Tính cách đáng yêu của loài Khỉ

Loài khỉ có nhiều đặc tính giống loài người, hai chân trước có thể biến thành tay, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác. Loài khỉ có những tính cách rất đáng yêu khiến cho chúng trở thành loài động vật thân thiện nhất.

Kỹ năng bắt chước

Các nhà khoa học chứng minh trong giai đoạn đầu chào đời, những chú khỉ con đã sở hữu một số kỹ năng bắt chước chủ yếu có tính chất tự nhiên của loài khỉ, như bắt chước ở nét mặt.

Bắt chước các biểu lộ trên gương mặt của bố mẹ là yếu tố chính trong việc học tập đối với trẻ sơ sinh chưa có khả năng nhìn hình ảnh của mình trên gương. Khả năng bắt chước này gắn liền với ý chí học tập đã được phát hiện ở loài khỉ lớn như tinh tinh.

Một chú khỉ đang bắc chước con người bắt cá

Một chú khỉ đang bắc chước con người bắt cá

Vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự có mặt của những tế bào thần kinh gương (mirror neurons) ở loài khỉ macaque, chứng tỏ chúng có khả năng cố ý bắt chước. Những tế bào này sáng lên khi con khỉ thực hiện một hành động, cũng như khi nó thấy một con khỉ khác hay một con người thực hiện hành động tương tự.

Chính khả năng bắt chước này mà loài khỉ trở nên ngộ nghĩnh đáng yêu như một đứa trẻ.

Cũng thích “phi công trẻ”

Nghiên cứu trên loài tinh tinh hoang dã cho thấy những con đực thích làm bạn với những con cái lớn tuổi hơn, vì những đứa con của chúng có khả năng thích nghi và tăng cơ hội sống sót cao hơn.

Hóa ra, những con tinh tinh cái rất giống phụ nữ thời hiện đại, chúng nhận biết sự trẻ trung, thông minh của “đối tượng” để kết bạn và... “cưa cẩm” để yêu đương, sinh những đứa con khỏe mạnh.

Khả năng nhận mặt “người quen”

Một số loài khỉ có khả năng quan sát những chi tiết trên một khuôn mặt giúp chúng nhận dạng những người quen, kể cả trên một bức ảnh đã được chỉnh sửa.

Những chú khỉ thân thiện ở rừng Sác - Cần Giờ đang làm quen với tác giả.

Các nhà khoa học biết rằng loài khỉ rhesus macaque có trong vùng vỏ não dưới thái dương những tế bào thần kinh phản ứng khi nhìn thấy một khuôn mặt quen thuộc. Tuy nhiên, họ không hiểu rõ não bộ của chúng xử lý các hình ảnh này như thế nào.

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Max-Planck (Đức) khẳng định họ đã tìm ra lời giải thích. Để đạt được được điều này, David Leopold và các cộng sự đã nghiên cứu hai con khỉ rhesus macaque đực từng được huấn luyện để nhận dạng nhiều khuôn mặt người trên máy tính. Họ đã cho chúng xem một loạt ảnh quen thuộc, nhưng trong đó có một số ảnh đã được sửa chữa.

Kết quả cho thấy những tế bào thần kinh ở vùng vỏ não dưới thái dương của hai con khỉ này đã phản ứng mạnh khi chúng phát hiện những thay đổi nhỏ so với ký ức của chúng. Cũng như người, loài khỉ có thể sử dụng khả năng này để phát hiện trên một khuôn mặt những dấu hiệu cảm xúc.

Các thử nghiệm mới đây được thực hiện ở loài khỉ tại Nhật Bản đã tiết lộ rằng, thậm chí những hình ảnh được đơn giản hóa tối đa (đầu hình tròn với hai tai, hai mắt) cũng đủ gây một phản ứng.

Biết dạy con đánh răng

Học cách làm sạch răng miệng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ và điều tương tự cũng xảy ra trong thế giới của loài khỉ.

Viện Nghiên cứu động vật linh trưởng thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) phát hiện ra rằng, nhiều khỉ cái macaque đuôi dài ở tỉnh Lopburi (Thái Lan) đã dạy con cách làm sạch răng bằng sợi tóc người. Trong cuộc sống hằng ngày, lũ khỉ vẫn dùng tóc người để lấy thức ăn bám trong các kẽ răng, nhưng thời gian làm việc đó sẽ tăng gấp đôi khi chúng đứng trước khỉ con. Điều đó cho thấy những con khỉ mẹ chủ ý dạy con cách vệ sinh răng miệng.

"Buôn dưa lê" giống như người

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện tập tính giao tiếp "đậm chất" con người ở loài khỉ châu Mỹ đáng yêu. Chúng biết giao tiếp, phân chia lượt nói với nhau để tránh chen ngang, cướp lời. Đặc tính này ở loài khỉ Marmoset đậm chất "buôn dưa lê kiểu con người": Thân thiện, hòa đồng và hoạt ngôn.

Khi con khỉ thứ nhất cất tiếng gọi đồng loại, con khỉ khác sẽ đợi khoảng 5 giây rồi mới “trả lời”. Và nếu một con khỉ tăng hoặc giảm tốc độ nói, các con còn lại cũng sẽ tự điều chỉnh để thống nhất trong cuộc trò chuyện. Những phát hiện trên đã khẳng định, tương tự loài người, khỉ tuân thủ theo những luật lệ riêng trong quá trình trò chuyện.

Khỉ được nuôi trong một khu du lịch sinh thái.

Đối với giống khỉ Marmoset, việc “giữ thái độ lịch sự” khi trò chuyện như trên mang lại rất nhiều lợi ích. Nếu một con khỉ bị tách khỏi nhóm quen thuộc hằng ngày và nhập vào một đàn khỉ mới, việc “giữ lượt” khi trò chuyện là rất tiện ích, bởi những con khác biết con khỉ mới nhập đàn này là một kẻ biết lắng nghe, hơn là chỉ “nói nhiều”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cách trò chuyện theo lượt ở khỉ Marmoset có thể chính là nền móng của hình thức giao tiếp phức tạp và tinh vi chỉ xuất hiện ở con người.
Bằng cách tìm hiểu những cuộc trò chuyện của loài khỉ nhỏ bé hoạt ngôn này, các nhà khoa học hy vọng có thể khám phá thêm phần nào về nguồn gốc của sự giao tiếp của con người, đồng thời khuyến khích chúng ta nên học tập khỉ Marmoset để có phong thái giao tiếp trong cuộc sống lịch sự hơn.

Trở thành “sát thủ” … vì tình

Ở khu vực phía bắc của rừng Atlantic, khỉ muriqui có cuộc sống dễ chịu vì lá cây (thức ăn chính của chúng) rất dồi dào. Tại đây, chúng sống theo đàn lớn và những con đực luôn kiên nhẫn xếp hàng để giao phối với con cái.

Do không được giao phối thường xuyên, tính khí của những con đực dần thay đổi. Chúng trở nên hung dữ và dễ bị kích động. Thông thường, khỉ muriqui đực có mối quan hệ khá khăng khít với những con đực cùng huyết thống. Vì thế, chúng thường tấn công những con đực đơn lẻ để loại bớt đối thủ cạnh tranh trong trò chơi tình ái.

Thế mới biết, không chỉ con người mới có khả năng loại “đối thủ” trong trò chơi tình ái, loài khỉ còn quyết liệt hơn.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tinh-cach-dang-yeu-cua-loai-khi-32267.html