Toàn cảnh thế giới tuần qua

(Petrotimes) - Một tuần đầy biến động với các sự kiện quốc tế đáng chú ý vừa trôi qua...

Hàng trăm người thương vong trong các cuộc biểu tình phản đối bộ phim xúc phạm đạo Hồi. Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ và Malaysia phải đóng cửa.

Trong cả tuần qua, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim có nội dung xúc phạm đạo Hồi và Nhà tiên tri Mohammed tiếp tục lan rộng khắp thế giới Hồi giáo.

Tại Pakistan, mặc dù chính phủ đã tuyên bố ngày 21/9 là ngày nghỉ lễ đột xuất để mọi người "thể hiện sự sùng kính với Nhà tiên tri Mohammed ", đồng thời kêu gọi biểu tình hòa bình, song bạo lực vẫn xảy ra nghiêm trọng khi đám đông ném gạch đá, đốt phá các tòa nhà, rạp chiếu phim, nhà hàng, khách sạn. Ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát, trong đó 12 người đã thiệt mạng ở thành phố Karachi. Trên toàn Pakistan, có tới 229 người bị thương.

Tại nhiều quốc gia Trung Đông và châu Á, hàng chục nghìn người Hồi giáo xuống đường biểu tình sau buỗi lễ cầu nguyện ngày Thứ Sáu. Đã hơn một tuần lễ trôi qua kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát phản đối bộ phim xúc phạm đạo Hồi và sau đó là những biếm họa về "Nhà tiên tri" trên tờ báo Pháp Charlie Hebdo, căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong bối cảnh đó, các phái bộ ngoại giao phương Tây ở các nước Hồi giáo đều tạm thời bị đóng cửa. Pháp đã đóng cửa các đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa, trường học,... ở 20 quốc gia Hồi giao do lo ngại sự giận dữ của người biểu tình sẽ chuyển từ các mục tiêu Mỹ sang Pháp.

Tại Benghazi (Libya) tình hình tiếp tục căng thẳng. Hàng trăm người biểu tình, trong đó một số có vũ trang, đã tấn công trụ sở của Lữ đoàn Raf Allah al-Sahati đóng tại một trang trại ở khu vực Hawari. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Indonesia, nước có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới. Nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa lãnh sự Mỹ tại Medan, còn tại thành phố Surabaya, cũng đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình.

Trong khi đó, tại Malaysia, khoảng 3.000 tín đồ Hồi giáo nước này cũng đã biểu tình trong hòa bình và tuần hành trước Đại sứ quán Mỹ để phản đối vụ việc nói trên. Hơn 10.000 người dân Bangladesh cũng đã xuống đường ở thủ đô Dakar để phản đối bộ phim. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ có nội dung phản đối Mỹ và đốt quốc kỳ Pháp và hình nộm của Tổng thống Mỹ Barak Obama bên ngoài thánh đường lớn nhất nước này Baitul Mokarram sau buổi cầu nguyện chiều thứ Sáu. Hàng trăm cảnh sát, lực lượng phản ứng nhanh đã được triển khai để đảm bảo an ninh tại khu vực diễn ra biểu tình.

Theo AFP/Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 21/9, Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ đã đóng cửa và các nhân viên ngoại giao được yêu cầu không ra khỏi phạm vi đại sứ quán do lo ngại làn sóng biểu tình phản đối bộ phim có nội dung báng bổ đạo Hồi.

Trong khi đó, Sứ quán Mỹ tại Malaysia cũng phải đóng cửa do nghìn người Hồi giáo tụ tập trước cửa Đại sứ quán, hô vang những khẩu hiệu lên án bộ phim Mỹ cũng như bức biếm họa Nhà tiên tri Mohamed trên một tạp chí Pháp.

Cuộc biểu tình phản đối bộ phim xúc phạm nhà tiên tri Mohammed tại Pakistan ngày 21/9 bùng phát thành bạo lực - Ảnh: CNN

Căng thẳng Nhật Bản-Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trung Quốc hôm 20/9 đã kêu gọi Nhật Bản đối thoại và đàm phán để giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật Bản gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông.

“Trung Quốc chủ trương thông qua đàm phán giải quyết vấn đề liên quan quần đảo Điếu Ngư. Phía Nhật Bản nên đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, quay trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp. Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc và đối thoại ở các cấp với phía Nhật Bản và giải thích lập trường chính thức của Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phía Trung Quốc có bồi thường cho những doanh nghiệp Nhật Bản bị thiệt hại về tài sản trong thời gian xảy ra các cuộc biểu tình chống Nhật vừa qua hay không, ông Hồng Lỗi cho biết, các trường hợp liên quan sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào ngày 29/9 tới tại Bắc Kinh như kế hoạch. Theo Kyodo, cựu Ủy viên Quốc Vụ viện Đường Gia Triền, hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Trung - Nhật, sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi ngày 26/9 và lễ kỷ niệm chính thức sẽ được tổ chức vào trưa ngày 27/9.

