Tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn...

Ủy ban Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thứ 21 cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015. Tại phiên họp một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban đặc biệt quan tâm là năm 2015, mặc dù Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, nhưng số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý lại giảm.

Xử lý tham nhũng không thể theo kiểu “đánh bùn sang ao”

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, “công tác PCTN đã đạt được kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng với thực tế. Đa số các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả không rõ nét hoặc còn hình thức, nhất là các biện pháp để bảo đảm kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi vị trí công tác. Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập còn rộng, thiếu tập trung vào các đối tượng có nguy cơ tham nhũng. Nhiều năm liền Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị cần có giải pháp phù hợp nhưng mới chỉ dừng lại là thay thế hình thức trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản”.

Quan tâm việc phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan chuyên trách tham nhũng giảm, đặc biệt năm nay giảm sâu về số vụ (gần 30%), Ủy viên Ủy ban Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: Phải chăng do các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa, phổ biến giáo dục pháp luật đã phát huy hiệu quả? Hay do chúng ta gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN? Hay là có sự chi phối trong điều tra, phát hiện, xử lý tham nhũng? Ông Đương cũng tỏ ra băn khoăn về việc tại sao cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách ở cấp tỉnh, huyện lại phát hiện rất ít các vụ án tham nhũng và cho biết dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không việc chính quyền địa phương “xin” chỉ xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến bỏ lọt tội phạm?. “Trong trường hợp các cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi tài sản nhưng không thực hiện được thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu? Năm qua, mới xử lý hình sự 3 người đứng đầu là chưa phản ánh đúng tình hình, là xử lý theo kiểu “đánh bùn sang ao” – ông Đương nói.

Dẫn thông tin báo cáo Chính phủ nêu: Việc xem xét xử lý hành vi tham nhũng chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đào Thị Xuân Lan đề nghị báo cáo làm rõ chưa nghiêm ở cơ quan nào? Có thống kê được số vụ cụ thể không? Nếu chỉ phản ánh chung chung theo bà Lan sẽ không làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong PCTN. Việc không đưa được con số cụ thể trong xử lý cũng sẽ gây sự lo ngại cho người dân.

Trước băn khoăn của nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định: Việc phát hiện, xử lý tham nhũng giảm trong năm qua là do sự chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cụ thể, công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra quyết liệt hơn, kiểm tra được nhiều đơn vị hơn; kết quả giải quyết tin tố giác tội phạm tham nhũng cao…Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong cũng cho rằng Báo cáo Chính phủ phản ánh tình trạng hối lộ, tham nhũng vặt, kể cả chạy án là có, song đối với thông tin xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực, thì phải làm rõ “nhóm” nào?

Phó Tổng TTCT Trần Đức Lượng: “Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau”. Ảnh: TL

Nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng

Trước đó báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, “tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Dự báo trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng. Những nguy cơ này phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách lớn như: cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý nợ xấu, hoàn thuế giá trị gia tăng... Chưa kể tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”.

Theo Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính chất có tổ chức của vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn, mức độ tham nhũng lớn, một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Trong khi đó công tác PCTN còn nhiều bất cập từ thể chế. Việc rà soát đánh giá sửa đổi bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra tăng hơn so với năm 2014 nhưng còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều có tăng nhưng vẫn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản, tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Để công tác đấu tranh PCTN có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ tiến tới kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách, chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công. Bổ sung đồng bộ những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, sẽ tổng kết và tiến hành sửa đổi toàn diện Luật PCTN, trong đó sẽ tính đến việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN, cũng như đảm bảo tính độc lập tương đối của các cơ quan, đơn vị trên. Tuy nhiên theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, “các giải pháp Chính phủ trình bày chủ yếu là phòng ngừa, nhưng lại thiếu giải pháp “đánh án”, tấn công tham nhũng. Quan trọng là chúng ta có làm thật và làm mạnh hay không mà thôi”.

Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2015 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2015 tới đây.

Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, đã xuất hiện tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát đã giải quyết 34/54 tin tố giác tội phạm tham nhũng (63%). Tổng số án tham nhũng trong hoạt động tư pháp được thụ lý là 12 vụ. Tham nhũng bước vào cơ quan tư pháp cho dù mức độ nhỏ nhưng điều này đã ảnh hưởng đến cán cân công lý. Đặc biệt, những đối tượng này lại là người hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tố tụng, việc điều tra không hề đơn giản,

Phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng trong năm 2015

Theo báo cáo, năm 2015 qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ ( tăng 46 vụ so với cùng kỳ năm 2014), 172 đối tượng (tăng 85 đối tượng so với cùng kỳ năm 2014) có hành vi tham nhũng và liên quan tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 821 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can ( giảm 78 vụ/276 bị can). Đã kết luận điều tra 198 vụ, 489 bị can; đình chỉ điều tra 4 vụ, 2 bị can; hiện đang điều tra 143 vụ, 407 bị can. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 257 vụ, 545 bị cáo về các tội danh tham nhũng (giảm 30 vụ, 130 bị cáo so với năm 2014).
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại khoảng trên 950 tỷ đồng và 9.887m2 đất; đã thu hồi cho Nhà nước trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8%, tăng cao so với các năm trước (năm 2013 là 10%, 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887m2 đất (đạt 29,2%).
Trong năm 2015, đã có 43 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó 3 người bị xử lý hình sự; 34 người bị xử lý kỷ luật với hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 6 người đang xem xét các hình thức xử lý.

T. Hải – M.Quang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/tinh-chat-tham-nhung-ngay-cang-phuc-tap-thu-doan-tinh-vi-hon-98853