Tình mẹ trong tim hai người tù được thoát án oan

Bậc làm con đã chẳng thể đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha mà còn để mẹ phải bận tâm đến cuối đời, tôi luôn thấy ray rứt...

Họ “nổi tiếng” khắp thế giới khi thoát án oan sai, về với đời thường. Đằng đẵng hàng chục năm trời gánh chịu trong nỗi đau thể xác, tinh thần hay niềm vui ngày được minh oan, câu cửa miệng của oan tù Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn đều bật lên hai tiếng “Mẹ ơi…”

“Mẹ ơi, Con về rồi đây!”

Ông Huỳnh Văn Nén - người đàn ông được mệnh danh là “người tù thế kỷ” khi có lúc mang trên mình hai án oan sai – đã không cầm được nước mắt khi chúng tôi hỏi về mẹ của ông.

Ông kể: “Ngày cầm quyết định đình chỉ điều tra trên tay, tôi đã khóc vì sung sướng khi sau gần 18 năm, cuối cùng tôi cũng được trả lại 2 chữ tự do. Tôi khóc vì thương cha mẹ già, thương vợ, thương con suốt bao năm qua đã vất vả, gánh chịu bao tủi nhục vì tôi. Và khóc cho cả niềm vui ấy không thực sự trọn vẹn khi mẹ tôi đã ra đi trước đó 1 năm”.

Thoáng trầm ngâm vương trên nét mặt, ông lạc giọng: "Ước gì người ta nghe mình sớm hơn thì tôi đã được gặp mẹ lần cuối. Mẹ mất một năm rồi mà tôi không hề hay biết. Đến lúc được tại ngoại cũng không được đi khỏi nơi cư trú.

Giờ tôi chỉ muốn về Cà Mau để được bên mẹ, thắp cho bà nén nhang và nói với bà rằng: "Mẹ ơi, con tự do rồi". Cách đây 1 năm rưỡi, mẹ ông - cụ Đặng Thị Hường đã qua đời do tuổi cao, sức yếu kèm theo những u uất, đau đớn do gánh nặng án oan mà đứa con trai Huỳnh Văn Nén phải gánh chịu.

Mẹ mất ông cũng chẳng được biết tin do người nhà lo ông không kiềm chế được cảm xúc sẽ có những hành động thiếu suy nghĩ trong tù.

“Trước kia cứ vài ba tháng mẹ lại vào thăm tôi, gửi cho tôi ít quà bánh. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây chẳng thấy bà đến, tôi gặng hỏi thì mọi người chỉ nói do bà tuổi cao sức yếu không đi lại được. Tôi buồn nhưng vô cùng thương mẹ đành nuốt nước mắt vào trong. Đến tận ngày được ra tù tôi mới hay tin mẹ đã qua đời”.

Đến đây, giọng ông như nghẹn lại, người đối diện nghe rõ cả tiếng nấc cụt khi ông cố ngăn sự xúc động mạnh đang dâng trào. Và bất chợt, chúng tôi chứng kiến ông rơi lệ.

Ông Nén cùng người cha già.

Ông Nén cùng người cha già.

Cụ Truyện (cha của ông Nén) năm nay đã 91 tuổi, khi nghe con kể về người vợ bao năm vất vả của mình cũng không giấu được xúc động.

Cúi lạy Mẹ con nợ một lời xin lỗi

Suốt gần 18 năm qua, người mẹ ấy vẫn mang một hy vọng rằng con mình sẽ được minh oan, trở về với gia đình. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ vẫn luôn cùng chồng chạy vạy khắp mọi nơi để kêu oan cho con.

Bao nhiêu của cải trong nhà, cụ mang cầm cố hết. Thậm chí chiếc nhẫn ngày cưới cụ Truyện tặng và vài chỉ vàng tích cóp bao năm, cụ cũng bán sạch để làm lộ phí đi kêu oan với hy vọng tìm lại công lý cho con.

Ngày vui ấy cuối cùng cũng đã đến nhưng cụ lại chẳng thể tận mắt chứng kiến. Trở về với cuộc sống tự do, bên gia đình, bên những yêu thương dù muộn màng nhưng ông Nén bảo vẫn cảm thấy mình may mắn.

