Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo với 3 hình thức sinh động, hấp dẫn

Theo TS Ngô Thị Thu Dung (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể tổ chức dưới 3 hình thức là: Giao lưu; chiến dịch và nhân đạo

HSSV hào hứng ra quân chiến dịch Xuân tình nguyện.

HSSV hào hứng ra quân chiến dịch Xuân tình nguyện.

Đối với hoạt động chiến dịch

Tùy thuộc vào các vấn đề của địa phương mà nhà trường có thể lựa chọn và tổ chức cho học sinh tham gia các chiến dịch với những chủ đề phù hợp với đối tượng và đặc điểm địa phương.

Để thực hiện hoạt động chiến dịch được tốt cần xây dựng kế hoạch để triển khai chiến dịch cụ thể, khả thi với các nguồn lực huy động được và học sinh phải được trang bị trước một số kiến thức, kĩ năng cần thiết để tham gia vào chiến dịch.

Là hình thức tổ chức không chỉ tác động đến học sih mà tới cả các thành viên cộng đồng. Chính trong các hoạt động này, học sinh có cơ hội khẳng định mình trong cộng đồng, qua đó hình thành và phát triển ý thức “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Việc học sinh tham gia các hoạt động chiến dịch nhằm tăng cường sự hiểu biết và sự quan tâm của học sinh đối với các vấn đề xã hội như: môi trường, giao thông, an toàn xã hội… giúp HS có ý thức hành động vì cộng đồng; tập dượt cho học sinh tham gia giải quyết những vấn đề xã hội; phát triển ở học sinh một số kĩ năng cần thiết như kĩ năng hợp tác, kĩ năng thu thập thông tin, kĩ năng đánh giá và kĩ năng ra quyết định.

Mỗi chiến dịch nên mang một chủ đề để định hướng cho các hoạt động như:

- Chiến dịch giờ trái đất,

- Chiến dịch làm sạch môi trường xung quanh trường học,

- Chiến dịch ứng phó với biến đổi khí hậu,

- Chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng ngập mặn,

- Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,

- Chiến dịch tình nguyện hè,

- Chiến dịch ngày thứ 7 tình nguyện,

- Chiến dịch về trật tự xã hội,

- Chiến dịch khắc phục các định kiến.

Đối với hoạt động giao lưu

Giao lưu giúp các em hoàn thiện mình hơn

Tiến sỹ Dung cho biết: Đây một hình thức tổ chức giáo dục nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để cho học sinh được tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi thông tin với những nhân vật điển hình trong các lĩnh vực hoạt động nào đó.

Qua đó, giúp cho các em có được những nhận thức, tình cảm và thái độ phù hợp, có được những lời khuyên đúng đắn để vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.

Hoạt động giao lưu có một số đặc trưng sau đây:

- Phải có đối tượng giao lưu. Đối tượng giao lưu là những người điển hình có những thành tích xuất sắc, thành đạt trong các lĩnh vực nào đó, thực sự là tấm gương sáng để HS noi theo, phù hợp với nhu cầu hứng thú của học sinh.

- Thu hút sự tham gia đông đảo và tự nguyện của học sinh, được học sinh quan tâm và hào hứng.

- Phải có sự trao đổi thông tin, tình cảm hết sức trung thực, chân thành và sôi nổi giữa học sinh với người được giao lưu. Những vấn đề trao đổi phải thiết thực, liên quan đến lợi ích và hứng thú của học sinh, đáp ứng nhu cầu của các em.

Với những đặc trưng trên, hoạt động giao lưu rất phù hợp với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chủ đề. Nó có thể dễ dàng được tổ chức trong mọi điều kiện của lớp, của trường.

Hoạt động giao lưu ở trường phổ thông có thể hướng vào các mục đích giáo dục sau:

- Tạo điều kiện để học sinh thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, được tiếp xúc trò chuyện trực tiếp với những người mà mình yêu thích, ngưỡng mộ và kỳ vọng; được bày tỏ tình cảm, tiếp nhận thông tin và được học hỏi kinh nghiệm để nâng cao vốn sống và định hướng giá trị phù hợp.

- Giao lưu giúp cho học sinh hiểu đúng đắn hơn về các đặc trưng cơ bản của các loại hình lao động nghề nghiệp, những phẩm chất và năng lực cao quý của những con người thành đạt trong các lĩnh vực nào đó cũng như con đường đi đến thành công của họ. Từ đó, giúp học sinh có được sự nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện.

- Giao lưu cũng tạo điều kiện để học sinh thiết lập và mở rộng mối quan hệ xã hội, giúp HS gần gũi nhau, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ và cảm thông, hình thành những tình cảm lành mạnh.

Đối với hoạt động nhân đạo

Hoạt động nhân đạo giúp các em phát triển tình cảm xã hội

Hoạt động nhân đạo giúp các em học sinh được chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm và giá trị vật chất của mình với những thành viên trong cộng đồng, giúp các em biết quan tâm hơn đến những người xung quanh từ đó giáo dục các giá trị cho học sinh như: tiết kiệm, tôn trọng, chia sẻ, cảm thông, yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc…

“Đây là hoạt động tác động đến trái tim, tình cảm, sự đồng cảm, thấu cảm của học sinh trước những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thông qua hoạt động nhân đạo học sinh biết thêm những hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, người nhiễm chất độc da cảm, trẻ em mồ côi, người tàn tật, khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những đối tượng dễ bị tổn thương trong cuộc sống,… để kịp thời giúp đỡ, giúp họ từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng” – TS Dung trao đổi.

Hoạt động nhân đạo trong trường phổ thông được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như:

- Xây dựng quỹ ủng hộ các bạn thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn,

- Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam,

- Quyên góp cho trẻ em mổ tim trong chương trình “Trái tim cho em”,

- Quyên góp đồ dùng học tập cho các bạn học sinh vùng cao,

- Tổ chức trung thu cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa,

- Gây quỹ ủng hộ người tàn tật, khuyết tật,

- Quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bão, lũ,

Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi nhà trường mà tổ chức hoạt động nhân đạo phù hợp, hiệu quả và có tính giáo dục cao cho học sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/to-chuc-hoat-dong-trai-nghiem-sang-tao-voi-3-hinh-thuc-sinh-dong-hap-dan-1418841-v.html