Trong khi đó, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 20/9 cho biết nước này đã bắt đầu tìm kiếm đối thoại với Trung Quốc nhằm hàn gắn các mối quan hệ rạn nứt liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, bằng cách thăm dò khả năng tiến hành đàm phán giữa ngoại trưởng hai nước tại New York(Mỹ) vào cuối tháng này. "Quan điểm của tôi là phải duy trì và tăng cường liên lạc với Trung Quốc... Tăng cường đối thoại ở nhiều cấp sẽ giảm được nguy cơ leo thang căng thẳng." Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết.

Cảnh sát Trung Quốc dựng rào chắn, tăng cường bảo vệ an ninh Lãnh sự quán Nhật ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc và EU “bắt tay nhau”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc diễn ra ngày 20/9 tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nêu đề xuất 4 điểm để phát triển quan hệ song phương. Trong đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi EU và Trung Quốc xây dựng các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tại hội nghị này, EU và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận chính trị về kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề phát triển Andris Piebalgs và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã ký thỏa thuận về việc tài trợ cho "việc chuyển sang nền kinh tế sử dụng ít than đá và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính".

Ngoài ra, các quan chức EU và Trung Quốc còn ký bản ghi nhớ về việc mở rộng hợp tác giữa các cơ quan về vấn đề cạnh tranh của hai bên. Cao ủy châu Âu về vấn đề cạnh tranh nhấn mạnh văn kiện này là một bước quan trọng và cho thấy mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ với các cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc. Bản ghi nhớ đảm bảo cơ sở cho hợp tác, đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan chống độc quyền của EU và Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (giữa) và các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh EU- Trung Quốc ở Brussels.

Thủ tướng Nhật bản Noda được bầu lại làm Chủ tịch DPJ

Không nằm ngoài dự đoán, đương kim Chủ tịch đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã được bầu lại làm Chủ tịch đảng trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng này chiều 21/9.

Ông Noda giành được 818 điểm trong tổng số 1.231 điểm, giành chiến thắng trước 3 ứng cử viên còn lại là cựu Bộ trưởng Nội vụ Cazuhiro Haraguchi được 154 điểm và các cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hirotaka Akamatsu được 123 điểm, Michihiko Cano với 113 điểm. Các đảng viên DPJ là nghị sỹ Quốc hội, thành viên hội đồng địa phương và các đảng viên tham gia bỏ phiếu bầu chủ tịch đảng.

Hãng tin Kyodo cho biết, sau cuộc bầu cử Chủ tịch, ông Noda có thể sẽ tiến hành cải tổ nhân sự trong DPJ và nhân sự Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ được tiến hành ngày 28/9 hoặc 1/10 tới nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Hiện nay, tỉ lệ cử tri ủng hộ Chính phủ của ông Noda ở mức dưới 30%, chỉ bằng một nửa mức 60% khi ông nhậm chức Thủ tướng tháng 9/2011.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda - Ảnh: Reuters.

Đảng TMC chính thức rút khỏi liên minh cầm quyền Ấn Độ

Đảng Trinamool Congress (TMC) ngày 21/9 đã chính thức rút khỏi Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền do đảng Quốc đại đứng đầu. Đảng TMC hiện giữ 19 ghế tại Hạ viện Ấn Độ và là đảng lớn thứ hai trong UPA.

Chiều 21/9, tất cả các bộ trưởng là thành viên đảng TMC trong Chính phủ Ấn Độ, bao gồm một bộ trưởng cấp liên bang và 5 bộ trưởng cấp bang, đã chính thức đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Manmohan Singh. Sau khi đệ đơn từ chức lên thủ tướng, cả đoàn bộ trưởng của TMC đã tới phủ tổng thống để trao thư rút lại sự ủng hộ của TMC đối với chính phủ.

Nguyên nhân của quyết định trên là do những bất đồng giữa đảng Trinamool Congress và liên minh cầm quyền. Bộ trưởng Đường sắt Mukul Roy, bộ trưởng cấp liên bang duy nhất của TMC, tuyên bố đảng này sẽ phát động cuộc biểu tình trên toàn quốc để phản đối quyết định của chính phủ về mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Mucun Roi cho rằng “đây là quyết định chống lại nhân dân nên TMC không thể ủng hộ chính phủ”.