Ôm người vợ bao năm chờ chồng, ông nở nụ cười có lẽ là duy nhất trong buổi trò chuyện với chúng tôi, tâm sự:

"Hai vợ chồng định ngày dọn dẹp nhà cửa vì cũng sắp Tết rồi. Cúng tiên tổ, thắp nén hương mong mẹ phù hộ cho gia đình bình an. Tôi sẽ sống quãng đời còn lại của mình thật xứng đáng với công lao của cha mẹ và những người đã giúp tôi tìm lại công lý…”.

Những ngày nước mắt chan cơm...

Từ miền Trung, ngược ra phương Bắc, chúng tôi tìm về thôn Me đến với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn. Dù là lần thứ hai được đón tết ở nhà sau 10 năm thụ án oan sai nhưng có lẽ đây là cái tết vui nhất bởi tiền đền bù oan sai ông đã nhận đủ.

Đứa con gái xa quê đi xuất khẩu lao động để lấy tiền giúp mẹ kêu oan cho bố cũng đã về. Đặc biệt, người mẹ tần tảo, người cáng đáng mọi việc gia đình trong khoảng 10 năm qua đang khỏe mạnh trở lại.

Hai mẹ con ông Nguyễn Thanh Chấn.

Cụ Phạm Thị Vì năm nay 75 tuổi, “làm chủ” một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay đầu chợ ở cổng vào thôn Me. Gương mặt hồng hào, mái tóc còn khá đen, cụ trông trẻ hơn so với tuổi.

Nhìn cụ, có lẽ không ai nghĩ người đàn bà này đã từng có 10 năm sống trong nước mắt, khổ đau… Nhắc lại những ngày tháng đen tối ấy, cụ Vì chỉ nhớ mình đã khóc hết nước mắt và nhớ đến tình nghĩa của bà con láng giềng.

“Nó bị bắt đi vào tháng 9 âm, chỉ vài tháng sau là tết. Nhà như có đám, không ai nghĩ đến việc tết nhất. Sát Tết, hàng xóm sang gói bánh giúp, rồi bắc bếp, đặt nồi. Bánh chín cũng chẳng ai có tâm trạng để vớt, dân làng lại sang làm hộ. Nhưng năm ấy bao nhiêu bánh đều để thiu rồi đổ, không ai lòng dạ nào mà nuốt trôi. Cứ đưa lên miệng, nước mắt lại trào ra”.

Năm 2009, cụ Vì vào Nghệ An đưa hài cốt của chồng (là liệt sĩ) về quê. Trên đường đi cụ rơi nước mắt. Mừng với ngày đưa được chồng về bao nhiêu, cụ lại rầu lòng khi nghĩ đến con trai bấy nhiêu.

Tết năm ấy vui hơn. Đại gia đình thuê một chuyến xe lên thăm ông Chấn. Bánh chưng, thịt lợt, giò chả mang đi nhiều không kể xiết. Gặp con trai, mừng mừng tủi tủi.

Trong trào dâng nước mắt, cụ bảo đã toại nguyện một nửa khi đưa được cụ ông về với đất mẹ, chỉ còn chờ ngày con trai được minh oan thì nhắm mắt xuôi tay cụ cũng an lòng.

Hình mẹ luôn ở trong tim

Thế mà đại gia đình ấy đã vững tin, chờ đợi trong 10 năm ròng. Cái tết đầu tiên được đón con trở về, cụ Vì hân hoan như một đứa trẻ.

Ông Chấn về, nhìn người mẹ héo hon đi lại xăng xái làm mọi việc chuẩn bị tết nhất thì chỉ biết đứng khóc. Ông khóc cho bao nhiêu năm đã qua đi.

Ông khóc vì mẹ ông già quá, kể từ ngày ông bị bắt oan. Muốn cùng mẹ làm mọi việc nhưng việc gì ông cũng thấy lóng ngóng. Năm nay, tết đoàn viên đầy đủ nhất kể từ thời khắc định mệnh cách đây hơn chục năm…

Những oan khuất của hai người đàn ông đã lùi xa dù chưa lâu. Trong niềm vui có được, họ không quên ơn những người đã đồng hành cùng gia đình trên con đường đi tìm công lý. Nhưng tận thẳm sâu trong hai người đàn ông này vẫn đau đáu hình bóng người mẹ già kính thương như một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng: “Mẹ ơi…!

P.V

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tinh-me-trong-tim-hai-nguoi-tu-duoc-thoat-an-oan-d5842.html