Tình người vùng tuyết tan

Người Nhật hỏi VN có tuyết không, mọi người trả lời không có, vậy nên họ đều nghĩ VN không lạnh bằng Nhật Bản. Thật ra cái lạnh ở VN thấu xương và tê tái, nhất là khi không có quần áo.

Niềm vui của người dân bản sâu thuộc xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La khi được nhận quần áo -ảnh XUÂN TRƯỜNG

Có sống ở vùng tuyết tan thì mới thấu được những chiếc áo ấm với người già và trẻ nhỏ nơi đây quý giá như thế nào. Cuộc sống cùng cực đến mức mà nhiều gia đình không mua nỗi cho con một chiếc áo đủ ấm để mặc.

Sự chia sẻ của người không quen biết

Mặc dù phải đi làm cả ngày nhưng 0g30 giờ VN, 2g30 theo giờ Yokohama (Nhật Bản) - Quỳnh (22 tuổi, quê Hưng Yên - một du nghiệp sinh tại Nhật) vẫn lướt web kêu gọi bạn bè người Việt, người Nhật quyên góp những quần áo cũ để nhờ người đưa về VN. Quỳnh chia sẻ: “Chúng ta may mắn hơn những đứa trẻ ở vùng cao biết chừng nào khi ở phòng có điều hòa, cơm ấm dạ, áo quần đẹp . Mong mọi người hãy san sẻ chút nho nhỏ tấm lòng của mình cho trẻ nhỏ vùng cao”.

Sống tại Q. Đống Đa, Hà Nội với công việc chính là bán hàng online (trên mạng) nhưng Dung (26 tuổi) thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình mưa tuyết đưa lên trang cá nhân facebook để huy động được quần áo và đồ dùng thiết yếu cho vùng bà con vùng cao.

Dung chia sẻ khi có tuyết dường như ai cũng thích chụp ảnh vì ở VN chuyện tuyết rơi là rất hiếm nhưng rồi nhìn thấy ảnh tuyết kèm theo các bé không quần áo ấm, người nông dân có tài sản là con trâu cũng bị chết rét. Là con nhà nông nên hiểu những cái khổ cực mất mát, tài sản khi chìm trong mưa tuyết. Theo kế hoạch của Dung thì chỉ mấy ngày nữa các em nhỏ ở nhiều bản của xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải - nơi có tuyết rơi nhiều ở Yên Bái sẽ được nhận quà.

Thường xuyên đi công tác ở các bản làng nằm sâu trong các dãy núi đá, bìa rừng phần nào cũng hiểu được những thiếu thốn của dân bản. Đặc biệt lượng tuyết rơi trên diện rộng nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Trường (hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) bảo rằng quần áo, mũ, vớ, ủng rất cần thiết với trẻ nhỏ vùng cao lúc này.

Vậy là anh đã kêu gọi thành viên trong hội và các tổ chức, cá nhân khác mua được trên 600 phần quà để trao cho trẻ nhỏ các bản ở xã Trung Trinh và Tà Xùa thuộc huyện Bắc Yên, Sơn La.

“Xem qua hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng khi tuyết rơi cũng bình thường lúc lên tới nơi thì khung cảnh khủng khiếp, tan hoang hoa nhiều vì đến cả cây to cao cả chục mét cũng bị đổ gãy. Người già, trẻ nhỏ nhao nhác bởi cái lạnh bủa vây khi không có quần áo mặc” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Trường kể.

Anh chia sẻ tiếp chỉ trong ba, bốn xã của huyện Bắc Yên trâu bò đã chết nhiều lắm rồi. Chè là cây chủ lực, nguồn thu chính cũng bị tuyết vùi lấp khu vực nào ít tuyết hơn lá và thân cũng đang cháy xém. “Không biết rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao khi tuyết tan hết” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Trường buồn rầu nói. Đây chỉ là số ít những người mà chúng tôi nhắc đến đang hướng về vùng tuyết tan...

