Tòa án Quận Hoàn Kiếm cần xem xét đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhà số 2A ngõ Cầu gỗ

(Congluan.vn) - Một gia đình thuê nhà của Nhà nước từ năm 1977, đóng tiền thuê đầy đủ cho Xí nghiệp quản lý nhà, sau đó được mua nhà theo Nghị định 61, được cấp sổ đỏ. Bất ngờ sau gần 40 năm, họ bị kiện ra Tòa với nội dung “Đòi nhà cho ở nhờ”? Bất ngờ hơn, TAND Quận Hoàn Kiếm vẫn thụ lý vụ án để tiến hành xét xử.

Tòa án xác định sai bị đơn dân sự?

Căn nhà số 2A Cầu Gỗ đầu tiên được UBND Thành phố Hà Nội cho ông Nguyễn Văn Sở thuê. Sau khi ông Sở đi miền Nam, Xí nghiệp kinh doanh nhà Hoàn Kiếm đã kí Hợp đồng số 1082 ngày 18/ 3/ 1977 cho ông bà Minh – Ninh thuê. Năm 1982, do nhà ở quá dột nát, ông bà đã làm Đơn xin và được các cơ quan chức năng chấp thuận cho cải tạo thành nhà 02 tầng. Năm 1999, gia đình được các cán bộ thuộc Xí nghiệp kinh doanh nhà Hoàn Kiếm hướng dẫn mua lại nhà theo Nghị định 61/CP của Chính phủ. Ngày 09/ 6/ 1999, XN KD Nhà Hoàn Kiếm đã bán thanh lý cho gia đình theo Quyết định số 857/BN. Ngày 14/ 10/ 1999, UBND Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) số 14171 cho ông bà Minh – Ninh với diện tích 19,10 m2. Như vậy, toàn bộ nhà, đất số 2A Cầu Gỗ của vợ chồng ông bà Minh – Ninh là hoàn toàn hợp pháp, nguồn gốc rõ ràng, được Nhà nước công nhận theo quy định của luật pháp.

Năm 2000, bất ngờ, chủ cũ của nhà số 15-17 Gia Ngư là con của cụ Lương Văn Mười có đơn lên cơ quan chức năng đòi lại. Sự thật rất rõ ràng như vậy nhưng ngày 04/ 8/ 2000, UBND Thành phố Hà Nội lại ban hành quyết định số 390/QĐ-UB với nội dung thu hồi và hủy “sổ đỏ” của ông bà. Chưa hết, sau khi nhận được Đơn khởi kiện của bà Bùi Thị Chung (đại diện của con cụ Mười) thì ngày 13/ 8/ 2007 TAND Quận Hoàn Kiếm đã tiến hành thụ lý hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm số 52/2007/DS-ST về việc “Đòi nhà cho ở nhờ số 17 phố Gia Ngư (tức 2A ngõ Cầu Gỗ) phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Ngay tên gọi vụ án của TAND Quận Hoàn Kiếm đã khiến cho đương sự cảm thấy có vấn đề, vì rõ ràng, gia đình ông bà Minh – Ninh không hề ở nhờ nhà cụ Mười mà là thuê của nhà nước, được phép cải tạo nhà, được cấp sổ đỏ chính chủ. Sự nhầm lẫn thứ hai chính là phần ngoặc đơn (tức 2A ngõ Cầu Gỗ) vì 17 Gia Ngư và 2A ngõ Cầu Gỗ là hai thửa đất riêng biệt. Dấu ngoặc đơn trong tiếng Việt là phần chú thích cho từ đứng trước ngoặc đơn, việc sử dụng dấu ngoặc đơn trong tên gọi vụ án là này một sai sót cơ bản về tiếng Việt. Lưu ý là tại văn bản số 13/QĐ-UB ngày 15/ 01/ 1974 của Ủy ban hành chính thành phố do Chủ tịch Trần Duy Hưng kí. Văn bản trên nêu rõ trong Điều 1: Trả lại quyền sở hữu cho ông Lương Văn Mười và bà Trần Thị Loan các phòng trong ngôi nhà số 15-17 phố Gia Ngư. Việc “kèo thêm” cái “ngoặc đơn” 2A ngõ Cầu Gỗ là việc sau năm 2000, khi gia đình cụ Lương Văn Mười có đơn kiện đòi nhà mà thôi.

