Tính lương hưu đối với sĩ quan chuyển ngành

Ông Nguyễn Bá Lâm (nguyenbalam@....) đề nghị giải đáp về việc tính hưởng lương hưu đối với trường hợp của bố ông, là sĩ quan chuyển ngành về làm việc tại cơ quan Nhà nước rồi nghỉ hưu.

Bố ông Lâm có thời gian 10 năm 2 tháng công tác và tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong quân đội (từ ngày 16/5/1971 đến ngày 29/6/1981). Từ tháng 8/1976 đến hết tháng 6/1981 bố ông Lâm hưởng lương quân hàm thiếu úy (hệ số lương 4,2), sau đó bố ông chuyển ngành về làm việc tại một cơ quan Nhà nước tại Hà Nội.

Đến ngày 1/3/2012 thì bố ông Lâm đủ tuổi nghỉ hưu với hệ số lương tại thời điểm nghỉ hưu là 3,98. Tính đến thời điểm nghỉ hưu bố ông Lâm đã tham gia đóng BHXH liên tục 40 năm 10 tháng (bao gồm cả thời gian tham gia đóng BHXH trong quân đội).

Ông Lâm được biết có quy định nêu trường hợp bố ông có thể được hưởng hệ số 4,2 để tính chế độ hưu trí (vì hệ số tại thời điểm hiện tại thấp hơn hệ số lương khi còn là sĩ quan). Nhưng cơ quan BHXH căn cứ hệ số lương tại thời điểm nghỉ hưu là 3,98 để tính chế độ hưu trí cho bố ông với lý do thời gian hưởng hệ số lương 4,2 của bố ông là 59 tháng, chưa đủ 5 năm.

Ông Lâm hỏi, cơ quan BHXH áp dụng hệ số lương 3,98 cho bố ông như trên có đúng quy định không? Nếu chưa đúng, bố ông phải làm thế nào để được hưởng lương hưu đúng quy định?

Vấn đề ông Lâm hỏi, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ, được hướng dẫn tại khoản 8 Mục IV Thông tư Liên tịch số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 của Liên Bộ Quốc phòng – Bộ Công an – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển sang ngạch công chức, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hoặc chuyển ngành đi học, hoặc chuyển ngành sang doanh nghiệp Nhà nước rồi mới nghỉ hưu, thì cách tính lương hưu thực hiện như sau:

Được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề đã hưởng chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và được lấy mức lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành rồi mới nghỉ hưu, mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính theo cách tính nêu trên thấp hơn mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tại thời điểm chuyển ngành, thì được lấy tiền lương tháng đóng BHXH tại thời điểm chuyển ngành chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và được lấy mức lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Về thắc mắc của ông Nguyễn Bá Lâm: Nếu bố ông Lâm có quá trình công tác, tham gia đóng BHXH; có quyết định chuyển ngành từ quân đội sang cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thể hiện cấp bậc quân hàm, mức lương tại thời điểm chuyển ngành; trên sổ BHXH ghi nhận lại quá trình công tác, tham gia đóng BHXH đúng như ông Lâm đã trình bày, thì việc tính lương hưu đối với bố ông Lâm được áp dụng quy định tại khoản 7, Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 8, Mục IV Thông tư Liên tịch số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH nêu trên.

Theo đó, trường hợp bố ông Lâm là sĩ quan Quân đội đã chuyển ngành sang cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước rồi sau đó mới nghỉ hưu, khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu (tháng 3/2012), cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan trước khi chuyển ngành, mà thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương bình quân của sĩ quan tại thời điểm chuyển ngành (tháng 7/1981) thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở để tính lương hưu.

Nếu cách tính lương hưu của bố ông Lâm không được thực hiện đúng các quy định nêu trên, bố ông Lâm có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan BHXH, yêu cầu được tính lại lương hưu đúng với quy định.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về BHXH là người có quyết định về BHXH bị khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

>> Xếp lương đối với sĩ quan chuyển ngành

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tinh-luong-huu-doi-voi-si-quan-chuyen-nganh/20126/141740.vgp