Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng

Sinh viên tình nguyện TP Hồ Chí Minh giao lưu với các trẻ em khuyết tật.

Chú trọng những nội dung mới

Ban Bí thư T.Ư Đoàn tích cực tham mưu với Đảng và Nhà nước xây dựng các văn bản, chính sách trong lĩnh vực chăm sóc và giáo dục thiếu nhi; phối hợp vận động, xã hội hóa nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Dành thời lượng thích đáng trong Tháng Thanh niên, Mùa hè thanh niên tình nguyện đầu tư, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Các ban, đơn vị của T.Ư Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ thường xuyên hướng dẫn, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động vui chơi giải trí các đối tượng thiếu nhi đặc thù, có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số. Hội đồng đội T.Ư - đơn vị thường trực triển khai Nghị quyết thường xuyên tổ chức hội nghị tổng kết, hội nghị giao ban Chủ tịch Hội đồng đội cấp tỉnh, Giám đốc Cung, Nhà thiếu nhi, trên cả nước để phân tích, đánh giá kết quả việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Thường xuyên theo dõi, cập nhật quá trình phát triển của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, các điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi do Đoàn, Đội quản lý. Các tỉnh đoàn, thành đoàn đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, dành quỹ đất; xây dựng chương trình hoạt động với các cấp, ngành liên quan, tạo cơ chế, nguồn lực tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi.

Bên cạnh các hình thức vui chơi, giải trí mang tính "truyền thống, thường xuyên", các hình thức vui chơi gắn với học tập, rèn luyện kỹ năng được đẩy mạnh. Các cấp bộ Đoàn đã chú trọng hướng dẫn cho các em thiếu nhi, học sinh tham gia các trò chơi dân gian trong các giờ ra chơi, trong sinh hoạt Đoàn, Đội, các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường, tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh. Nhiều đơn vị đã tích cực nghiên cứu, vận dụng nhiều nội dung, hình thức vui chơi mới, có tính sáng tạo cho thiếu nhi như tổ chức các cuộc thi "Sáng tạo cho thanh thiếu niên, nhi đồng", "Hội chợ thiếu nhi", "Sáng tạo với đồ chơi TOSY", hội thi "Búp măng xinh"..., qua đó khơi dậy khả năng tư duy, rèn luyện sự khéo léo, sáng tạo của thiếu nhi.

Hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư từng bước được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Trong dịp hè, các cơ sở Đoàn đã phối hợp nhà trường tổ chức bàn giao đội viên về sinh hoạt tại địa bàn dân cư, tổ chức các chương trình sinh hoạt hè vui tươi bổ ích; tăng cường hoạt động của lực lượng tình nguyện viên trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi tại cộng đồng. Hằng năm, nhiều tỉnh, thành phố đều tổ chức tập huấn hè cho đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi trên địa bàn dân cư với nhiều nội dung phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi. Hầu hết các cơ sở Đội trong cả nước đồng loạt tổ chức "Đêm hội Trăng rằm" với nhiều nội dung: thi làm đồ chơi, rước đèn ngắm trăng, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian...

Hiện nay, mô hình "Học kỳ quân đội" được hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi trên toàn quốc tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các em thiếu nhi, bước đầu được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh mô hình "Học kỳ quân đội", nhiều sân chơi, mô hình giáo dục kỹ năng mới cho thiếu nhi tiếp tục được các cấp bộ Đoàn triển khai nhân rộng như "Học từ thiên nhiên", "Học từ làng nghề", "Học từ dân gian", "Kỳ học màu xanh", "Học làm người có ích"... góp phần tạo ra môi trường giáo dục toàn diện cho thiếu nhi. Hoạt động khuyến khích đọc, sáng tác văn học trong thiếu nhi được đẩy mạnh. Các hoạt động bồi dưỡng tâm hồn, phát triển năng khiếu cho các em như "Trại hè xanh", "Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò"... được các cấp bộ Đoàn phối hợp Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức vào dịp hè dành cho các em.

Khắc phục khó khăn, hạn chế

Trong thực tế, việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu niên nhi đồng, nhất là ở các khu dân cư, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã, huyện nghèo còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều nơi trẻ em chưa có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh, từ đó đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của các em thiếu nhi. Đã có không ít thiếu nhi gặp tai nạn thương tâm do không có sân chơi, thiếu sự quan tâm của người lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó, theo T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhận thức về công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi và xây dựng Đội của cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở một số địa phương còn chưa đúng mức, dẫn tới công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền, các ngành tạo cơ chế, nguồn lực phục vụ cho hoạt động thiếu nhi còn hạn chế. Nhiều cơ sở chưa sâu sát trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc dành quỹ đất, cơ sở vật chất đầu tư các điểm vui chơi cho thiếu nhi. Có một số nơi, diện tích đất vốn dành xây dựng sân chơi cho thiếu nhi nhưng đã bị sử dụng vào những mục đích khác, nhất là kinh doanh, thương mại...

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp bộ Đoàn, nhất là cấp cơ sở về việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi có nơi còn mang tính hình thức, thụ động, thiếu tính sáng tạo, không cụ thể hóa được các chủ trương lớn của T.Ư tới cơ sở. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Đoàn làm công tác thiếu nhi luân chuyển nhanh; có nơi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thiếu nhi yếu, thiếu về số lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung, phương thức hoạt động thiếu nhi chậm đổi mới, chưa phù hợp từng đối tượng thiếu nhi.

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi chưa được quan tâm, chú trọng là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự chênh lệch về mức sống, thu nhập giữa thành thị và nông thôn... Đáng chú ý là một số trò chơi điện tử kích động bạo lực, "in-tơ-nét đen" cùng các tệ nạn xã hội gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống của thiếu nhi.

Một số cấp ủy Đảng, nhất là cơ sở chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi; coi công tác thiếu nhi là nhiệm vụ của chỉ riêng Đoàn Thanh niên. Nhận thức của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi ở một số địa phương còn hạn chế dẫn tới cơ chế phối hợp giữa các ngành thiếu đồng bộ. Các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội chưa thật sự quan tâm hỗ trợ tổ chức đoàn, hội, các địa phương xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các khu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi. Nhiều đơn vị "lực bất tòng tâm" trong vấn đề này do thiếu nguồn lực, thiếu quỹ đất...

Ngoài ra, thiếu nhi chịu sức ép lớn về thời gian học văn hóa trong nhà trường; trong khi nhận thức của một bộ phận phụ huynh coi trọng việc học tập văn hóa là chủ yếu, chưa tạo điều kiện để con em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Các điều kiện như điểm vui chơi, Nhà thiếu nhi, các điểm vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi còn nhiều bất cập.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/t-ch-c-cac-ho-t-ng-vui-ch-i-gi-i-tri-cho-thi-u-nien-nhi-ng-1.362386