Tìm hiểu về thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982

Phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế được quy định rõ trong Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Điều 76 của Công ước quy định thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m). Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý. Trong trường hợp rìa ngoài của thềm lục địa thực tế của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có quyền mở rộng phạm vi thềm lục địa đến 350 hải lý theo đúng các quy định của Công ước. Tuy nhiên, để có thể mở rộng quá 200 hải lý, quốc gia liên quan phải gửi báo cáo quốc gia đến Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc để Ủy ban này xem xét và ra khuyến nghị.

Đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bịt tàu Hải giám Trung Quốc cắt. Ảnh: Internet Đối với quy chế pháp lý của thềm lục địa, Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Quốc gia ven biển có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở trong thềm lục địa của mình. Các tài nguyên thiên nhiên này bao gồm tài nguyên khoáng sản và tài nguyên phi sinh vật khác ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Tài nguyên thiên nhiên gồm rất nhiều loại khác nhau. Nhưng hiện nay, dầu, khí là hai loại tài nguyên mà các nước quan tâm. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình ở thềm lục địa của mình. Cách thức thực hiện quyền chủ quyền này hoàn toàn do các quốc gia ven biển quyết định. Có khi các quốc gia này tự mình tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa. Có khi các quốc gia ven biển cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thăm dò và khai thác. Theo pháp luật quốc tế, khi tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước một cách toàn diện. Các quốc gia thành viên được hưởng các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Đồng thời, họ có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ. Tức là quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau. Không thể chỉ hưởng thụ các quyền mà bỏ qua nghĩa vụ tương ứng. Yêu cầu này được thể hiện trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Đó là nguyên tắc “pacta sun servanda” đã được pháp điển hóa trong Công ước năm 1969 của Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Yêu cầu này cũng chính là một nghĩa vụ của 192 thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này. Việt Nam là một trong 161 thành viên Công ước Luật Biển năm 1982. Căn cứ vào các quy định của Công ước, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã tái khẳng định điều này. Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ XX, Nhà nước Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của mình. Do hạn chế về tài chính và năng lực, nên ta đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo Luật Khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hàng chục công ty dầu khí từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ca-na-đa, Úc, Xinh-ga-po...) đang hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam để thăm dò, khai thác tại các lô Dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam. Đó là việc làm bình thường theo đúng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Các quốc gia khác ven biển Đông như Trung Quốc, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Căm-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a cũng đang thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của mình. Lô 148 mà tàu thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Trung Quốc cũng là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982, nên hành động đó của Trung Quốc hoàn toàn trái với nghĩa vụ và trách nhiệm phải tuân theo Công ước này. Việc Trung Quốc cho tàu phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam rõ ràng cũng trái với nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Như mọi người đều biết, để góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và trong khu vực, vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã long trọng ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (thường được gọi tắt là Tuyên bố DOC năm 2002). Trong Tuyên bố đó, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, không sử dụng vũ lực. Trong nhiều Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (Code of Conduct). Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 18 đầu tháng 5 tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã quyết định tăng cường nỗ lực thực hiện toàn diện DOC và năm 2011, xây dựng Luật Ứng xử ở biển Đông nhân kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. Đối chiếu với quy định của DOC cũng như quyết tâm chung của khu vực, vụ việc tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 ngay trong thềm lục địa Việt Nam hoàn toàn trái với các cam kết theo Tuyên bố DOC năm 2002. Vụ việc đó không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, không đáp ứng tâm tư và nguyện vọng của nhân dân hai nước, không phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thực hiện toàn bộ Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và cũng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực. Huyền Hoa

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/phap-luat/tim-hieu-ve-them-luc-dia-viet-nam-theo-cong-uoc-luat-bien-nam-1982/42760.037.html