Ấm lòng

Địa điểm mà nhóm của chị Linh (sống tại TP. Yên Bái, Yên Bái)hướng tới để trao 264 chiếc áo ấm là trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Chị Linh kể: “Khi đến điểm trường vẫn còn trong sương mờ, học sinh đã xếp hàng ngồi ngay ngắn chờ đoàn. Xúc động nhất là khi được nhận áo có nhiều em cười tươi bảo sướng quá vì từ hôm tuyết tới giờ không có áo thay phải chịu lạnh”.

Đã lên tận nơi để trao quà nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Trường nói vẫn còn nuối tiếc vì có bản người dân bị tuyết phủ nhiều hơn chưa thể vào được mà phải nhờ chính quyền địa phương trao quà giúp vì đường trơn trợt do băng giá.

“Đến nhà dân thấy nhiều cháu nhỏ đứng ở góc nhà run lẩy bẩy khi được nhận quà đứa nào cũng vui làm anh em trong đoàn mừng lây. Bà con dân tộc không nói được tiếng phổ thông mà chỉ dùng tiếng bản địa để giao tiếp đã cảm ơn anh em không quản đường xa đến chia sẻ cùng họ” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Trường tâm sự.

Những phần quà gồm áo, ủng, mũ len từ sự đóng góp của các chiến sĩ, cán bộ đang công tác tại huyện đảo Trường Sa cũng hướng về miền tuyết. Thầy Tô Văn Lực - hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở Hồng An (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) nói trong vui mừng: “Tôi cùng mấy anh em đang đưa 233 xuất quà của các chiến sĩ công tác tại Trường Sa đến với học sinh. Dự kiến đã đến nơi rồi nhưng đường xá đi lại khó khăn do tuyết chưa tan hết. Nhận được quà không chỉ học sinh mà thầy cô giáo ai cũng vui vì trẻ ở đây từ sách vở đến quần áo đều thiếu...”.

“Các chiến sĩ đang bám biển bảo vệ biên cương tổ quốc cũng còn thiếu thốn nhiều nhưng đã dành những ngày lương của mình để động viên bà con. Biết rằng thiệt hại về mưa tuyết là rất lớn vì không chỉ những ngày này mà thời gian tới cái ăn cái mặc sẽ không đủ được nhưng nó cũng phần nào làm ấm lòng học sinh, dân bản...” - thầy Lực xúc động nói.

Các bạn trẻ đang theo học, làm việc tại Nhật Bản gấp quần áo được gom từ người Việt và người Nhật để đưa về vùng tuyết tan -ảnh PHƯƠNG QUỲNH NGUYỄN

Các bạn trẻ đang theo học, làm việc tại Nhật Bản gấp quần áo được gom từ người Việt và người Nhật để đưa về vùng tuyết tan -ảnh PHƯƠNG QUỲNH NGUYỄN

Đoàn tình nguyện đưa áo ấm tới trường mầm non Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) -ảnh LINH VŨ

Đoàn tình nguyện vượt qua băng tuyết đưa quần áo vào cho trẻ em ở bản sâu thuộc xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La -ảnh XUÂN TRƯỜNG

Facebook "nóng" lời kêu gọi

Một thành viên Facebook có tên Hoàng Trung Hùng chia sẻ: “Mọi người ơi chung tay quyên góp quần áo cũ cho trẻ em vùng cao đi. Mấy ngày nay mưa và băng tuyết đang còn nhiều. Hai ngày nữa mình sẽ lên thôi có người già chết vì lạnh rồi...”.

Một bạn trẻ khác bày tỏ: “Với thời tiết lạnh thế này mặc quần áo ấm nằm trong chăn mà vẫn còn thấy lạnh run người. Ấy vậy mà xung quanh chúng ta còn những trẻ nhỏ không có áo ấm chống lại mùa đông giá rét. Nhìn lũ trẻ mà cảm động muốn rơi nước mắt”.

QUANG THẾ

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160204/tinh-nguoi-vung-tuyet-tan/1049461.html