Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 (P1)

Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm nên cần có sự phân tích, đánh giá khách quan một cách có đầy đủ, đúng mức những căn cứ khoa học và thực tiễn. Thế nhưng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội (và cả báo cáo tài chính) của Chính phủ đã bị trói buộc trong khuôn mẫu của các báo cáo truyền thống, áp dụng từ hàng chục năm nay nên, trong chừng mực nhất định, không nêu bật được những tồn tại yếu kém, những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau những thành tựu đã đạt được. Vì giới hạn trong một bài góp ý ngắn gọn, xin được đề cập đến nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực tài chính Việt nam. Đây là một lĩnh vực mà nhiều chuyên gia rất quan tâm và tỏ thái độ lo lắng và bất bình vì các số liệu chính thức mà Chính phủ cung cấp (chủ yếu là các con số về các loại nợ) không nhất quán với việc khảo sát, đánh giá thực trạng của các chuyên gia và với số liệu của các tổ chức tài chính nước ngoài. Chính vì thế nên không thể xác định được giải pháp có hiệu lực và hiệu quả để loại bỏ nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn (và cả nguy cơ công khai) trong lĩnh vực tài chính.

1 – Trong đời sống kinh tế, để đáp ứng nhu cầu tái sản xuất mở rộng (thể hiện trong chỉ tiêu GDP) thì cần có vốn bổ sung. Một nguồn vốn bổ xung đó được rót vào qua hệ thống tín dụng. Để bảo đảm sự phát triển ổn định của hệ thống tín dụng này thì người đi vay phải bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả để vừa trả nợ gốc và lãi, vừa có lợi nhuận để tích tụ vốn của mình. Nếu không đảm bảo yêu cầu sử dụng vốn tín dụng một cách có hiệu quả thì sẽ dẫn đến việc xuất hiện tình trạng nợ xấu. Người đi vay có thể là cá nhân người dân có nhu cầu vay để trang trỉ nhu cầu của đời sống, là các chủ đầu tư thuộc các thành phần kinh tế và cũng còn là Nhà nước (Chính phủ). Về phía NHTM, người cấp tin dụng, thì cũng phải phân tích, đánh giá người đi vay có khả năng sử dụng nguồn vốn tín dụng đó một cách có hiệu quả không để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cấp phát. Nếu cứ cho vay mà không xác định chuẩn xác khả năng trả nợ thì cũng dẫn đến việc phát sinh nợ xấu.

2 – Diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bùng nổ vào năm 2008 cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình hình đó là từ nợ xấu của người dân, vay có thế chấp để mau hàng tiêu dùng. Việc cấp vốn tín dụng theo chiều hướng này là để kích cầu có khả năng thanh toán của người dân để tiêu thụ được khối lượng lớn hàng hóa được sản xuất ra. Vào những năm tiếp sau, bung nổ vấn đề nợ công của các nước trong vùng euro zone và mới đây là vấn đề nợ của Chính phủ Mỹ. Có thể nói là các nước đều có nợ công nhưng có sự khác biệt giữa nợ công của các nước nói chung với nợ công của các nước trong euro zone và của nước mỹ. Nợ công của các nước euro zone là nợ xấu mà các Chính phủ đó không có khả năng thanh toán. Còn nợ công của Chính phủ Mỹ chưa đượi gọi là nợ xấu mà là khoản nợ đã kích mức trần nợ mà Quốc hội cho phép nên nếu Chính phủ Mỹ không được tiếp tục vay nợ thì phải đình chỉ nhiều khoản chi tiêu của Chính phủ dẫn đến tình trạng phải tạm thời ngừng hoạt động (ở mức độ nhất định) của một số cơ quan vì không có tiền trả lương cho công chức.

Thực trạng đó cho thấy là vấn đề nợ nói chung, nợ xấu và nợ công nói riêng là những vấn đề nhạy cảm của nền kinh tế. Do không xử lý đúng mức nên đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, đến các cuộc khủng hoảng xã hội ở mức độ nghiêm trọng khác nhay (như trong việc đấu tranh chống chính sách thắt lưng buộc bụng của các nước trong vùng euro zone, như tình hình nước mỹ trong tháng vừa qua, …).

3 – Chính vì thế nên khi xem xét, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của nước ta, đặc biệt là tình hình năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, cần có sự phân tích làm rõ thực trạng của nợ nói chung, nợ xấu và nợ công nói riêng của nước ta hiện như thế nào để có giải pháp khắc phục một cách có hiệu lực và có hiệu quả thiết thực.
Vấn đề nợ nói chung và nợ công của Chính phủ nước ta nói riêng có một số đặc điểm khác với tình hình của các nước. Chủ yếu là Ngân sách của VN vừa được sử dụng để đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên (tương tự như các nước khác) nhưng lại còn phải dùng chi đầu tư vào các DN (trong đó có DNNN và một số DN thuộc thành phần kinh tế khác) và đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc Hội, Chính phủ, UBND cấp tỉnh thành trực thuộc TƯ, theo sự phân cấp hiện hành.

Thế nhưng việc sử dụng vốn đầu tư nói riêng của Chính phủ lại được thực hiện trong điều kiện hiệu quả ngày càng giảm sút, thể hiện ở việc hệ số ICOR không những cao hơn các nước trong khu vực mà, qua các năm, còn liên tục tăng cao hơn. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xuất hiện nợ xấu.

(Còn tiếp)

N. Lang

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/tiengnoitrithuc/26471/tinh-hinh-kinh-te--xa-hoi-nam-2013-p1.html