ngủ gắn máy lạnh, một phòng khám bệnh cho tổng thống và gia đình, nhà ở cho các vệ sĩ, bãi đậu xe ngầm 40 chiếc, Ông Zuma sống ở ngôi nhà này với 4 bà vợ cùng đàn con.

Toàn cảnh biệt phủ của ông Zuma

Cuối năm 2012, phe đối lập nộp đơn kiện lên cơ quan thanh tra, yêu cầu điều tra sai phạm của công chức chính phủ.

Năm 2014, nữ Thanh tra trưởng Thulisile Madonsela kết luận: Tổng thống Zuma “sử dụng sai mục đích” công quỹ, không ngăn chặn kiến trúc sư và các nhà thầu “kê nâng chi phí” và “hưởng lợi quá đáng” từ sự nâng cấp tòa nhà, “không phù hợp với vị thế một công bộc của nhân dân”.

Bà Madonsela yêu cầu ông Zuma hoàn trả “một khoản tiền hợp lý” cho kinh phí thực hiện những khoản nâng cấp không liên quan an ninh, nhưng không nêu rõ số tiền phải đền là bao nhiêu

Ban đầu, chính phủ bào chữa: sự nâng cấp tòa biệ thự là biện pháp an ninh dành cho tổng thống, và bể bơi có thể dùng làm phương tiện chữa cháy.

Sự bào chữa này khiến người dân Nam Phi phẫn nộ với việc tòa tư dinh còn có hồ bơi, nhưng các quan chức của dự án nâng cấp gọi đó là “hồ chứa nước chữa cháy”.

Người dân đưa lên mạng một ca khúc nhại theo bản “Gangnam Style” của ca sĩ Hàn Quốc Psy, nhưng không có người nhảy trong “Nkandla Style”. Lời bài hát là “ Vâng, tôi tắm trong tiền của bạn nhưng tôi không biết, tôi không biết, da dẻ tôi đầy mật, mát lạnh trong hồ, trong hồ chữa cháy của tôi”.

Lần nọ, ông Zuma giải trình trước quốc hội Nam Phi: ông tự bỏ tiền túi để nâng cấp biệt phủ.

Chính phủ Nam Phi năm 2014 cũng cảnh cáo giới truyền thông: nếu đăng ảnh chụp nhà riêng của tổng thống Zuma thì sẽ bị truy tố vì vi phạm luật an ninh quốc gia: “Không ai, kể cả giới truyền thông, được phép chụp ảnh và đăng các ảnh”.

Chính phủ viện dẫn Luật các vị trí xung yếu quốc gia (thông qua năm 1980, thời Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid) gồm cấm công bố “các cơ sở chiến lược quan trọng” và xếp tư dinh tổng thống vào diện “vị trí xung yếu”, tương tự trụ sở Quốc hội, sân bay…

Báo Mail & Guardian dẫn thông tin của chính phủ: vùng quê của tổng thống có nguy cơ động đất cao (trung bình 50 năm xảy ra một vụ ở cấp 5 tới 6 độ Richter), có thể bị ngập lũ (dù ở độ cao 1.031 mét cách mực nước biển) và bất ổn chính trị, nên Tổng thống và gia đình có thể bị ám sát.

Vùng này cũng xảy ra nhiều vụ hiếp dâm, nên cần bảo đảm an ninh cho tư dinh tổng thống, nơi xả hơi cùng gia đình của ông Zuma sau những ngày lo chuyện quốc gia đại sự, cũng là nơi ông đón tiếp các thượng khách đến thăm và tổ chức các sự kiện riêng tư.

Nhưng hai tờ báo Nam Phi vẫn bất chấp lệnh cấm, cho đăng ảnh tòa nhà. Tờ Times đăng trang nhất ảnh tòa nhà chụp từ trên cao, dưới chú thích “ Vậy nè, bắt chúng tôi đi”.

Tờ Star đăng ảnh toàn bộ ngôi nhà với chữ X chéo và chú tích “Nhìn chỗ khác ! Điều các Bộ trưởng không muốn đọc giả xem”.

Các báo Nam Phi nói tiền công quỹ cho tư dinh tổng thống quá lớn so với tiền chi cho nhà của các cựu tổng thống Nelson Mandela, Thabo Mbeki và FW De Kleck.