Các biện pháp đẩy mạnh tiến trình cải cách để phục hồi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ UPA được ban hành tuần trước, trong đó có quyết định mở cửa lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực hàng không và truyền thông cho đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tăng giá dầu diesel và cắt giảm trợ cấp khí đốt hóa lỏng, đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của TMC và các đảng đối lập. Ngày 20/9, nhiều đảng đối lập và một số đảng trong liên minh UPA đã phát động phong trào bãi công và biểu tình tại nhiều bang, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật tại nhiều nơi.

Với sự rút lui của TMC, số nghị sĩ của UPA tại Hạ viện sẽ giảm từ 273 xuống còn 254/545 ghế, không còn chiếm đa số. Tuy nhiên, ngay sau khi TMC rút lui, Đảng Samajwadi Party (SP) - đảng có 22 ghế tại Hạ viện, hiện không tham gia UPA nhưng ủng hộ chính sách của Chính phủ Ấn Độ - đã cam kết tiếp tục ủng hộ chính phủ.

Bà Mamata Banerjee, nhà lãnh đạo đảng quốc hội Trinamool, đồng thời là người đứng đầu bang Tây Bengal

Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về Iran

Với 90 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 22/9 đã thông qua nghị quyết tái khẳng định nỗ lực của Washington trong việc ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Biện pháp không mang tính ràng buộc nói trên tán thành việc tiếp tục các phương thức gây sức ép kinh tế và ngoại giao đối với Iran cho đến khi Tehran đồng ý ngừng chương trình làm giàu urani phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cộng tác chặt chẽ với các thanh sát viên quốc tế và đạt được thỏa thuận lâu dài khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ mang mục đích hòa bình. Nghị quyết này cũng nêu rõ đây không phải là sự cho phép sử dụng vũ lực hay là một tuyên bố chiến tranh.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần hối thúc Washington đặt ra "giới hạn đỏ" đối với Tehran để hành động, trong đó có không loại trừ khả năng tấn công quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên Mỹ tỏ ra thận trọng trước đề xuất của Israel.

Bên trong cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân Isfahan cách Tehran 440 km về phía nam (ảnh tư liệu ngày 9/4/2009)

Cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lan rộng ở Yemen

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 18/9 đã bày tỏ quan ngại về một chiến dịch "phá hoại" chính phủ lâm thời Yemen và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng lan rộng tại quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ Đức tại LHQ Peter Wittig, nước giữ cương vị Chủ tịch HĐBA trong tháng Chín này, cho biết HĐBA cũng như phái viên LHQ tại Yenmen Jamal Benomar đang quan ngại về những âm mưu phá hoại quá trình chuyển tiếp tại nước này. HĐBA LHQ mong muốn sớm có một cuộc đối thoại dân tộc toàn diện và đầy đủ các thành phần nhằm xây dựng nền tảng cho một đất nước Yemen ổn định và thống nhất.

Ngày 18/9 tại thủ đô Sanaa của Yemen, hàng chục nghìn người đã tiến hành biểu tình để phản đối việc cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh được đặc quyền miễn truy tố. Cuộc biểu tình này đánh dấu một năm vụ lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình ở thủ đô Sanaa làm 35 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Một hội nghị cấp cao về Yemen dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27/9 bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Đây được xem là cơ hội để ông Peter Wittig tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình chuyển tiếp ở Yemen.

Các thành viên Quốc hội Yemen biểu quyết thông qua luật miễn truy tố cho Tổng thống Saleh hồi tháng 1 năm nay - Ảnh: AFP

Ecuador đặt điều kiện dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks

Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino hôm 21/9 cho biết, nước này có thể sẽ đề nghị chính phủ Anh cho phép dẫn độ nhà sáng lập Julian Assange từ đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) sang Thụy Điển, nơi ông này sẽ bị đưa ra xét xử về tội tấn công tình dục.

Ngoại trưởng Patino cho biết, điều kiện để dẫn độ ông Julian Assange sang Thụy Điển là ông này phải được Ecuador bảo vệ và được xét xử công bằng tại Thụy Điển. Tuần tới ngoại trưởng Patino sẽ gặp ngoại trưởng Anh để thảo luận về vấn đề này.

Trước đó tháng 8 vừa qua, chính phủ Ecuador đã trao quy chế tị nạn chính trị cho ông Assange, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks đã từng tiết lộ hàng nghìn bức điện mật của Mỹ, và hiện ông này vẫn đang ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador tại Anh. Tuy nhiên, chính phủ Anh phản đối quyết định này và kiên quyết yêu cầu dẫn độ ông Julian Assange sang Thụy Điển. Chính phủ Ecuador lo ngại sau khi bị dẫn độ sang Thụy Điển, ông Julian Assange sẽ bị đưa sang Mỹ và sẽ bị đối xử không công bằng.