Bị đơn trong vụ án dân sự này là ai?

Ngay tại phiên hòa giải tại Trụ sở TAND Quận Hoàn Kiếm, gia đình ông bà Minh – Ninh đã có ý kiến: “Chúng tôi đến Tòa án hôm nay vì tôn trọng pháp luật, còn nội dung thì chúng tôi không đồng ý vì đây không phải vụ án dân sự. Ngôi nhà số 2A Cầu Gỗ là sở hữu của gia đình tôi, được nhà nước cấp sổ đỏ. Chúng tôi không ở nhờ, ở thuê nhà ông Mười, không có tranh chấp dân sự với gia đình ông Mười. Hiện nay gia đình chúng tôi đang khiếu kiện hành chính lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc UBND Thành phố Hà Nội hủy sổ đỏ của gia đình tôi”. Hồ sơ vụ việc đơn giản là vậy, nhưng tại sao TAND Quận Hoàn Kiếm lại thụ lý hồ sơ và tiến hành các thủ tục đưa vụ án ra xét xử? Trong tố tụng dân sự, khái niệm "bị đơn dân sự" đơn giản là người bị kiện. Họ thường đã có hành vi gây thiệt hại hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và bị người đó kiện ra trước tòa yêu cầu bồi thường hoặc chấm dứt vi phạm. Nhưng ở đây ai mới là đối tượng đã có hành vi gây thiệt hại hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Lương Văn Mười?

Qua hồ sơ vụ việc, đặc biệt là văn bản số 1118/BXD-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ trình bày kết quả Thanh tra thì: “Theo đó, về mặt pháp lý, ngôi nhà số 17 Gia Ngư đã được trả cho gia đình ông Lương Văn Mười từ năm 1974 nhưng quyết định trả nhà không được triển khai. Lỗi này hoàn toàn thuộc về ngành nhà đất (vẫn kí Hợp đồng cho các hộ thuê) và UBND Thành phố Hà Nội (không chỉ đạo sát sao)”. Lỗi không chỉ đạo sát sao này còn dẫn đến một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó là UBND Thành phố Hà Nội còn cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông bà Minh – Ninh. Như vậy, có thể xác định UBND Thành phố Hà Nội mới là cơ quan đã có hành vi gây thiệt hại hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Lương Văn Mười. Điều này cũng thể hiện rõ trong phần sau của văn bản số 1118/BXD-TTr “Ông Minh không phải là người trực tiếp thuê nhà của ông Mười mà là người được phân phối nhà sau khi Nhà nước đã có quyết định trả nhà cho ông Mười. Ông Minh không có lỗi trong việc thuê nhà, cải tạo nhà (đã được ông Mười đồng ý bằng văn bản, UBND Quận cấp phép xây dựng, UBND Thành phố Hà Nội cấp “sổ đỏ”) và đã mua lại nhà theo chính sách. Hơn nữa ông Minh lại là người có công với cách mạng (gia đình liệt sỹ), vì vậy, phần diện tích ông Lê Minh mua vẫn thuộc quyền sở hữu của ông. UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm trả nhà cho ông Mười dưới hình thức trả bằng tiền tương ứng với diện tích ông Minh đã sử dụng.”

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) được Quốc hội thông qua ngày 18/06/2009 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Luật TNBTCNN điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại phát sinh từ việc thực thi công vụ trong các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng (bao gồm tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính) và thi hành án (bao gồm thi hành án hình sự và thi hành án dân sự). Tại Nghị định 16/2010/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng đã nêu rõ phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN. Khoản 8 – Điều 13 – Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 đã quy định rõ: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây: 8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;”. Như vậy, UBND Thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình cụ Lương Văn Mười chứ không phải “quan sai, dân phải đền” như hiện nay.

Rõ ràng, TAND Quận Hoàn Kiếm cần xem xét đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 52/2007/DS-ST, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự vì vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 BLTTDS (Khoản 2, Điều 192 BLTTDS), “chưa đủ điều kiện; vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án”.

NHÓM PVĐT

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/10/55728/Toa-an-Quan-Hoan-Kiem-can-xem-xet-dinh-chi-giai-quyet-vu-an-dan-su-nha-so-2A-ngo-Cau-go.html