Các báo bất chấp lệnh cấm chụp ảnh biệt phủ của ông Zuma

Vụ tranh cãi khiến ANC tố cáo Madonsela “xì” báo cáo cho giới truyền thông. Một quan chức Bộ quốc phòng nói bóng gió bà là “điệp viên CIA”. Bà bác bỏ các tố cáo cuộc điều tra của bà nhằm làm mất uy tín Tổng thống. Ông Zuma cũng phớt lờ bà Madonsela. Vụ xích mích giữa hai nhân vật quyền thế này, cùng những chỉ trích sự xa hoa của biệt phủ tổng thống, càng đổ thêm dầu vào lửa của địa chỉ “Trả lại tiền đi” trên mạng xã hội Twitter. Hai đảng đối lập là Liên minh dân chủ (DA) và Chiến sĩ kinh tế tự do (EFF) vào cuộc, yêu cầu Tòa án Hiến pháp làm rõ vụ việc, trong đó ông Zuma phải giải trình về những phát hiện của bà Madonsela. Tòa này dự tính tổ chức điều trần ngày 9.2 tới, tức 2 ngày trước khi Tổng thống Zuma có bài diễn văn toàn quốc hàng năm trước quốc hội Nam Phi. Ở lần phát biểu năm 2015, đã xảy ra ẩu đả giữa nhân viên an ninh với các chính khách đối lập hô vang câu “Trả lại tiền đi”. Ngày 3.2, DA và EFF nói họ vẫn yêu cầu tiến hành điều trần, mặc kệ lời hứa sẽ đền tiền của ông Zuma. DA ra tuyên bố cáo buộc ông “xây cung điện từ tiền của nhân dân”. Vụ nâng cấp này hồi năm 2014 được ước tính khoảng 216 triệu rand (tiền Nam Phi) lúc đó tương đương 25 triệu USD. Văn phòng tổng thống ra tuyên bố, thừa nhận “có những bất thường”, nhưng nhấn mạnh ông Zuma chẳng làm gì sai, và nêu cuộc điều tra của bà Masondela phát hiện nhiều khoản nâng cấp tòa biệt phủ là hợp lệ: “Báo cáo thanh tra đặc biệt không tìm thấy bất kỳ sai phạm nào của Tổng thống. Nó cũng phát hiện không hề có sự hưởng lợi nào quá đáng mà Tổng thống phải bồi thường cho nhà nước”. Tuyên bố này còn nêu ông Zuma muốn “kết thúc cuộc cãi vã kéo dài”, nhưng không cho biết ông sẽ trả lại bao nhiêu tiền. Thay vào đó, ông gợi ý số tiền này sẽ do cơ quan kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính Nam Phi ấn định “một cách độc lập và không thiên vị”. Phe đối lập bác gợi ý này của ông Zuma Theo báo New York Times, quyết định trả lại một khoản tiền là nhượng bộ chính trị mới nhất của ông Zuma, người đang phải chịu nhiều sức ép, vì nền kinh tế Nam Phi (lớn hàng thứ nhì châu Phi xét về GDP, sau Nigeria) đã giảm tốc. Hồi cuối năm 2015, ông Zuma khiến thị trường tài chính và các cơ quan cho vay tiền hoang mang, và khiến đồng rand Nam Phi mất giá, sau khi ông chỉ định một nghị sĩ vô danh làm Bộ trưởng Tài chính. Vài ngày sau, ông phải hủy quyết định bổ nhiệm này, giao chức cho nhà kỹ trị Pravin Gordhan rất có uy tín ở chức vụ Bộ trưởng bộ trên từ năm 2009 đến 2014.

R. W. Johnson, nhà khoa học chính trị Nam Phi từ hàng chục năm qua giảng dạy ở đại học Oxford, nói sự nhượng bộ của ông Zuma rất có ý nghĩa, vì ông đã trì hoãn việc trả lại tiền quá lâu.

“Điều đó sẽ được xem là một thắng lợi của bà Madonsela, và trên hết, sẽ được xem là một sự công khai thừa nhận tham nhũng”. Ông còn nói thêm: “Điều không tránh được là nó sẽ hút cạn quyền lực của ông ấy một cách đáng kể. Các cuộc bầu cử địa phương sẽ tổ chức cuối năm 2016, ông Zuma đang bị tổn thất nặng về uy tín, và sẽ có thêm sức ép mới từ chính ANC. Họ sẽ đòi ông ấy phải từ chức, dù có lẽ ông ấy sẽ chẳng chịu từ chức”.

Ngoài vụ tai tiếng trên, ông Zuma đầy những tai tiếng, như vụ có con rơi với con gái một người bạn thân, khiến báo Stern ở Đức gọi ông là “Berlusconi đen” để so sánh ông với cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đầy tai tiếng. Năm 2006, ông Zuma được xử trắng án một vụ hiếp dâm, với lý do đó là một cuộc “quan hệ đồng thuận”.Lúc đó ông thừa nhận ông “không mặc áo mưa” dù biết rõ bạn tình có kết quả dương tính HIV, và ông đi tắm ngay sau khi thỏa mãn để giảm nguy cơ bị lây dính HIV gây bệnh AIDS. Năm 2009, ông Zuma thoát tội tham nhũng, liên quan một vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD, sau khi ngành công tố hủy các cáo buộc ngay trước cuộc bầu cử tổng thống. ANC nắm quyền lực ở Nam Phi sau khi kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc apartheid năm 1994.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/tieu-diem/tong-thong-nam-phi-hua-tra-lai-tien-nang-cap-biet-phu-286059.html