Nhà sáng lập Julian Assange - Ảnh: tvcamaguey

Khép lại hành trình cuối cùng của Tàu con thoi Endeavour

Ngày 21/9 (theo giờ địa phương), tàu vũ trụ con thoi Endeavor đã hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế Los Angeles thuộc Căn cứ Không quân Edwards, bang California của Mỹ, chính thức khép lại 3 thập kỷ khám phá vũ trụ để bắt đầu một nhiệm vụ mới.

Trong hành trình ba ngày quanh nước Mỹ, chiếc Boeing 747 chuyên dụng "cõng" tàu Endeavour đã hạ thấp độ cao khi tới những khu vực quan trọng như Trung tâm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở các bang Mississippi, Louisiana và Texas. Con tàu lừng lẫy một thời này cũng bay qua thành phố Tucson ở bang Arizona để chào vợ chồng nữ phi hành gia Gabrielle Giffords, những người thực hiện chuyến bay cuối cùng vào vũ trụ với tàu Endeavour hồi tháng 5/2011. Sau 3 ngày kể từ khi rời Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral, bang Florida ở bờ Đông nước Mỹ, tàu Endeavour được máy bay chuyên dụng cho đáp xuống bờ Tây bang Caliphonia để trưng bày.

Tàu Endeavour là tàu con thoi trẻ tuổi nhất trong đội ngũ 6 tàu con thoi của Mỹ, được đóng mới sau vụ tai nạn thảm khốc của tàu con thoi Challenger vào ngày 28/1/1986 khiến 7 phi hành gia thiệt mạng. Tàu Endeavour đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1992, và từ đó cho đến lúc "nghỉ hưu", tàu này đã thực hiện tổng cộng 25 chuyến du hành vào vũ trụ.

Năm ngoái, NASA đã cho đội tàu con thoi của mình "nghỉ hưu" sau khi hoàn tất việc xây dựng ISS, trị giá 100 tỉ USD, với sự hợp tác của 15 nước. Sau khi nhiệm vụ chinh phục không gian của đội tàu con thoi này kết thúc, chúng được tháo dỡ và đưa đến các bảo tàng không quân trên khắp nước Mỹ để triển lãm.

Tàu con thoi Endeavour được cõng trên lưng 1 chiếc máy bay - Ảnh: AP

Con người là thủ phạm gây ra vụ tai nạn máy bay SSJ-100 tại Indonesia

Các đại diện chính thức của Nga và Indonesia đã ký văn bản điều tra, theo đó con người là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn máy bay Sukhoi Superjet-100 (SSJ-100) tại Indonesia hồi tháng 5 vừa qua.

Các đại diện Nga và Indonesia của Ủy ban hỗn hợp đặc biệt về điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay SSJ-100 tại Indonesia nhất trí rằng máy bay ở trong tình trạng bảo đảm khai thác tốt. Ủy ban trên cũng bác bỏ yếu tố kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên. Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nga, ông Yuri Sliusari cho biết hai nước dự định sẽ công bố kết quả cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay SSJ-100 vào cuối tháng Mười tới.

Vụ tai nạn thảm khốc trên xảy ra trong khuôn khổ chuyến bay chào hàng của SSJ-100 tới 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Máy bay chở khách mới của Nga SSJ-100 đã gặp nạn tại vùng núi Salak của Indonesia làm 45 người, trong đó có 8 công dân Nga, thiệt mạng.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay SSJ-100 hôm 9/5

Tổng thống Hàn Quốc cho phép điều tra con trai

Chính giới Hàn Quốc ngày 21/9 đã hoan nghênh việc Tổng thống Lee Myung-bak thông qua dự luật đặc biệt cho phép điều tra vụ con trai ông mua đất giá rẻ ở phường Naegok, quận Seocho, Seoul.

Người phát ngôn Đảng Saenuri (Thế giới mới) tại Quốc hội Lee Cheol-woo đánh giá việc Tổng thống chấp thuận dự luật chứng tỏ sự tôn trọng thỏa thuận giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập tại Quốc hội, đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tính thẳng thắn chính trực của tổng thống.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Ông Lee kêu gọi Đảng Dân chủ Thống nhất thảo luận cụ thể với Đảng Thế giới mới về việc đề cử công tố viên đặc biệt trung lập và khách quan. Đảng Dân chủ Thống nhất cùng ngày cũng đánh giá cao quyết định này của Tổng thống Lee Myung-bak.

Người phát ngôn đảng này tại Quốc hội Lee Eon-ju khẳng định sẽ đề cử một số luật sư có kinh nghiệm làm công tố viên đặc biệt dựa theo thỏa thuận giữa các chính đảng để hóa giải nghi ngờ của người dân về một cuộc điều tra minh bạch và công bằng.

Hồ Điệp (Tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/toan-canh-the-gioi-tuan-qua.html