Tổng giám đốc Eway: Với eDoctor bác sĩ sẽ là trung tâm xử lý

ICTnews - eDoctor đang xây dựng, mô hình trong đó bác sĩ là trung tâm xử lý, cung cấp dịch vụ và có rất nhiều các công nghệ, thiết bị nhằm hỗ trợ việc cung cấp thông tin liên tục/real time về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tới bác sĩ, ông Đặng Công Nguyên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eway, cho biết.

eDoctor là ứng dụng cài đặt trên di động, với những chức năng cơ bản được cung cấp miễn phí cho người dùng như hỏi đáp với bác sĩ, tra cứu thuốc, tìm phòng khám hay nhà thuốc gần nhất… Theo ông Nguyên, hiện nay ứng dụng eDoctor đã có hàng chục ngàn người sử dụng và con số đang tăng theo mức lũy tiến.

Ông Đặng Công Nguyên.

“Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2016 cho ứng dụng eDoctor sẽ đạt con số người dùng lên tới hàng trăm ngàn và thu hút hàng trăm bác sỹ tham gia tư vấn cho người dùng mọi lúc mọi nơi. Với mảng tổng đài, chúng tôi đã và đang phục vụ hơn 100.000 người dùng từ khi ra mắt đến nay”, người sáng lập Eway chia sẻ với ICTnews.

Là một ứng dụng khởi nghiệp ra đời trong năm 2015, với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ông Nguyên cho biết, eDoctor có những khó khăn và thuận lợi như nhiều công ty khởi nghiệp khác. 3 khó khăn thường thấy ở Việt Nam khi triển khai bất kỳ một sản phẩm dịch vụ mới có tính tiên phong, theo ông Nguyên, chính thói quen người dùng chưa có, cơ chế nhà nước chưa có và hạ tầng chưa hỗ trợ nhau. Chẳng hạn ở Singapore hay Trung Quốc, Hàn Quốc, việc lưu hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân là việc phổ biến, quen thuộc; người dùng cũng đã có thói quen sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ, thanh toán thuận tiện. Tuy nhiên những điều này lại chưa phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù thế, chủ tịch eDoctor cho đó cũng là những thuận lợi, giúp các startup ở Việt Nam xây dựng sản phẩm và cung cấp dịch vụ phù hợp với người Việt Nam.

Nói về xu hướng Internet vạn vật sắp tới, ông Nguyên cho biết, eDoctor đã hợp tác và đang nghiên cứu tích hợp các ứng dụng của eDoctor trên các thiết bị thông minh có khả năng theo dõi các số đo về sức khỏe cá nhân.

Hãy tưởng tượng bạn tặng bố/mẹ bạn một thiết bị đeo (có thể dây đeo cổ/tay/chân), các thiết bị này có thể theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ,… và quan trọng nhất các số liệu này được đồng bộ gửi lên hệ thống mà bác sĩ có thể theo dõi thường xuyên. Khi có các chỉ số báo động, bác sĩ sẽ nhận được cảnh báo để xem xét ngay tình trạng và những người thân cũng được thông báo, ông Nguyên nêu ví dụ.

Ông Nguyên cho biết ví dụ trên chính là điều eDoctor đang xây dựng, mô hình trong đó bác sĩ là trung tâm xử lý, cung cấp dịch vụ và có rất nhiều các công nghệ, thiết bị nhằm hỗ trợ việc cung cấp thông tin liên tục/real time về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tới bác sĩ.

Nói về việc làm sao thuyết phục được các bác sĩ tham gia trong khi eDoctor vẫn đang cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng, ông Nguyên cho biết thu nhập mà bác sĩ nhận từ eDoctor không phải yếu tố chính nhất cho việc thuyết phục các bác sĩ tham gia dự án này, mà quan trọng nhất là: với các giải pháp về công nghệ, kết nối thông tin của eDoctor sẽ giúp cho các bác sĩ có thể quản lý hiệu quả việc chăm sóc bệnh nhân và chủ động được về thời gian làm việc, chăm sóc bệnh nhân.

Ông Nguyên cho rằng, cuộc sống của các bác sĩ rất vất vả và thiếu thời gian cho bản thân mình. Bởi vì các bác sĩ đang không chủ động được thời gian của mình, họ luôn phải sẵn sàng khi người bệnh tới thăm bệnh và dẫn tới tình trạng đôi khi bệnh nhân dồn toàn bộ vào một quãng thời gian trong ngày, trong tuần. Những bệnh nhân và bác sĩ cũng không có kênh thông tin để kết nối với nhau, để theo dõi, chăm sóc thường xuyên. Do đó, việc các bác sĩ cộng tác với eDoctor không những giúp được nhiều người hơn với hiệu quả cao hơn mà còn giúp bác sĩ có thời gian dành cho mình, nâng cao được chất lượng cuộc sống của bác sĩ.

Hiện nay, ứng dụng eDoctor vẫn chưa phát sinh lợi nhuận vì vẫn đang cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí nhưng ông Nguyên cho biết, trong thời gian tới, khi ứng dụng eDoctor ra mắt những dịch vụ cấp cấp hơn như gọi điện thoại voice call hay video call với bác sĩ thì sẽ bước đầu thu phí theo năm. Mặc dù ứng dụng eDoctor mới ra mắt năm ngoái, nhưng tổng đài phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, tiền thân của eDoctor, đã ra mắt trước đó một năm, đang có khoảng 100.000 người dùng.

Nói về việc gọi vốn, ông Nguyên cho biết nhờ sự hợp tác với nhiều đối tác như Telcos, công ty bảo hiểm, bệnh viện,… nên eDoctor có doanh thu đảm bảo cân đối để tiếp tục đầu tư phát triển dài hạn cho sản phẩm của mình.

“Chúng tôi chưa giành thời gian tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, nhưng cũng rất sẵn lòng chào đón các đối tác trong và ngoài nước cùng tham gia hợp tác. Điều quan trọng nhất là các đối tác phù hợp có cùng niềm tin và quyết tâm tạo ra những giá trị thực mà eDoctor đang hướng tới”, ông Nguyên cho biết.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/khoi-nghiep/goc-doanh-nghiep/tong-giam-doc-eway-voi-edotor-bac-si-se-la-trung-tam-xu-ly-135272.ict